21/04/2020 10:28 GMT+7

Bước qua 'lời nguyền'

KIM ANH
KIM ANH

TTO - Nay Djruêng (26 tuổi, dân tộc Jrai, ở huyện Krông Pa, Gia Lai) không có đôi bàn tay, còn đôi chân chỉ là đoạn xương dài đến đầu gối. Những người như anh theo hủ tục của người đồng bào Tây Nguyên là bị chôn sống khi chào đời...

Bước qua lời nguyền - Ảnh 1.

Nay Djruêng đọc sách mỗi khi rảnh - Ảnh: CK.

Gia đình anh dũng cảm bước qua lời nguyền, bản thân anh trở thành một cử nhân công nghệ thông tin viết nên câu chuyện cuộc đời.

Hủ tục và nỗi đau

Djruêng có một người anh trai, khi sinh ra đời cũng bị tật. Hủ tục xưa nay "đó chính là ma quỷ, đó chính là ma quỷ". Lời nguyền ma quỷ thì không đem lại điều tốt cho làng, và kết cục là người anh trai xấu số của Djruêng đã bị chôn sống. 

Nỗi đau và ám ảnh không bao giờ vơi trong lòng ba mẹ Djruêng, khi đứa bé tội nghiệp mãi ba ngày sau mới qua đời, tính từ khi những người trong làng thực hiện hành động tội lỗi của họ...

Đến khi Djruêng chào đời. Lần nữa nhìn thấy những dị tật, gia đình sống lại với nỗi ám ảnh trước đó. Bà ngoại và anh chị của Djruêng làm một cuộc trốn chạy, tức tốc ẵm Djruêng đi lánh chỗ khác. Khi thấy không ai còn để ý, Djruêng được đưa về cho ba mẹ.

Sau này, Djruêng nghe ba chia sẻ: "Nếu bố mẹ mà để người ta chôn thêm một người con nữa thì nỗi đau và ân hận sẽ còn mãi, cái ác diễn ra do suy nghĩ lạc hậu thì đó không thể là điềm lành".

Gia đình có đến bảy anh chị em, khó khăn chất chồng. Khi 8 tuổi, Djruêng vẫn chưa được tới trường. Hầu như tuổi thơ của bạn chỉ ở trong phòng kín ngồi khóc vì không được ra ngoài chơi với đám bạn. 

"Một lần, em trai của mình viết bài tập về nhà, mình xin viết thử rồi xin với gia đình cho phép đi học" - Djruêng nhớ lại. Được ba mẹ đồng ý, đi học nội trú, dù phải tự lo cho mình thì đó chính là bước khởi đầu cho tương lai tươi sáng của Djruêng.

Tiếp lửa cho đàn em

Dù rất nhiều lần Djruêng bị bạn bè chọc ghẹo đến phát khóc nhưng cũng nhiều người bạn giúp đỡ Djruêng trong suốt chặng đường học tập. 

"Mình tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ ở trường từ năm cấp II và ước mơ ngày đó của mình là trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp. Hồi đó mỗi khi đứng trên sân khấu hát mình cảm thấy thoải mái và thật là chính mình nhất" - bạn tâm sự.

Cứ thế, Djruêng lên lớp đều đặn rồi bước lên chặng tiếp theo là học cao đẳng ở Đà Nẵng. Một trong những điều đặc biệt của Djruêng là sau khi tốt nghiệp, bạn vào TP.HCM đi làm và tham gia tiếp sức cho thế hệ sau qua chương trình "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ. 

"Ngày xưa đi học mình đã rất khó khăn, tưởng như không thể đi tiếp, do vậy khi đi làm mình nghĩ phải có cách gì đó giúp lại những em nhỏ của bản làng mình. Mình vẫn nhớ năm học đầu cấp II đã được nhận học bổng "Vì ngày mai phát triển" của báo Tuổi Trẻ. 

Đó là niềm khích lệ bản thân mình rất lớn. Và mình muốn chia sẻ lại với những bạn học sinh sau mình, góp chút ít để có kinh phí tặng học bổng, tập vở, dụng cụ học tập cho các em" - Djruêng nói.

Djruêng đau đáu chuyện người khuyết tật ngại đến lớp, ngại ra cộng đồng... Cứ có cơ hội Djruêng lại chia sẻ với những người có hoàn cảnh giống mình.

Bạn nói: "Khuyết tật thì đi lại tất nhiên khó khăn, nhất là chỗ đông người hoặc khi dùng phương tiện công cộng. Mình không ngại nhờ người khác giúp mình một chút như nhờ đưa qua đường hoặc lên xe. Nhiều người thật tốt bụng trên cuộc đời này".

roi va tre em 3(read-only)

Nay Djruêng cùng các bạn nhỏ trong một hoạt động tình nguyện - Ảnh: C.K.

Nhưng Djruêng nói không phải không có những lúc bị người khác nhìn bằng ánh mắt coi thường. Bạn chia sẻ: "Lắm lúc cũng buồn, nhưng điều mình luôn mong mỏi là những người thân, gia đình của những bạn khuyết tật, hãy xóa bỏ sự ngại ngùng, xấu hổ, bởi gia đình mà còn vậy thì huống hồ chi người xa lạ trong xã hội".

Theo Djruêng, để xóa bỏ rào cản, từ phía gia đình, những người thân phải cho các bạn tự làm những gì các bạn có khả năng làm được và sống tự lập. "Các bạn khuyết tật khi có tự tin thì hoàn toàn chinh phục được những ước mơ, làm được rất nhiều điều tuyệt vời đối với xã hội cũng như chính bản thân" - Djruêng chia sẻ.

Biến bất hạnh đời mình thành động lực sẻ chia Biến bất hạnh đời mình thành động lực sẻ chia

TTO - Lưu Nguyễn - chàng trai trẻ chỉ còn một chân - vẫn tươi roi rói, không ngại ngần chăm sóc cho những cụ già xa lạ, không ngại tìm đến tiếp sức cho một bệnh nhân sắp mất, một hoàn cảnh đáng thương bị tai nạn nào đó…

KIM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên