26/06/2021 08:11 GMT+7

Bước ngoặt của cô nàng yêu trang sức

BÌNH MINH
BÌNH MINH

TTO - Tốt nghiệp loại giỏi một trường đại học quốc tế tại TP.HCM và đang có công việc tốt, năm 2014 cô gái 9X Trần Hiền Diệu quyết định bỏ việc chuyển sang xây dựng thương hiệu trang sức riêng.

Bước ngoặt của cô nàng yêu trang sức - Ảnh 1.

Trần Hiền Diệu (bìa trái) cùng những người nước ngoài tham gia workshop làm trang sức - Ảnh: NVCC

Không kinh nghiệm, không người ủng hộ, hằng ngày đối diện với những câu hỏi hoài nghi và vấp ngã vô số lần, Hiền Diệu nói hành trình làm Ddreamer trong 7 năm dạy cô bài học về nỗ lực vượt qua thử thách để đi tìm giấc mơ riêng.

Cho bản thân cơ hội

Sau khi tốt nghiệp ngành truyền thông chuyên nghiệp vào năm 2013, Hiền Diệu có dịp thử sức tại lĩnh vực quảng cáo và sau đó là vị trí phát triển truyền thông cho 1 chuỗi nhà hàng. Năm 2014, một lần đi hội chợ cuối tuần, cô bạn thấy rất nhiều người trẻ bày bán sản phẩm đa dạng do họ tự thiết kế.

"Mình tự dưng nảy ra ý tưởng sao không thử bán trang sức? Gia đình ở quê cũng làm trong lĩnh vực này, mình lại yêu thích phụ kiện, hay cứ thử làm vài mẫu đơn giản với giá vừa túi tiền và bán thử xem sao!", cô kể.

Chỉ với suy nghĩ thoáng qua ấy, Diệu bắt tay vào làm thương hiệu Ddreamer của bản thân. Nghĩ lại, Hiền Diệu nói cô thấy mình liều vì không hề có kinh nghiệm về kinh doanh, suy nghĩ rất đơn giản và chỉ có mỗi quyết tâm cao độ. Những ngày tháng đầu tiên, mọi việc Diệu đều mày mò tự làm để tiết kiệm chi phí. Cuối tuần, cô mang sản phẩm đến bán tại các hội chợ để giới thiệu. Nửa năm miệt mài, Ddreamer như một đứa trẻ dần lớn lên trong tay Diệu.

Thời điểm mới nghỉ việc, Diệu chỉ bán hàng online và mở được một cửa hàng nhỏ đầu tiên trong 1 căn chung cư ở quận 3. 

Gia đình cô lo lắng, trong khi họ hàng thắc mắc vì sao tốt nghiệp trường quốc tế lại ra làm kinh doanh nhỏ lẻ thay vì đầu quân cho các công ty nước ngoài. Ngay cả bạn bè cũng không tin Diệu có thể theo đuổi con đường này lâu dài.

Vậy nhưng với Hiền Diệu, cô vẫn cho bản thân một cơ hội để thử sức, kể cả khi quanh mình lúc ấy rất ít người thân ủng hộ. Hành trình với Ddreamer thoáng chốc đã trôi qua một chặng đường dài. Bảy năm nhìn lại, Diệu đã phát triển các dòng sản phẩm trang sức bạc, đá phong thủy và còn nhận thiết kế thủ công theo yêu cầu của khách hàng.

Các thiết kế của Diệu đáp ứng được thị hiếu của người trẻ nhờ khả năng cập nhật nhanh chóng các xu hướng và sở thích khách hàng, giúp Ddreamer tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Bên cạnh đó, cô cũng mở chuỗi workshop hướng dẫn về thiết kế trang sức với mong muốn mang trải nghiệm chế tác trang sức gần gũi hơn với các bạn trẻ. Với khả năng tiếng Anh lưu loát có được từ việc học trường quốc tế, Diệu mở rộng workshop cho cả những người nước ngoài. Qua đó, cô mong gìn giữ và giới thiệu về truyền thống kim hoàn của Việt Nam đến nhiều người hơn, đặc biệt là bạn bè quốc tế.

Mọi kiến thức đều quý giá

Học truyền thông để rồi cuối cùng theo đuổi lĩnh vực kinh doanh trang sức, Hiền Diệu nói cô học được nhiều thứ. Trong đó, những kiến thức thời đại học trở thành "trợ thủ" đắc lực giúp Diệu xây dựng và quảng bá hình ảnh Ddreamer một cách chiến lược và bài bản hơn. Còn lại, cô tự mày mò học hỏi từ sổ sách, hàng hóa đến tài chính, trải nghiệm, và tất nhiên là cả phạm sai lầm để rút ra kinh nghiệm.

"Không một công việc nào là giống hoàn toàn với những gì bạn học ở trường và giống với mọi mong muốn của bạn cả. Điều quan trọng tạo nên sự khác biệt chính là việc bạn nắm bắt được công việc và biết cách linh hoạt vận dụng kiến thức mình có. Mọi kiến thức đều quý giá", Diệu chia sẻ.

Hiền Diệu khuyên những người trẻ nên đi làm từ 2-3 năm sau khi ra trường tại các công ty cho phép họ học hỏi nhiều hoặc thuộc lĩnh vực mà họ mơ ước muốn khởi nghiệp. Đó là cơ hội để họ hiểu về bản thân và về ngành nghề họ muốn theo đuổi. "Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng", cô nói.

Theo Hiền Diệu, khi bắt đầu khởi nghiệp, những bạn trẻ nên trải nghiệm bằng cách kinh doanh online trước, làm từ những việc nhỏ nhất để đánh giá những gì mình thật sự cần, hoặc kế hoạch kinh doanh có phù hợp để bản thân phát triển lâu dài hay không.

"Đặc biệt, trước khi quyết định nghỉ việc để bắt đầu khởi nghiệp, các bạn nên có kế hoạch tài chính an toàn để duy trì cuộc sống và vận hành công ty của mình trong thời gian đầu", Diệu nhấn mạnh.

Luôn tích cực

Trong bất kỳ lĩnh vực nào đều có những khó khăn riêng. Mình có thể gặp thất bại khi chưa có đủ kinh nghiệm. Điều mình học được và luôn nhắc nhở bản thân mỗi ngày là luôn giữ tinh thần và thái độ sống tích cực nhất có thể trong mọi tình huống.

Làm kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực cung cấp sản phẩm và dịch vụ chăm sóc khách hàng, mình như làm dâu trăm họ. Các khách hàng có nhiều tính cách và yêu cầu. Vì vậy, nếu không giữ thái độ tích cực để xử lý tình huống linh hoạt, chắc mình sẽ sống trong áp lực mỗi ngày và không tập trung vào phát triển những việc khác được.

2 cô gái 9X của Trạm Radio 2 cô gái 9X của Trạm Radio 'góp gió' cho văn học Việt

TTO - Lý do nào để hai cô gái trẻ dù rất bận bịu với công việc toàn thời gian và với bao dự định của tuổi trẻ vẫn dành rất nhiều thời gian và cả tiền bạc để làm Trạm Radio? Hai cô giải thích là muốn "nuôi dưỡng tình yêu văn học đến mọi người".

BÌNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên