Coteccons lên kế hoạch lãi gấp năm ngoái 11 lần
Năm 2022, Công ty cổ phần xây dựng Coteccons có doanh thu thuần đạt 14.537 tỉ đồng, tăng hơn 60% so với năm 2021 song không đạt kế hoạch 15.010 tỉ đồng đã đề ra. Lãi sau thuế ghi nhận 20,8 tỉ đồng, giảm so với năm trước đó nhưng lại đạt chỉ tiêu đề ra và là năm đầu tiên doanh thu tăng trở lại sau "nội chiến".
Theo tài liệu đại hội cổ đông vừa được doanh nghiệp này công bố, năm nay Coteccons đặt kế hoạch doanh thu cả năm đạt 16.249 tỉ đồng, tăng trưởng 12% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 233 tỉ đồng, tăng 11 lần so với năm 2022.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Quân Lực - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Coteccons - cho biết Coteccons đã có chiến lược đa dạng hóa kinh doanh khi phát triển sang các lĩnh vực như nhà xưởng công nghiệp, hạ tầng và ưu tiên chăm sóc những khách hàng lớn có sức khỏe hoạt động lành mạnh.
Như vậy, nhà thầu này cũng đang đi đầu xu hướng dịch chuyển sang xây dựng nhà xưởng để đón đầu làn sóng FDI. Giá trị các hợp đồng đã ký (back-log) chuyển tiếp cho năm nay còn khoảng 17.000 tỉ đồng, chưa bao gồm hợp đồng nhà máy LEGO và doanh nghiệp này cũng kỳ vọng trúng thầu các dự án đầu tư công lớn khác như sân bay Long Thành.
Hòa Bình kỳ vọng lãi 125 tỉ đồng
Còn với "ông lớn" khác trong ngành xây dựng là Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng đặt mục tiêu kinh doanh "khiêm tốn" năm nay trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình Lê Viết Hải cho biết bên cạnh khó khăn chung của thị trường, thời gian qua Hòa Bình cũng gặp khó do đã tập trung lớn vào các lĩnh vực như bất động sản du lịch, các căn hộ nghỉ dưỡng… ven biển theo các chủ đầu tư lớn, dẫn đến khi du lịch sụt giảm, cả chủ đầu tư đến nhà thầu cũng gặp khó.
Năm nay, Hòa Bình đặt mục tiêu doanh thu 12.500 tỉ đồng, giảm 11,5% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế kỳ vọng là 125 tỉ đồng, cao hơn nhiều so với khoản lỗ sau thuế 1.141 tỉ đồng năm ngoái.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản chạm đáy như hiện nay, Hòa Bình bên cạnh xử lý nợ tồn đọng đối với các dự án đã xây dựng, đang ngưng trệ cũng phải nỗ lực để có thêm các đơn hàng mới trong giai đoạn cạnh tranh về đơn hàng đang rất gay gắt giữa các nhà thầu.
Một điều khó khăn đối với Hòa Bình nữa là tập đoàn này vừa bước ra khỏi cuộc "nội chiến" liên quan đến vị trí chủ tịch hội đồng quản trị. Do đó, tập đoàn này vừa phải ổn định hoạt động, quản trị nội bộ lẫn dốc sức tìm kiếm đơn hàng để giữ công ăn việc làm cho người lao động.
Vì vậy, lối ra cho bài toán doanh thu của các nhà thầu Việt Nam cũng như Hòa Bình đó là tập trung cho lĩnh vực hạ tầng, dự án có vốn đầu tư công, nhà xưởng công nghiệp và nhà ở xã hội...
Động lực nào giúp thị trường "đảo chiều"?
Ông Phạm Quân Lực - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Coteccons - cho rằng Luật đất đai sửa đổi nếu được ban hành và có hiệu lực kịp thời như kế hoạch vào nửa cuối năm 2024 sẽ là "bước ngoặt" lớn cho ngành bất động sản, khi tháo gỡ các nút thắt pháp lý trong việc phê duyệt dự án nhà ở mới, từ đó giúp nguồn cung nhà ở dần phục hồi từ năm 2024-2025.
Ông Lực cho hay bên cạnh giúp doanh nghiệp bất động sản tháo gỡ khó khăn về thanh khoản trong thời gian tới, doanh nghiệp nhận định việc khôi phục niềm tin của người mua nhà cũng là một vấn đề cấp thiết để thị trường bất động sản có thể "đảo chiều".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận