11/11/2016 09:17 GMT+7

Buổi học không... sách vở

ĐOÀN CƯỜNG, DOANCUONG@TUOITRE.COM.VN
ĐOÀN CƯỜNG, [email protected]

TTO - 75 học sinh “chưa ngoan” ở địa bàn Q.Sơn Trà (TP Đà Nẵng) vừa trải qua một khóa học đặc biệt. Đó là hoạt động giáo dục đạo đức thông qua việc tham quan, giao lưu tại Trường Giáo dưỡng số 3 và Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng.

Các em học sinh lấy sữa của mình rồi tự tay mở ống hút, găm vào hộp sữa để mời các bạn nạn nhân chất độc da cam - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Các em học sinh lấy sữa của mình rồi tự tay mở ống hút, găm vào hộp sữa để mời các bạn nạn nhân chất độc da cam - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Ngay khi xe đến Trường Giáo dưỡng số 3, các học sinh được cán bộ của trường dẫn đi tham quan giới thiệu công năng các phòng học tập, phòng ăn, ở, và đặc biệt là phòng kỷ luật.

Học sinh L.H. (Trường THCS Nguyễn Chí Thanh) chia sẻ: “Đến trường giáo dưỡng, thăm mấy phòng ở, phòng kỷ luật xong tự nhiên em thấy sợ, em tởn luôn, hứa sẽ bớt nghỉ học, bớt đi chơi và thấy thương cha mẹ hơn”.

Đặc biệt nhà trường còn “bố trí” cho một cựu học sinh của Q.Sơn Trà đang học tập tại đây chia sẻ cùng các bạn. Đó là Đ.N.D. (15 tuổi, trú P.Thọ Quang, Sơn Trà). D. cho biết em rất nhớ cô Phương chủ nhiệm lớp của mình khi còn học ở Q.Sơn Trà, nhớ những lời khuyên răn của cô khi D. ham chơi, trốn học cùng bạn bè xấu.

“Những lời khuyên của cô em bỏ ngoài tai, chỉ nghe lời rủ rê của bạn bè thúc giục nên càng ham chơi hơn, nhậu nhẹt nhiều hơn. Và kết quả của việc chơi bời đó là em được đưa vào trường giáo dưỡng để học tập, rèn luyện lại bản thân - D. tâm sự tiếp - Nếu cho một điều ước, em ước thời gian sẽ quay lại để sửa chữa lỗi lầm của mình, để được ở nhà với gia đình, được tiếp tục cắp sách đến trường cùng các bạn”.

Gần trưa, các em được đưa về cơ sở 3 (Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng), nơi đây có 60 nạn nhân chất độc da cam có độ tuổi học trò như mình. Nhìn cảnh các bạn nạn nhân da cam tay chân bị tật, thân hình không được lành lặn, nhưng vẫn tự tay làm ra những bó nhang hay các giỏ hoa xinh xắn khiến các em học sinh từ trầm trồ ngạc nhiên đến... im lặng.

Em N.V.Đ. (Trường tiểu học Quang Trung) thử ngồi vào làm nhang như các nạn nhân da cam rồi chia sẻ: “Em phục các bạn quá, các bạn bị tật vậy mà làm được việc. Còn em toàn bị cha mẹ la. Giờ em đã hiểu rồi”.

Nhìn các nạn nhân da cam nhảy, múa theo nhạc để tặng các bạn học sinh, nhiều em đã ngồi thừ người ra. Bà Nguyễn Thị Hiền (chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng) đẩy chiếc xe lăn chở nạn nhân chất độc da cam Nguyễn Hòa Niên (14 tuổi) ra phía trước cả hội trường.

Bà Hiền xúc động: “Các con được quàng khăn đỏ, được đến trường, được cha mẹ chăm bẵm từng li từng tí. Và điều hạnh phúc nhất là các con lành lặn, được chơi những gì mình thích. Còn đây, bạn này bằng tuổi các con nhưng không thể đứng, không thể tự ăn nhưng bạn lúc nào cũng cười. Cô mong các con hãy quý trọng những gì mình đang có”.

Bà Hiền chỉ về phía các nạn nhân da cam vừa diễn văn nghệ xong. Các bạn đó cũng bằng tuổi các con, có bạn khiếm thính, bạn bị tật tay chân...

Câu chuyện của bà Hiền và những hình ảnh sống trước mặt đã khiến các em học sinh chưa ngoan hiểu phần nào. Em P.N.T. (Trường tiểu học Tiểu La) trên tay cầm hộp sữa đã đưa cho nạn nhân da cam Phạm Văn Phú (11 tuổi). Phú lớ ngớ không mở được, T. vội giúp bạn mở lấy ống hút găm vào hộp sữa cho bạn.

Rồi từng nhóm học sinh vội đi xin những tờ giấy nhỏ. Các em ngồi bệt xuống đất và gấp những chiếc thuyền nhỏ để tặng các bạn nạn nhân da cam mới quen.

Em Đ.N.P. (Trường THCS Nguyễn Chí Thanh) tâm sự: “Tụi em lành lặn hơn các bạn mà không giúp ích gì cho cha mẹ còn làm cha mẹ, thầy cô buồn. Nhìn các bạn ở đây tụi em cảm thấy mình xấu hổ quá. Em sẽ nhìn vào các bạn để lấy đó làm bài học”.

Học từ thực tế

Bà Nguyễn Thị Thảo (trưởng Phòng GD-ĐT Q.Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết tổ chức hoạt động giao lưu, giáo dục đạo đức học sinh năm học 2016 - 2017 tại Trường Giáo dưỡng số 3, Hội Nạn nhân chất độc da cam nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức học sinh; hình thành thói quen tốt trong suy nghĩ, tư duy và ứng xử của học sinh.

Tạo không khí vui tươi, tạo cơ hội cho các học sinh Sơn Trà được giao lưu, sẻ chia với những thiếu niên hư và trẻ bị nhiễm chất độc da cam trên địa bàn thành phố.

Từ đó giúp các em học sinh thay đổi tư duy, phấn đấu hơn nữa trong tu dưỡng rèn luyện và vươn lên học tập tốt.

Đối tượng tham gia là học sinh từ lớp 5 đến lớp 9, đang học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở Q.Sơn Trà.

Trước khi đưa học sinh đi, phòng đã chỉ đạo các trường gặp gỡ, trao đổi với học sinh, cha mẹ học sinh về ý nghĩa nhân văn của hoạt động giao lưu.

“Chính từ thực tế các em đi, gặp gỡ, giao lưu với các bạn cùng trang lứa ở trường giáo dưỡng, Hội nạn nhân chất độc da cam sẽ giúp các em tự vỡ ra những bài học của chính mình” - bà Thảo cho biết.

“Có lẽ sẽ khó có sách vở nào dạy các em tốt hơn về lòng trắc ẩn, tính nhân văn bằng hình ảnh các nạn nhân chất độc da cam cùng trang lứa với mình. Tôi thấy điều đó thật ý nghĩa!"

Bà Nguyễn Thị Hiền
(chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng)

 
ĐOÀN CƯỜNG, [email protected]
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên