Phóng to |
Trong lúc đi tuần tra, biết nhà bà Mùi có tin buồn, bà Hà vào hỏi thăm, chia sẻ - Ảnh: Hữu Khoa |
Cầu Kho là địa bàn rất phức tạp về cư dân cũng như đường ngang ngõ tắt. Có hẻm không có đèn, tối đen như mực. Có hẻm nhỏ đến mức chỉ đủ một xe máy qua, nếu không phải là dân sống ở đây sẽ có cảm giác như bị lạc vào mê cung. Vậy mà bà Hà vẫn đi thoăn thoắt, rành rẽ như từng góc nhỏ trong nhà mình vậy.
Đã ba năm nay, cứ tuần ba ngày, bà lại đi tuần quanh phường suốt từ 19g-6g sáng hôm sau như thế...
“Gọi ngay cho bà Hà”
"Người mới cai nghiện nhạy cảm lắm, một cái đẩy tay là họ ngã ngay, quay lại đường cũ. Ngược lại, chỉ cần một bàn tay nâng là đã giúp được cả một cuộc đời!" |
“Có lần, nhận được tin báo ở khu chợ Nancy cũ có người đang chích ma túy, vừa thấy tôi, đối tượng ngay lập tức đưa ống chích ra hầm hè đe dọa. Tôi lấy gậy bảo vệ quật lại liền, ống chích văng ra xa, đối tượng tái mặt. Làm nghề này phải luôn tự nhủ là chỉ có đối tượng sợ mình, còn mình sợ đối tượng là coi như thua!” - bà kể lại.
Đó là chưa kể những vụ đụng độ, tranh chấp đổ máu giữa các băng nhóm, gia đình buôn bán ma túy, khi có chuyện thì mọi người đều rối rít: “Gọi ngay cho bà Hà!” như một địa chỉ an toàn, đáng tin cậy nhất.
Với các đối tượng cai nghiện hồi gia thì bà là một người bạn thân thiết, một chỗ dựa vững vàng. “Người mới cai nghiện nhạy cảm lắm, một cái đẩy tay là họ ngã ngay, quay lại đường cũ không cách gì cứu được. Ngược lại, chỉ cần một bàn tay nâng là đã giúp được cả một cuộc đời!” - bà Hà nói.
Tay vuốt phẳng phiu xấp giấy tờ cam kết đón người cai nghiện trở về của các gia đình, bà chia sẻ thêm: “Tôi xem nghiện ma túy là bệnh. Chính vì thế, với người hồi gia, thao tác đầu tiên là phải đả thông tư tưởng cho gia đình để thành tâm chào đón các bạn quay lại và xem đây là những người rất bình thường, hoàn toàn khỏe mạnh”.
Và với chính từng bạn hồi gia này, bà cũng bỏ ra không ít đêm trắng không phải để truy bắt mà là để lắng nghe, chia sẻ bằng tất cả tấm lòng. “Có hôm 2g sáng vừa đặt lưng xuống giường, điện thoại reo lên inh ỏi, thì ra là của một em hồi gia về: Chị ơi, đi cà phê với em! Thì ra anh chàng đang rất khổ tâm suy nghĩ xem có nên thú nhận với người yêu là mình từng nghiện ma túy không. Tôi làm công tác tư tưởng suốt đêm, sau đó tìm cách nói thêm với phía bạn gái kia. Giờ thì họ là chồng vợ rồi, mới ẵm con sang khoe!” - bà kể lại với ánh mắt lấp lánh niềm vui.
Và có lẽ chính vì tấm lòng kỳ diệu này mà cứ ba bước chân bà Hà đi tuần trong phường, lại thấy vài thanh niên mình xăm trổ nhìn vẻ dữ dằn nhưng chào hỏi rất nhỏ nhẹ: “Con chào cô Hà!”, “Dạo này khỏe không cô?” đầy thân tình.
“Bà mẹ tinh thần” của trẻ con Cầu Kho
“Con thương ai nhất ở đây?” “Dạ, con thương bà Hà nhất!”, cô bé Nguyễn Ngọc Thùy Oanh (6 tuổi), mồ côi cả cha lẫn mẹ, trả lời chúng tôi khi cùng các bạn sinh hoạt ở chốt dân phòng của bà Hà. Tình thương ấy cũng dể hiểu, bởi chỉ cần tình cờ hỏi về một em đi ngang qua, bà có thể kể tường tận ba mẹ em làm gì, em năm nay học lớp mấy, vẽ đẹp không, thích đọc truyện gì nhất...
Hai năm qua, bà Hà đã là “bà mẹ tinh thần” của tất cả bọn trẻ nhà nghèo ở đây, từ đội bảo vệ Kim Đồng do chính bà gầy dựng. Mọi chuyện bắt đầu từ ngày bà đi tuần trong khu phố và bắt gặp cảnh người dân ở đây tạt nước thẳng vào mặt các em nghịch phá, bấm chuông cửa, đá banh đêm.
Tỉ mẩn tìm hiểu gia cảnh từng em, rồi tâm sự với những đối tượng “sừng sỏ” nhất đám siêu quậy nhí này, bà đã kéo được Phạm Văn Kiệt (12 tuổi) ra khỏi thói quen đốt lửa gầm cầu, tụ tập ném đá người đi đường để trở thành một cậu bé thích hát và nhảy hip hop giỏi nhất đội Kim Đồng. Ngọc Linh, cô bé bán vé số, mỗi chiều đều tụ tập trên cầu chọi nước xuống người đi đường giờ cũng đã biết chào hỏi người lớn lễ phép, chịu vào ra chốt dân phòng để học đọc, học viết cùng các bạn...
Cứ thế, tuần ba lần bà tập hợp các em ra học hành, vui chơi ở chốt dân phòng nhỏ xíu này, nơi bà “cất giấu” cả một kho báu yêu thương với đàn guitar, những cuốn tập tô màu, những tờ giấy A4 ghi nắn nót bài vỡ lòng tiếng Anh. Rồi cô trò hăm hở đi thi đủ các cuộc thi của phường, quận, từ văn nghệ đến an toàn giao thông, kể chuyện Bác Hồ.
Không ngừng lại ở việc dạy chữ, với các em lớn hơn, bà còn tìm lớp dạy nghề, kiếm việc làm cho từng em, từ sửa xe máy, sửa điện thoại đến phụ việc ở Nhà máy in Nhân Dân. Huỳnh Tấn Đạt (14 tuổi), có ba mẹ đều đã bỏ đi, vui vẻ cho biết: “Lần đầu tiên được đi làm ở nhà máy, dù chỉ được phụ việc nhưng con thích lắm vì có tiền lương đem về phụ nuôi ông cố đang bệnh. Sau này con sẽ đi học nghề sửa xe để tự kiếm sống!”.
“Chị - mẹ” của con
Sau những giờ đi tuần, đi dạy rồi lại xoay như chong chóng với gánh rau, hành tỏi nhỏ ở chợ, bà Hà trở về với căn phòng trọ nhỏ xíu (sau hàng chục lần chuyển nhà) số 12/2 Nguyễn Văn Cừ (P.Cầu Kho). Căn phòng chỉ rộng chừng 6m2, ba mẹ con muốn ngồi phải co chân, muốn đứng phải cúi đầu, mái nhà phải che chắn bằng miếng bạt nilông mỏng để chống dột. Vậy mà chưa bao giờ thiếu vắng không khí đầm ấm trong ngôi nhà nhỏ chỉ có ba mẹ con này.
Lúc nào cũng thế, tận dụng khoảng thời gian ít ỏi có được trong đêm, bà ngồi ăn cơm cùng con. Trần Thị Mỹ Phượng (con gái lớn của bà) tâm sự: “Ở nhà tụi em toàn gọi mẹ là chị mẹ. Mẹ không chỉ là mẹ, mẹ còn là chị, là bạn rất thân của em!”.
Nhà nghèo, kể lại kỷ niệm sinh nhật con của mình, bà Hà rưng rưng: “Hôm đó sinh nhật bé lớn, tôi đi chợ mua cho hai chị em hai bịch chè đậu ván. Bé chị cất vào bếp một bịch, lấy một bịch đổ ra chén rồi đút cho bé em từng muỗng một. Con em có vẻ không hài lòng vì... ăn chậm quá! Chị nó lập tức dỗ dành: “Ăn chậm mới thấy chè ngon, ăn chậm thì sinh nhật của chị mới lâu hết mà!”. Lúc đó chồng tôi còn sống, bị tai biến nằm trên giường mà ứa nước mắt! Mừng là hai chị em nó tự lập lắm, ngoan nữa nên mình dù có cực mấy cũng thấy hạnh phúc!”.
Và càng hạnh phúc hơn nữa khi hai con đều học rất giỏi, Trần Thị Mỹ Phượng hiện đang là sinh viên giỏi của khoa quản trị kinh doanh của Trường ĐH dân lập Văn Lang và cũng là bí thư Đoàn khu phố 6, P.Cầu Kho. Trần Thị Diễm Hằng cũng không thua kém chị, 12 năm liền em đều là học sinh khá giỏi, liên tục được bầu làm lớp trưởng, lớp phó học tập.
Đa đoan nhiều việc, nhiều mối lo nên mới 48 tuổi nhưng nhìn bà cứ ngỡ như ngoài 50. Hỏi bà đã bao giờ cảm thấy mệt mỏi, bà ngay lập tức xua tay: “Hơn 300 nóc nhà, hàng trăm ngóc ngách, bao nhiêu hộ nghèo, bao nhiêu trường hợp nghiện, cai nghiện, tái nghiện, buôn bán ma túy, nhiễm HIV... tôi đều nắm trong lòng bàn tay. Mình không làm thì đùn cho ai, với lại tôi thức đêm với anh em quen rồi, bữa nào ngủ sớm khó chịu lắm!”.
Trong mắt mọi người * Cô giáo Trần Thị Thanh (mạnh thường quân của đội bảo vệ Kim Đồng): “Nhờ có cô ấy mà mấy đứa nhỏ ngoan ngoãn hẳn ra, thanh niên hồi gia cũng tu chí làm ăn, xóm làng bình yên hơn nhiều. Cô Hà cũng nghệ sĩ lắm, tôi với cô ấy người đàn kẻ hát thi văn nghệ ở phường suốt”. * Em Trần Đức Nhân (12 tuổi): “Hồi trước con nhát lắm, chỉ ở nhà với bà ngoại thôi. Từ ngày có đội Kim Đồng, con thấy mình “quậy” hơn nhiều, biết cách múa, cách hát, cách đọc sách, viết văn, có thêm nhiều bạn mới, phụ bà ngoại bán bánh xèo, con cũng biết cách nói chuyện với khách hơn nữa!”. * Ông Huỳnh Văn Riều (ủy viên ban chấp hành Hội Cựu chiến binh Q.1): “Mặc dù gia đình khó khăn, chồng mất sớm nhưng cô Hà có thể một mình nuôi hai cô con gái học đến nơi đến chốn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao của khu phố 6 và P.Cầu Kho. Năm 2009, cô Hà còn đạt được thành tích gương điển hình thi đua yêu nước năm năm liền của TP.HCM. Tôi và một số thành viên trong tổ rất khâm phục về đạo đức, lối sống tình nghĩa cũng như khả năng làm việc của cô Hà.
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận