Thượng tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn
Quy định "đặt máy chủ ở Việt Nam" vẫn là điểm gây tranh cãi nhất của dự thảo Luật An ninh mạng. Khi được trình xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 10-1, dự án luật này được nhận định là rất khó.
Buộc thế nào khi "không nhìn thấy máy chủ"
Dự thảo luật quy định: "Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải: Đặt trụ sở hoặc cơ quan đại diện trên lãnh thổ Việt Nam khi có từ 10.000 người Việt Nam sử dụng trở lên hoặc khi có yêu cầu của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Lưu trữ tại Việt Nam dữ liệu người sử dụng Việt Nam và các dữ liệu quan trọng khác được thu thập, tạo ra từ hoạt động khai thác cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia của Việt Nam…"
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết quy định trên là để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi sử dụng mạng viễn thông, internet xuyên quốc gia vào Việt Nam vi phạm pháp luật, nhất là tuyên truyền chống Nhà nước, kích động chống đối, phá hoại an ninh, gây rối trật tự công cộng...
Theo Uỷ ban Quốc phòng an ninh, việc bắt buộc một số doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh dịch vụ viễn thông, internet phải đặt trụ sở hoặc cơ quan đại diện tại Việt Nam là cần thiết.
"Nếu họ đặt máy chủ ở đây mình có kiểm soát được không? Và nếu họ không đặt ở Việt Nam thì thông tin truyền vào mình có kiểm soát được không?" - phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu hỏi.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nêu vấn đề: Buộc doanh nghiệp nước ngoài đặt máy chủ ở Việt Nam liệu có quản lý, ngăn chặn được thông tin xấu, độc lan truyền?
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng băn khoăn hiện các công ty cung cấp dịch vụ đều đặt máy chủ ở nhiều nơi trên thế giới, dữ liệu người dùng ở Việt Nam đã đăng ký rồi có gom về được?
"Hơn nữa, bây giờ áp dụng công nghệ điện toán đám mây, vấn đề là công nghệ, là phần mềm chứ không phải là phần cứng, tức là cái gì đặt trong máy chủ chứ không phải cái máy chủ ấy" - bà Hải nói.
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng phân tích: "Việc đặt máy chủ trong nước sẽ quản lý được chỉ đúng đến thời điểm hiện nay. Bắt đầu từ hiện nay và tương lai, máy chủ sẽ là một khái niệm ảo. Bây giờ chúng ta gọi là điện toán đám mây, cái máy chủ tới đây có thể nhìn thấy mà cũng có thể không nhìn thấy, nó không như hiện nay nữa đâu, tôi cần là tôi gọi trên 'đám mây' xuống, dữ liệu nằm ở đó".
Liệu luật có thể quy định cho đúng cả với "cái máy chủ không nhìn thấy" - ông Dũng đặt vấn đề.
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình đồng tình: "Chúng ta làm luật này trong khi chưa biết công nghệ sẽ phát triển như nào và sẽ đi về đâu. Hay chăng chúng ta chỉ cần quy định với những nhà cung cấp dịch vụ là nếu chúng tôi phát hiện những thông tin xấu, độc, vi phạm pháp luật trên hệ thống của anh thì chúng tôi sẽ xử lý".
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Khắc Định đóng góp ý kiến: "Đặt máy chủ ở Việt Nam rõ ràng là chúng ta quản lý tốt hơn. Nhưng tại sao họ không muốn? Thứ nhất là tăng chi phí, giống như phải đặt văn phòng, xây dựng hạ tầng, tăng bộ máy... Thứ hai, quan trọng hơn, họ nói rằng làm như vậy là trái cam kết quốc tế.
Chúng tôi chưa rà soát kỹ nên chưa rõ chúng ta cam kết như thế nào. Nếu không có cam kết thì mình có quyền quy định, bởi đây là chủ quyền của mình".
Từng nhận các công hàm của sứ quán nước ngoài bày tỏ ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục sà soát, quy định để đảm bảo tránh chồng chéo, tránh ảnh hưởng đến quyền con người và không vi phạm các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Khó ngăn chặn nhưng dễ quản lý
Giải trình tại cuộc họp, thượng tướng, bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định xu hướng chung trên thế giới là thắt chặt quản lý đối với các công ty cung cấp dịch vụ mạng xã hội.
"Châu Âu cũng đã sửa đổi nhiều quy định về kiểm soát video trên mạng xã hội tương tự như truyền hình. Đức, Pháp vừa ban hành các đạo luật có liên quan, họ rất chú ý đến việc ngăn chặn sự phỉ báng cá nhân, làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của tổ chức, cá nhân trên mạng", ông Tô Lâm nói.
Ông Tô Lâm nhấn mạnh bản chất không phải là máy chủ, mà là thông tin về khách hàng, về người dùng ở Việt Nam thì phải để ở Việt Nam, "nói nôm na là tài sản, thông tin, liên quan đến an ninh, chủ quyền quốc gia thì phải để ở Việt Nam, các cơ quan quản lý ở Việt Nam phải có trách nhiệm với vấn đề này".
Về câu hỏi "có ngăn chặn được không", bộ trưởng Tô Lâm trả lời ngay là "không thể làm được".
"Bây giờ một người muốn cung cấp bí mật ra nước ngoài, rồi tuyên truyền nội dung xấu từ nước ngoài vào Việt Nam, tuy luật chúng ta cấm nhưng họ vẫn cứ làm ngay cả khi không có mạng xã hội", ông Tô Lâm giải thích.
"Nhưng khi chúng ta có quy định thì chúng ta xử lý các vi phạm hiệu quả hơn. Quy định đưa ra là để đấu tranh, hạn chế những tác hại đó, để chúng ta truy nguyên ra nguồn gốc, phương thức mà các đối tượng thực hiện việc xấu đó".
Theo chương trình, dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp giữa năm 2018.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận