Bà Phạm Khánh Phong Lan - Ảnh: Việt Dũng |
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đã so sánh như vậy khi nói về nhiệm kỳ ĐBQH đầu tiên của mình tại phiên thảo luận ở tổ về các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ... sáng 23-3.
Công tác làm luật "không ổn"
Một trong những điều mà đại biểu Lan “hiểu ra” vào cuối nhiệm kỳ chính là công tác làm luật theo bà là “không ổn”.
“Quốc hội phải là người xây dựng luật, chứ giao cho Chính phủ xây dựng luật từ đầu là không ổn. Chính phủ chỉ là người đóng góp cho việc xây dựng” - bà Lan nói.
Theo bà, hiện nay khi làm luật, Chính phủ giao cho các bộ ngành, nhiều chuyên viên làm luật quá non trẻ, không có thực tiễn cuộc sống, nhiều vấn đề được nhìn nhận theo kiểu “không quản được thì cấm”.
Điều đó khiến nhiều luật kém chất lượng, xa rời cuộc sống. Còn ĐBQH thì không đủ thời gian để nghiên cứu dự thảo luật. Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu thì những ý kiến sau đó của ĐBQH thường không được tiếp thu.
“Khi ra Quốc hội bấm nút, nhiều vấn đề đại biểu tranh luận không được tiếp thu. Nhiều vấn đề chưa thống nhất nhưng luật vẫn thông qua khiến ĐBQH day dứt, ăn không ngon ngủ không yên” - bà Lan nói.
Cơ chế xin cho làm đại biểu “chùn tay”
“Tôi biết nhiều đại biểu không dám nói hết điều muốn nói ở Quốc hội, vì sợ đụng chạm, ảnh hưởng đến địa phương. Khi phát biểu đều phải suy nghĩ được gì, mất gì”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm - phó bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP.HCM - chia sẻ như vậy tại phiên thảo luận ở tổ.
"Tôi nói thẳng khi nào chưa bỏ được cơ chế xin cho bao cấp, không phân cấp phân quyền cho địa phương thì không thể khắc phục được những hạn chế khi thảo luận tình hình kinh tế xã hội”.
Bà Tâm phân tích: “Còn cơ chế xin cho, nếu đại biểu nói mạnh, nói đúng với thực tiễn thì sẽ đụng chạm, ảnh hưởng đến địa phương. Đại biểu không dám phát biểu hết suy nghĩ, không bao giờ phát biểu thẳng thắn. Phát biểu vì thế có khi thờ ơ với cuộc sống, không mang hơi thở cuộc sống”.
Cùng là một đại biểu địa phương, phó bí thư Thành ủy TP.HCM nói nỗi khổ tâm của các đại biểu khi phát biểu: “Phát biểu mà còn phải cân nhắc thiệt hơn, được gì mất gì cho địa phương thì làm sao đòi hỏi sự tranh luận cho thấu đáo đến cùng? Bao giờ bỏ được cơ chế xin cho thì đại biểu địa phương mới nói hết được tiếng nói của người dân, mới thể hiện được quyền lực tối cao của Quốc hội”.
Góp ý cho Quốc hội khóa XIV, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị phải đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội để gần dân hơn, đại biểu gần dân hơn.
“Tăng đại biểu chuyên trách lên nhưng có đảm bảo là các đại biểu sẽ gần dân hơn không?” - bà Tâm đặt câu hỏi.
Phó bí thư Thành ủy TP.HCM cũng nói bà có cảm giác Quốc hội càng ngày càng hành chính hóa hoạt động của ĐBQH.
“Quốc hội hoạt động hoạt động bàn giấy, mang tính chất hội nghị còn nhiều quá. Giám sát cũng hội nghị, chúng ta ngồi đây cũng là hội nghị. Phải có cơ chế gì để Quốc hội gần dân hơn” - bà mong muốn.
Gần bầu cử thì lại ồ ạt thăng hàm Đánh giá về công tác giám sát của Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) nói ông có cảm giác Quốc hội vẫn còn “vuốt ve” thành tích các cơ quan được giám sát chứ chưa có cơ chế để chỉ rõ nhiều bệnh tật, nguyên nhân và nội tình căn bệnh đó để chữa trị. “Khi giám sát thì chủ yếu giám sát chung, chứ giám sát vụ việc còn ít. Ví dụ thông qua giám sát xâm nhập mặn ở ĐBSCL thì phải chỉ rõ được vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp để giải quyết được tình hình. Giám sát như vậy mới giải quyết được thực tiễn” - đại biểu Đương nói. Ông Đương đề nghị hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ tới cần nâng cao chất lượng ĐBQH. Theo ông, cơ cấu đại biểu là cần nhưng chất lượng ĐBQH mới trên hết, theo đó cần chú trọng tiêu chuẩn về kinh nghiệm, bản lĩnh, vốn cuộc sống để thực sự phải người dám nói, dám phát biểu. “Đặc biệt ĐBQH chuyên trách ở Trung ương phải thực sự có trình độ, tránh tình trạng cứ chuẩn bị bầu cử thì nhiều vụ phó được thăng hàm vụ trưởng để trở thành ĐBQH chuyên trách” - ông nêu thực tế. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận