17/12/2014 09:58 GMT+7

Bước đi dài của một liên hoan tư nhân

HOÀNG OANH
HOÀNG OANH

TT - Biên đạo múa Tấn Lộc và những cộng sự của mình ở vũ đoàn Arabesque đã thực hiện lời hứa của mình bằng một liên hoan lần hai hoành tráng và đa dạng hơn, vừa diễn ra từ ngày 7 đến 16-12.

Tác phẩm múa Con thiêu thân của đoàn múa Arabesque (VN) - Ảnh: Sirius Sơn Trần
Tác phẩm múa Con thiêu thân của đoàn múa Arabesque (VN) - Ảnh: Sirius Sơn Trần

“Tiền khó kiếm và cũng quan trọng thật, nhưng có những thứ quan trọng hơn chính là niềm đam mê của chúng tôi. Năm sau làm tiếp, lớn hơn!” - đây là câu khẳng định của biên đạo múa Tấn Lộc, người “chủ xị” Liên hoan múa đương đại quốc tế TP.HCM lần 1 vào tháng 11-2013.

Góp sức cùng múa đương đại

Liên hoan Múa đương đại quốc tế lần 2 có những tên tuổi xuất sắc như:

- Kim Sung Yong (vũ công và biên đạo xuất sắc nhất Hàn Quốc được bình chọn bởi Dance Vision Korea),

- Claudio Malangone (nhà tâm thần học, biên đạo múa kiêm vũ công của Ý, chủ Công ty vũ thuật Borderline Danza),

- Marie Mougeolle (giảng viên ballet Pháp, từng nhận giải thưởng Liên hoan quốc tế Auteur de Troubles),

- Chien Wei Wu (giám đốc nghệ thuật Nhà hát The Tussock Dance tại Đài Loan),

- Ea Torrado (sáng lập Công ty Daloy Dance tại Philippines),

- Mariko Kakizaki (nghệ sĩ sáng tạo tour diễn Golem & Treseses tại Nhật)...

Cũng chính nhờ những ấn tượng tốt đẹp của liên hoan đầu tiên nên năm nay khi lên kế hoạch tổ chức liên hoan lần hai, đã có thêm nhiều cánh tay khác cùng góp sức.

Ngoài Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP còn có Viện Pháp tại TP.HCM, Quỹ trao đổi phát triển văn hóa CDEF của Đại sứ quán Đan Mạch đã đứng ra bảo trợ uy tín cho chương trình; nhiều doanh nghiệp từ hãng xe hơi, máy bay đến ngân hàng, khách sạn, hãng thời trang đã hỗ trợ chi phí.

Năm nay, vũ đoàn Arabesque còn có thêm sự hợp tác từ Trung tâm múa Dancenter trong khâu tổ chức chuyên môn. 

Với những điều kiện thuận lợi đó, như một bước đi dài, Liên hoan múa đương đại quốc tế lần 2 đã mời được các nghệ sĩ múa và biên đạo đến từ tám quốc gia và vùng lãnh thổ (nhiều gấp đôi năm ngoái) gồm: Ý, Pháp, Thụy Điển, Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan, Israel, Philippines cùng hai đoàn chủ nhà VN là Arabesque và Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM. 

Nhiều hội thảo, buổi nói chuyện, các buổi học và sô diễn đã được tổ chức trong khuôn khổ liên hoan. Những buổi này luôn quy tụ đông đảo học viên là những người có chuyên môn căn bản về múa và muốn được bổ túc thêm kiến thức từ những nghệ sĩ quốc tế nổi tiếng.

Tất nhiên đi học thì phải trả tiền vì “cái đẹp không hề miễn phí”, dù có thể chỉ với một khoản tượng trưng là 160.000 đồng/người (khoảng 8 USD) để trả cho một nghệ sĩ quốc tế đẳng cấp.

Ngoài ra, những buổi nói chuyện và thảo luận đại trà được tổ chức tại Nhà văn hóa Thanh niên, Đại học Mở đã cố gắng đem lại những góc nhìn gần gũi, đa dạng và sinh động về nét đặc trưng và các trường phái của múa đương đại trên thế giới cho khán giả, đặc biệt là những bạn trẻ.

Những tia hi vọng

Trong ba đêm diễn có bán vé của liên hoan, khán giả yêu múa đã thật sự có được những bữa tiệc thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao và đẳng cấp.

Tiết mục The time (Thời gian) của Nhà hát The Tussock Dance Theater (Đài Loan) đánh thức những hình ảnh và ý niệm đã ở đâu đó trong ký ức.

Tiết mục Where are you from (Bạn từ đâu đến) là một dự án hợp tác của biên đạo người Ý Claudio Malangone và nghệ sĩ người Hàn Quốc Kim Sung Yong, được thể hiện theo kiểu biểu diễn/phỏng vấn kết hợp giữa cảnh diễn hành động và cuộc hội thoại bằng video giữa hai “cơ thể sáng tạo” cùng song song tồn tại.

Tác phẩm Canton của biên đạo múa người Philippines Ea Torrado lại là một câu chuyện sâu sắc về cuộc đời một cô gái bán hoa, được dàn dựng kết hợp giữa lời thoại sân khấu và múa đương đại.

Hay tiết mục Metamorfosi (Sự biến hóa) đánh dấu sự hợp tác của những nghệ sĩ Nhà hát Borderline Danza của Ý và đoàn múa Arabesque của VN, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Latin Ovid trong một cuộc so sánh những trật tự và hỗn độn của những huyền thoại và thực tại.

Kích thích tối đa sự sáng tạo, múa đương đại mang lại nhiều thông điệp khác nhau dựa trên những cảm xúc và cảm nhận khác nhau của từng khán giả. Nó cũng phá vỡ nhiều quy tắc, giới hạn và luật lệ của sân khấu.

Chính vì vậy, múa đương đại có một sức quyến rũ kỳ lạ và đang dần trở thành một xu hướng thời thượng cho cả người biểu diễn lẫn người xem.

Nghệ sĩ Mariko Kakizaki (Nhật) sau khi trình diễn vở Gun Gun đã bày tỏ: “Khi múa tiết mục này tôi có thể nhìn thấy những tia ánh sáng nhỏ nhưng mạnh mẽ len lỏi giữa những hàng ghế của khán giả. Nó như những tia hi vọng”. 

Còn biên đạo múa Tấn Lộc, người đã "làm nên chuyện" với liên hoan múa đương đại quốc tế này, thì tràn ngập sự tin tưởng: “Chúng tôi mời những nghệ sĩ quốc tế đến với mong muốn thông qua cái nhìn nghệ thuật của họ, mọi khoảng cách địa lý sẽ được xóa nhòa, con người trở nên gần gũi hơn và những trải nghiệm nghệ thuật của chúng ta sẽ vượt qua mọi biên giới”. 

HOÀNG OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên