Phóng to |
Thanh Hằng - Thanh Hà trong chương trình Tích hạt yêu thương hát vì nạn nhân Dioxin tại Nhà hát TP.HCM tháng 8-2009 - Ảnh: Nguyễn Á |
Mỗi ngày của Hằng và Hà tất bật như bất kỳ người nhập cư nào ở Sài Gòn. Chỉ khác, những bước chân của Hằng và Hà nhỏ lắm, nhỏ như bước chân của các cô cậu tí hon trong chuyện cổ tích, và vẫn bước tới, bền bỉ, mạnh mẽ giữa dòng đời tấp nập.
Đám đông trầm trồ
Hằng cao 1,24m, Hà cao 1,25m, tuổi thơ ngưng đọng vĩnh viễn trên thân hình, trên khuôn mặt, trên nụ cười. Gặp Hằng và Hà, tôi phải tự nhắc mình rằng đây là những bạn gái, phải cố gắng lắm để kiềm chế mình, không đưa tay vuốt tóc, xoa đầu, thơm lên má như vẫn thường làm khi ngồi với những em bé gái. Vậy mà tôi vẫn không hết ngạc nhiên khi theo bước chân rất nhanh và tự tin của Hằng vào một quán ăn đã được cô đặt bàn trước, vẫn không hết thắc mắc khi hết ngày này sang ngày khác không thể xếp được một cuộc hẹn trong thời gian biểu dày đặc của cả hai chị em. Tôi tự xấu hổ vì mình chưa bỏ được những phản xạ đến từ trực giác, Hằng và Hà bật cười thông cảm trước sự lúng túng của tôi: “Ai cũng thế hết chị ạ, chúng em quen rồi”.
Hà cười giòn tan kể về những cái lắc đầu, những ánh nhìn nghi ngại từ anh xe ôm, người chạy taxi khi em đưa tay vẫy, những câu hỏi vặn vẹo: “Đi với ai? Cha mẹ đâu?” lúc em ra sân bay, bến xe... Hằng mỉm cười đầy vẻ khoan dung kể về các bà, các cô thường chặn bước mình lại để hỏi: “Hai chị em sinh đôi à? Mấy tuổi rồi? Học lớp mấy?”. Ông Hàn Tấn Quang, người cha tinh thần của hai cô hiện tại, cũng cười, kể về những đám đông cứ liên tục xuất hiện theo từng bước chân, trầm trồ trước những tà áo dài của hai chị em và đòi chụp ảnh chung khi ai đó nhận ra họ là ca sĩ...
“Phiêu bạt nơi phồn hoa...”
Đôi mắt của hai chị em đều rất đen. Ánh mắt Hằng đượm buồn nhưng long lanh những tia sáng quyết liệt, mạnh mẽ, ánh mắt Hà thì trong trẻo, hồn nhiên. Hai ánh mắt ấy quăng bắt nhịp nhàng, ăn ý giữa giai điệu dặt dìu của bài Về quê, da diết của Bà tôi khiến người nghe tưởng như mình đang về quê thật, với ruộng lúa, bờ đê, với tuổi thơ, cánh diều và quay lại với một phút xao lòng “phiêu bạt nơi phồn hoa cát bụi, đôi khi cánh cò xưa lạc vào giấc mơ”. Chợt giật mình nhận ra hai cô ca sĩ cũng đang lưu lạc xa nhà, đua chen giữa dòng đời với những bước chân tí hon, yếu ớt.
Phóng to |
Mỗi buổi sáng, như bất kỳ người phụ nữ trưởng thành nào, hai cô thức dậy chọn cho mình bộ áo dài đẹp, trang điểm xinh tươi và bắt đầu một ngày làm việc tại tòa soạn tạp chí Kiến Thức Ngày Nay. Công việc của Hằng - Hà là phân loại, đánh máy bài vở của cộng tác viên từ các nơi gửi đến. Lọt thỏm trên ghế, thấp hơn rất nhiều so với màn hình máy tính, bốn bàn tay bé xíu thoăn thoắt thao tác trên bàn phím, Hằng và Hà đã giành được sự yên tâm, tin tưởng của những nhà báo, nhà khoa học không kém phần khó tính.
Trưa, một suất cơm văn phòng chia đôi, và buổi chiều tối bận rộn hơn với đời ca sĩ bắt đầu: giải quyết những công việc tồn đọng ở văn phòng, hướng dẫn khách tham quan phòng tranh, đi luyện thanh ở nhà cô Thanh Trì, tự tập bài hát mới, đi học tiếng Anh, rảo chợ tìm tấm vải may áo, thảo luận với những người đặt sô, đi biểu diễn, thu âm, thu hình... Tối khuya, mệt nhoài về căn phòng nhỏ, hai chị em đôi khi tự đãi mình một cuộc điện thoại gọi cho bố mẹ, và đêm ấy thế nào “cánh cò xưa” cũng “lạc vào giấc mơ”.
“Cánh cò xưa lạc vào giấc mơ”
“Nhà em giờ thuộc Hà Nội đấy, nhưng thật ra là vùng quê Vĩnh Phúc, trồng lúa và nghèo lắm. Em là út, là 8X đời gần cuối, nhưng vẫn có những thời gian nhà không có gạo, phải ăn sắn suốt” - Hà hồn nhiên và lí lắc suốt câu chuyện với tiếng cười giòn tan. Mẹ là một thôn nữ mạnh khỏe, bố cũng mạnh khỏe, đi bộ đội qua những vùng rừng núi miền Trung, Tây nguyên rồi phục viên sau ngày miền Nam được giải phóng. Năm người con sinh ra thì ba chị em Huyền - Hằng - Hà lần lượt theo nhau không lớn nữa ở tuổi lên 10.
Hằng cười nhẹ kể về những bất ngờ của số phận: “Vào cấp II, mình như càng lúc càng bé giữa bạn bè cứ lớn bổng lên qua từng năm. Chị Huyền cũng thế và qua tuổi 20 thì mấy chị em biết rằng mình không thể lớn nữa. Một em gái, một em trai kế thì cao lớn, mạnh khỏe, đến Hà lại bé. Nhiều người nói có lẽ bố đã bị nhiễm chất độc da cam khi ở quân ngũ, mình không biết đích xác. Nhưng nếu đúng vậy thì có lẽ chị em mình là may mắn nhất trong số những nạn nhân. Có lúc cũng buồn và thấy khó sống trong thế giới người lớn nhưng rồi lại vui ngay, vì mình bé thế thì ai cũng chiều mà”.
Bé nhỏ và rất sợ đỉa, nhưng đôi chân của Hằng và Hà đã từng đầm dưới ruộng những ngày hè nắng nóng đến nước bốc hơi. Những ngày đông rét tím người, đôi tay bé xíu đã từng cấy, cắt lúa, tát đìa bắt cá, hái rau chăm lợn, thấm thía nỗi vất vả, bấp bênh của nghề nông. Gắng hết sức để giúp bố mẹ, mấy chị em Hằng từng rơi nước mắt vì thấy mình bất lực trước những công việc đòi hỏi sức vóc, “may mà còn giọng hát”. Những năm ở nhà, Hằng từng đi hát ở đình làng, hội làng, liên hoan, tiệc cưới, đôi chân tí hon đã đi qua vùng rừng núi Tây Bắc đến tận Lũng Cú, Hà Giang, từng đi dọc nhiều tỉnh miền Trung trong các chuyến biểu diễn theo đoàn văn nghệ.
“Ước mơ của chị em mình là dành dụm được món tiền mua cho mẹ một mảnh đất nhỏ ở thị xã để bán tạp hóa. Hiện giờ mỗi tháng tụi mình dành ra 1 triệu đồng gửi về nhà giúp mẹ, sắp tới sẽ cố gắng để được hát nhiều hơn, lập thêm một quỹ tích lũy cho kế hoạch ấy” - Hằng tính toán rất rõ ràng. Kèm theo đó là một kế hoạch cũng rất rõ ràng: luyện thanh để giọng dày dặn hơn, luyện hơi để có sức hát bền hơn, tập thêm bài hát mới và phong cách biểu diễn để có nhiều cơ hội hơn.
“Chúng mình còn nhiều may mắn, được lành lặn, được hát, vậy là đủ hạnh phúc rồi. Vui nhất là khi được đến hát ở những trường nuôi trẻ khuyết tật, làng SOS. Mọi người ngạc nhiên vì thấy bọn mình bé, bọn mình thì quá khâm phục khi thấy họ khuyết tật mà vẫn sống tốt, vẫn tự lập. Đôi bên đều vui, đều thấy tự tin hơn khi được gặp nhau”. Hằng - Hà cười vui và lại lướt đi, góp những bước chân tí hon và giấc mơ của mình vào nhịp sống Sài Gòn cuồn cuộn...
Chưa có cặp song ca tương tự
Thanh Hằng (sinh năm 1978, cao 1,24m), Thanh Hà (sinh 1988, cao 1,25m) vừa được Trung tâm Kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục Cặp song ca chị em ruột có vóc dáng thấp nhỏ nhất vào tháng 2-2010. Khảo sát trên thế giới chưa có cặp song ca nào tương tự (một cặp ở Trung Quốc chưa đến tuổi trưởng thành) nên trung tâm đang tiến hành đăng ký với tổ chức kỷ lục thế giới Guinness. Đến TP.HCM đầu năm 2009, đôi song ca Thanh Hằng - Thanh Hà có giọng hát rất thích hợp với các làn điệu dân ca, đã xuất hiện trong nhiều chương trình ca nhạc hướng về cộng đồng như Lễ hội trăng rằm 2009, Tích hạt yêu thương, Tiếp sức đến trường, Thương về miền Trung... Trong cuộc thi video clip của Đài truyền hình TP.HCM 2009, clip Bà tôi của hai chị em đã lọt vào mười bài hát được khán giả yêu thích nhất tháng 10-2009. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận