25/06/2008 07:44 GMT+7

Bước đột phá về công tác cán bộ?

TT - Thông báo tìm ứng cử viên thứ trưởng của Bộ GD-ĐT đang trở thành sự kiện được dư luận đặc biệt quan tâm. Đây có phải là sự khởi đầu cho một phương thức bổ nhiệm cán bộ dựa trên sự cạnh tranh lành mạnh về năng lực? Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi

VHm3yqz2.jpgPhóng to
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bùi Mạnh Nhị và thông báo giới thiệu ứng viên chức thứ trưởng của Bộ GD-ĐT
TT - Thông báo tìm ứng cử viên thứ trưởng của Bộ GD-ĐT đang trở thành sự kiện được dư luận đặc biệt quan tâm. Đây có phải là sự khởi đầu cho một phương thức bổ nhiệm cán bộ dựa trên sự cạnh tranh lành mạnh về năng lực? Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Mạnh Nhị - vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD-ĐT) - cho rằng đây là cách tốt nhất để lựa chọn, bổ sung cán bộ...

Ông Bùi Mạnh Nhị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD-ĐT):

Công khai chọn cán bộ là tốt nhất

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bùi Mạnh Nhị nói:

- Bộ muốn có thêm đối tượng để tuyển chọn, giới thiệu những người có khả năng nhất. So với cách làm trước đây, cách làm này có một số điểm mới. Trước hết là ngoài nguồn cán bộ đã được qui hoạch có bổ sung các đối tượng khác, tạo cơ hội cho những cán bộ đáp ứng được các yêu cầu, có năng lực. Đối tượng được mở rộng nhưng trên nguyên tắc vẫn thực hiện đúng theo qui định của trung ương vì các ứng cử viên phải đảm bảo đạt đủ các tiêu chí, điều kiện yêu cầu theo qui định đối với cán bộ.

"Làm như Bộ GD-ĐT là một dấu hiệu cho sự đột phá trong công tác cán bộ. Đấy là đường lối quần chúng trong công tác cán bộ. Bao giờ quần chúng cũng sáng suốt nhất"

Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên phó Ban Tổ chức trung ương

Một điểm mới nữa là yêu cầu các ứng viên phải tự mình trực tiếp trình bày quá trình, kết quả thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, kinh nghiệm công tác, dự kiến kế hoạch công tác của năm đầu nếu được đề bạt - một dạng "chương trình hành động" - trước các cán bộ chủ chốt của bộ, chứ không chỉ trong phạm vi Ban cán sự Đảng như trước đây. Sau đó các cán bộ chủ chốt có quyền đặt câu hỏi với ứng viên trước khi bỏ phiếu tín nhiệm.

Đội ngũ cán bộ chủ chốt của bộ cũng được tham gia trực tiếp việc đánh giá các ứng viên. Như vậy việc đánh giá cán bộ sẽ có nhiều kênh hơn, công khai và khách quan hơn. Ngoài việc đánh giá qua lý lịch, có thể trực tiếp đánh giá, tìm hiểu năng lực, kinh nghiệm, có sự tiếp xúc thực tế với người sẽ làm việc với mình.

Việc mở rộng đối tượng để xem xét không mâu thuẫn với qui hoạch, chỉ là sự rà soát, bổ sung vào qui hoạch.

* Vậy việc rà soát, bổ sung nguồn cán bộ của bộ lâu nay được thực hiện như thế nào? Vì sao bộ đưa thông báo rộng rãi lên mạng? Theo ông, việc công khai qui trình và phương thức tìm kiếm ứng cử viên như vậy có lợi gì?

- Việc rà soát và bổ sung nguồn cán bộ qui hoạch bộ vẫn làm nhưng không được đều. Nay với việc ban hành thành một qui trình như thế này sẽ rõ ràng, bài bản hơn, chắc chắn thực hiện sẽ hiệu quả hơn. Bộ đưa thông tin lên mạng, phổ biến rộng rãi để mọi người thấy được chủ trương, cách làm của bộ, để giới thiệu ứng cử viên sao cho xứng đáng. Việc công khai như thế sẽ tạo điều kiện để có nhiều ứng cử viên hơn.

* Ông có cho rằng cách tìm kiếm ứng cử viên và thực hiện qui trình lựa chọn công khai như bộ chủ trương sẽ giúp bộ chọn được cán bộ có năng lực, đồng thời hạn chế được những tiêu cực "chạy chức, chạy quyền"?

l3TwM0rh.jpgPhóng to
- Tôi cho rằng đây có lẽ là cách tốt nhất để lựa chọn, bổ sung cán bộ.

* Có ý kiến cho rằng vì bộ thiếu nguồn cán bộ phù hợp, trong danh sách dự kiến qui hoạch cho vị trí thứ trưởng có ba người nhưng nay chỉ còn một nên mới phải mở rộng đối tượng như thế?

- Thật ra theo qui hoạch có ba người nhưng một người muốn tiếp tục công tác chuyên môn, một người muốn có thời gian học hỏi thêm kinh nghiệm, nên danh sách chỉ còn một. Tuy nhiên, đó không phải là nguyên nhân. Bộ chủ động thực hiện theo phương thức như đã thông báo vì muốn làm bài bản hơn chứ không phải do thiếu nguồn.

* Vậy với ông Phan Thanh Bình, ứng cử viên duy nhất còn lại thuộc diện quy hoạch của bộ, đã được đưa ra lấy ý kiến để bổ nhiệm thì sao? Khi đưa ra xem xét, chọn lựa, ông Bình có được ưu tiên gì không? Việc bổ sung các ứng cử viên một cách rộng rãi có làm phá vỡ qui hoạch cán bộ của ngành?

Không phải là thi tuyển

Cũng xin nói thêm, đây không phải là "tuyển chọn" thứ trưởng, càng không phải là một cuộc thi tuyển. Trong công văn bộ gửi các địa phương, các trường là đề nghị giới thiệu ứng cử viên đạt những tiêu chuẩn kèm theo. Mục đích là phát huy, thực hiện qui hoạch của trung ương, cụ thể hóa yêu cầu "rà soát và bổ sung hằng năm". Việc giới thiệu này chính là sự bổ sung…

- Anh Bình cũng là một ứng cử viên. Mọi ứng cử viên sẽ ở cùng một vạch xuất phát. Đây là danh sách mở. Ai đáp ứng được các điều kiện, yêu cầu đều có thể được giới thiệu. Tôi cho là không phá vỡ qui hoạch cán bộ vì qui hoạch cũng nhằm tạo nguồn cán bộ. Qui hoạch là tạo nguồn chứ không phải cứ qui hoạch là được bổ nhiệm. Và việc giới thiệu thêm này cũng nhằm tạo thêm nguồn. Ngoài những người đã được đưa vào diện qui hoạch, nay bổ sung, phạm vi lựa chọn rộng hơn nhưng tiêu chí, yêu cầu đánh giá vẫn chặt chẽ như vậy.

* Thời gian chỉ có ba tuần liệu có đủ cho các ứng cử viên chuẩn bị? Sau khi được lựa chọn, qui trình thực hiện bổ nhiệm sẽ như thế nào?

- Những người đạt yêu cầu đưa ra đều là những cá nhân đã có cả một quá trình công tác, hoạt động nên không có gì phải chịu sức ép về thời gian. Đây là qui trình thực hiện của bộ để chọn ứng cử viên giới thiệu với Ban Tổ chức trung ương. Sau khi tuyển chọn được ứng cử viên, Bộ GD ĐT sẽ trình Thủ tướng, Ban Bí thư, Ban Tổ chức trung ương.

* Bộ sẽ giới thiệu mấy người, thưa ông?

- Một người.

* Nếu người đó không được chấp thuận thì sao? Tại sao lại không chọn nhiều hơn một ứng cử viên?

- Trước mắt chúng tôi xác định chọn người tốt nhất.

-------

Có cạnh tranh mới tìm ra người tài

rwFY7JB7.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Đình Hương (ảnh), nguyên phó Ban Tổ chức trung ương, cho biết:

- Muốn chọn đúng nhân tài trước hết phải có cơ chế tuyển chọn tốt, phải thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch và có sự cạnh tranh. Phải công bố danh sách các ứng viên để những người trong ngành có ý kiến và các ứng viên phải trình bày chương trình hành động của mình. Chúng ta phải tránh cơ chế lâu nay nhiều nơi thực hiện là cơ chế tập thể không ra tập thể, cá nhân không ra cá nhân. Khi đề bạt đúng thì không sao nhưng khi đề bạt sai thì không ai chịu trách nhiệm.

* Vậy cách làm như Bộ GD-ĐT sẽ tìm được người tài thật sự?

- Chúng ta có ba cách làm nhân sự. Thứ nhất, giao quyền cho thủ trưởng chọn phó cho mình. Thứ hai, mọi thứ đặt lên bàn, đảng ủy, công đoàn... bàn bạc và bỏ phiếu cho ai thì người đó trúng. Thứ ba là thi tuyển. Tôi nghiêng về cách làm thứ ba vì cách làm thứ nhất dễ xảy ra chạy chức, chạy quyền và nếu thủ trưởng cảm tình, phe cánh... thì sẽ nguy hiểm. Cách làm thứ hai lại không có ai chịu trách nhiệm khi chọn người năng lực kém.

Cách làm thứ ba nếu thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch, có cạnh tranh thì rất tốt. Cách làm này giúp bộ trưởng đủ thông tin, tìm được người tài năng trước khi trình lên cấp có thẩm quyền quyết định. Làm như Bộ GD-ĐT là một dấu hiệu cho sự đột phá trong công tác cán bộ. Tôi thích cơ chế này. Đấy là đường lối quần chúng trong công tác cán bộ. Bao giờ quần chúng cũng sáng suốt nhất.

* Qui trình chọn người vào vị trí thứ trưởng chưa bao giờ được các bộ thực hiện như cách làm của Bộ GD-ĐT và thực tế công tác nhân sự thường phải có ý kiến từ nhiều cơ quan liên quan. Ông có nghĩ cách làm của Bộ GD-ĐT sẽ gặp phải phản ứng tiêu cực không?

- Tôi không lo các cơ quan trung ương bác bỏ cách làm này. Các cơ quan trung ương cũng muốn có một cơ chế thoát ra khỏi cái cũ. Khi tôi còn làm ở Ban Tổ chức trung ương, tôi có thí điểm thi tuyển chọn hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội và giám đốc Nhà máy điện Yên Phụ (Hà Nội). Nhưng lúc đó có nhiều lý do nên không triển khai được ở cấp cao hơn. Bây giờ chúng ta hội nhập, không thể nói anh có công chiến đấu thì được làm bộ trưởng mà phải là tài năng. Giờ là lúc có điều kiện để áp dụng cơ chế này.

* Nghĩa là cần áp dụng rộng rãi cách làm này cho tất cả bộ, ngành?

- Trước hết phải khẳng định việc Bộ gd-đt công khai tiêu chí tuyển ứng viên cho chức thứ trưởng là không sai luật. Nếu bộ làm tốt, có hiệu quả thì các cơ quan chức năng nên xây dựng thành qui trình phổ biến cho tất cả bộ, ngành thực hiện. Việc Bộ gd-đt làm là một thông điệp để các bộ khác học tập.

* Còn việc áp dụng đối với những vị trí cao hơn nữa thì sao, thưa ông?

- Tôi cũng muốn như thế, chẳng hạn như chọn bộ trưởng. Phải có tiêu chí để anh em trong bộ giới thiệu người làm bộ trưởng. Nhiều khi bên trên giới thiệu về nhưng bộ không ưng vì người đó không hơn gì người trong bộ. Chúng ta có quan điểm rất sai lầm mà hồi tôi làm ở Ban Tổ chức trung ương tôi đã đề nghị Bộ Chính trị là không nhất thiết bộ trưởng phải là ủy viên Trung ương Đảng, thậm chí bộ trưởng là người ngoài Đảng cũng được. Phải tránh tình trạng một bộ trưởng không thông thạo công việc của ngành.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Công tác cán bộ