Bão lũ còn rình rập, do vậy chúng ta phải đứng dậy và hành động. Đó là cách tốt nhất để tưởng nhớ những người đã nằm xuống, để những ai đã mất đi người thân yêu, mất tài sản, mất cơ nghiệp được nguôi ngoai đứng lên tiếp tục với chặng đường phía trước.
Qua bão lũ chúng ta đã nhìn thấy những khiếm khuyết của con người với thiên nhiên. Chính quyền thấy được sự mỏng manh của cơ sở hạ tầng, của quản lý đô thị, quy hoạch, bố trí dân cư...
Doanh nghiệp có thêm bài học để xây dựng nhà máy, khu vực nuôi trồng... Từng hộ gia đình nhận ra cần phải chỉnh sửa lại nhà sao cho vượt qua được bão lũ...
Tất cả, một dịp để chúng ta khắc phục và xây dựng lại tốt hơn nhưng phải thân thiện hơn với môi trường, thiên nhiên.
Làm sao để trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, chúng ta có được kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, phù hợp để không bị động.
Vậy tiền đâu? Bài toán này không khó ở giai đoạn hiện nay. Vấn đề là chúng ta phải biết tạo ra tiền và dùng những đồng tiền đó chi li vì đồng bào thân yêu. Tiền đó là từ chính sách tài khóa.
Chính phủ có thể vay thêm, qua trái phiếu chính phủ. Nợ công của Việt Nam đang ở mức rất an toàn. Chính phủ vay thêm là để đầu tư tái thiết cơ sở hạ tầng, không phải vay để chi xài. Tiền ở ngân hàng nhưng chưa cho vay được sẽ được hướng qua trái phiếu để đưa ra làm điện - đường - trường - trạm, để tái định cư cho đồng bào ở nơi an toàn.
Rồi chúng ta đầu tư phải tạo ra cơ sở hạ tầng mới tốt hơn, chất lượng hơn để nâng cao mức sống và bảo vệ người dân trước thiên tai.
Và quan trọng là qua đó tạo nền tảng cho nhiều địa phương vùng khó khăn có cơ hội phát triển, nhất là du lịch. Tiền từ đâu nữa? Từ vốn đầu tư công chưa giải ngân được, chuyển sang cho công tác tái thiết...
Kèm theo đó phải là hàng loạt chính sách về tín dụng, thuế để tiếp sức cho khu vực kinh tế tư nhân khôi phục, xây dựng lại cơ sở sản xuất kinh doanh.
Có tiền rồi, cả vùng chịu hậu quả bão lũ sẽ là công trường. Công tác xài tiền qua các dự án cũng là thử thách cho tất cả chúng ta.
Nhưng đây cũng là dịp để chúng ta phát huy tinh thần lăn xả, linh hoạt, đồng lòng vì mục tiêu chung như đã từng thể hiện trong phòng chống dịch COVID-19, xây dựng đường dây 500KV mạch 3...
Cả nước chung tay cùng tái thiết vì đồng bào vùng bão lũ, nếu phát huy tốt tinh thần này sẽ tạo ra bước chuyển mới để làm tan băng sự chây ì, sợ trách nhiệm ở một bộ phận cán bộ, công chức.
Biết rằng mọi việc còn ngổn ngang, công việc phía trước còn rất nhiều trắc trở. Rằng trong tái thiết sẽ còn nhiều "quả đồi thủ tục" đổ sập xuống ngáng đường. Vì vậy phải khơi dậy tinh thần làm việc vì đồng bào vùng bão lũ và có chính sách bảo vệ những con người, những sáng kiến vì đồng bào vùng bão lũ.
Có thể dùng câu thơ của Nguyễn Đình Thi "Rũ bùn đứng dậy sáng lòa" trong tái thiết để mai này khi nhắc về "năm Thìn bão lụt" con cháu chúng ta cũng sẽ nhớ đến những kỳ tích, bước ngoặt đổi đời được tạo ra từ công cuộc tái thiết vùng bão lũ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận