Phóng to |
Du khách tham quan xác tàu không số - Ảnh: D.T.X. |
Mỏm đá lạ trên vách núi
Vũng Rô ba bề vách đá dựng đứng. Trên những vách sừng sững ấy, thỉnh thoảng có những chòm cây mọc bám vào đá, lơ lửng giữa không trung hay sát mặt nước.
Chúng tôi cho tàu áp sát vào một vách đá đen gồ ghề và chặt những cành cây lớn phủ kín. Từ trên nhìn xuống chẳng khác gì một mỏm đá hơi nhô ra, có một chòm cây lá mọc từ vách đá che phủ.
6g sáng...
Trên đỉnh đèo Cả, ngay từ mũi tàu ta nhìn lên, cách vài trăm mét là một đồn địch lù lù. Nhìn ra phía biển, cách 500m là một đồn địch khác: đồn Mũi Điệng.
Thật tình lúc này rất lo nhưng lại tự an ủi: càng ở ngay trước mũi chúng càng bất ngờ. Chúng không thể nghĩ ta dám vào tận đây đâu.
7g sáng, có ba chiếc trực thăng từ phía nam bay ra...
Trong chiến tranh, những sự kiện vang dội nhất lắm khi lại bắt đầu từ một ngẫu nhiên không đâu. Ngày hôm ấy một ngẫu nhiên như vậy đã xảy đến, mãi về sau này, sau năm 1975 giải phóng miền Nam rồi, qua tài liệu của địch chúng tôi mới biết.
Ngày 15-2-1965, tức là đúng cái ngày chúng tôi đến điểm chuyển hàng trên vùng biển quốc tế ngang Phú Yên, Khánh Hòa, trên chiến trường Khu 5 đã diễn ra một trận đánh lớn đặc sắc: trung đoàn 2, sư đoàn 3 quân giải phóng Khu 5 chặn đánh tiêu diệt hoàn toàn hai tiểu đoàn địch tại đèo Nhông thuộc huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.
Gần chục xe tăng của địch bị bắn cháy tan tành. Đây là lần đầu tiên trên chiến trường Khu 5 quân ta sử dụng súng chống tăng B41. Số súng này do chính các tàu ta đưa vào Khu 5 trong những chuyến trước.
Thương binh địch ngổn ngang trên trận địa đèo Nhông. Chúng phải dùng trực thăng chở về các bệnh viện ở Quảng Ngãi, Quy Nhơn. Bệnh viện Quy Nhơn cũng chật cứng rồi, chúng lại phải chuyển về Nha Trang.
Chính trên một chiếc trực thăng UH1B tải thương đó, bay dọc đường số 1 ven biển từ Quy Nhơn về Nha Trang, lúc qua đèo Cả khoảng 12g trưa, viên phi công đã tình cờ nhận thấy “một mỏm đá lạ nhô ra trên vách núi phía tây Vũng Rô” mà những ngày trước chưa hề thấy. Hắn liền báo về bộ chỉ huy quân đoàn 2 ngụy ở Nha Trang.
Phải nói công tác tham mưu của bọn này rất chặt chẽ, tỉ mỉ. Ngày nào cũng có hai lượt máy bay trinh sát bay chụp ảnh suốt dọc vùng ven biển. Đối chiếu các không ảnh chụp những ngày trước, chúng thấy quả là “mỏm đá lạ trên vách núi phía tây Vũng Rô” mới xuất hiện từ sáng nay.
Bấy giờ là khoảng 1g chiều. Một máy bay trinh sát từ phía Nha Trang ra, quần mấy vòng trên Vũng Rô rồi bắn một quả mù đúng vào chỗ ta giấu tàu. Lập tức hai chiếc khu trục AD6 lao tới, bổ nhào, ném một loạt bom xăng trúng tàu. Tất cả lớp lá ngụy trang của ta bốc cháy rừng rực. Tan khói, toàn bộ hình tàu lộ ra rõ mồn một.
Từ đó đến sẩm tối, hàng chục tốp khu trục liên tiếp đến ném bom. Tới 5g chiều thì tàu chìm hoàn toàn.
Cuộc đụng độ không cân sức
Trước đó, khoảng 4g chiều, tôi được lệnh cùng đồng chí máy trưởng tìm mọi cách xuống tàu để đánh bộc phá. Trong tàu đã đặt sẵn một khối bộc phá 500kg, đảm bảo giật nổ tung tàu, phi tang. Khối bộc phá này bố trí ở khoang máy.
Chúng tôi vượt qua bom đạn mù mịt, tiếp cận được tàu nhưng không vào được khoang máy. Tàu bị trúng bom nghiêng hẳn về một bên, cửa khoang máy chúi xuống phía đáy vịnh, bị sức ép mạnh của nước, chúng tôi lặn xuống nhiều lần không cách nào mở ra được.
Tối, máy bay địch lại đến thả pháo sáng. Mặc pháo sáng, chúng tôi trở lại tàu, lặn xuống, cố lấy hết số súng đạn còn lại trong tàu.
Mờ sáng hôm sau địch lại đến ném bom.
Tối 17-2, quân khu phái xuống một tiểu đội công binh, dùng 1 tấn bộc phá quyết phá tan tàu, thủ tiêu tung tích. Nhưng giật nổ bộc phá xong, chúng tôi trở lại xem thấy tàu chỉ vỡ đôi.
Chiều 17-2 có hiện tượng mới: một chiếc tàu LSM405 của địch có hai tàu chiến PC04 và DCE2 yểm trợ từ phía biển tiến vào, đồng thời trực thăng đổ hai tiểu đoàn bộ binh chiếm các đỉnh cao quanh vịnh. Chúng dùng bộ binh từ các điểm cao đánh xuống, kết hợp tàu thủy đổ bộ, cả máy bay liên tục ném bom yểm hộ. Về sau này chúng tôi mới biết thêm: một tên tướng ngụy từ Sài Gòn bay ra trực tiếp chỉ huy trận này.
Lực lượng ta lúc này chỉ có một trung đội du kích Hòa Hiệp, hai tiểu đội bộ đội địa phương huyện và 18 thủy thủ, trong đó thuyền trưởng Thêm đã bị thương. Chúng tôi chia nhau đánh chặn không cho địch đến gần chỗ tàu và các hang đá còn giấu một số hàng từ các chuyến trước chở vào chưa kịp chuyển đi hết.
Suốt các ngày 17, 18 và 19 địch cố đổ bộ lên bờ mấy lần đều bị ta đánh bật lại. Đến chiều 19, một đại đội địch mới đặt chân được lên bờ. Ta vẫn tiếp tục bám đánh, ngày từng tổ đánh chặn, đêm tập kích bọn địch trú quân trên các đồi trọc. Cứ như vậy suốt các ngày 20, 21, 22 và 23.
Sáng 24, địch lại đổ thêm quân, triển khai từ đường số 1 và các điểm cao phía nam, phía bắc đánh xuống, siết vòng vây chúng tôi lại.
Nhận định lực lượng đã quá chênh lệch, đêm 24 chúng tôi dùng mìn phá nổ hết các hang đá chứa hàng và tổ chức thoát khỏi vòng vây.
Giai đoạn mới sau Vũng Rô
Anh Trần Phong, nguyên tham mưu trưởng Lữ đoàn 125, nói với chúng tôi:
- Vụ Vũng Rô là sự kiện lớn trong lịch sử con đường biển Đông. Nó chấm dứt một giai đoạn hoàn toàn bí mật của con đường này. Nhưng đương nhiên nó không kết thúc con đường, không dập tắt được quyết tâm lớn của chúng ta dùng biển Đông làm con đường quan trọng vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam đang ngày càng đánh lớn hơn. Nó chỉ mở ra một giai đoạn mới của quyết tâm đó. Gian nan hơn, ác liệt hơn, mặt đối mặt thi gan với kẻ thù trên mặt biển mênh mông.
Chúng tôi ráo riết theo dõi động tĩnh của địch.
Tháng 4-1965, tức chỉ gần hai tháng sau vụ Vũng Rô, chúng đã bắt đầu triển khai một chiến dịch mang tên Market time, phân công rõ ràng: hải quân ngụy tuần tiễu ven bờ, hải quân Mỹ, tức một bộ phận quan trọng hạm đội 7, ngăn chặn ngoài khơi. Một lực lượng đặc nhiệm của quân đội ngụy được tổ chức lấy tên là lực lượng 115, gồm bảy tàu khu trục hộ vệ, hai tàu quét mìn, hai tàu vận tải đổ bộ cỡ lớn, năm máy bay trinh sát.
Hải quân Mỹ thì đưa vào công việc này 54 tàu hiện đại. Đến tháng 9-1965, chúng lại tăng thêm năm tàu tuần tiễu ngoài khơi, 30 tàu tuần tiễu trên sông, chín tàu tuần tiễu ven bờ. Toàn bộ vùng ven biển miền Nam được tổ chức lại thành chín khu vực chiến đấu và năm trung tâm giám sát lớn...
Còn ta? Ta tạm dừng một thời gian để rút kinh nghiệm; ráo riết tổ chức, huấn luyện lại lực lượng; tăng thêm 12 tàu cao tốc. Cần có tàu cao tốc là vì chiến thuật thay đổi: tàu đi đến những vùng biển rất xa, đánh lạc hướng địch, rồi bất ngờ dùng tốc độ rất cao lao thẳng vào bờ, thời gian tàu đi trên vùng biển thuộc miền Nam do địch kiểm soát sẽ rất ngắn, vào bờ cất hàng xong, lại dùng tốc độ cao vượt qua thật nhanh vùng biển địch kiểm soát, lao ra vùng biển quốc tế an toàn.
Đó chính là để hạn chế khả năng chạm địch, buộc phải đánh địch trên biển hết sức bất lợi. Hạn chế chứ không loại trừ hoàn toàn được. Bởi Mỹ dùng máy bay trinh sát ngày đêm kiểm soát vùng trời rất rộng, tàu ta rời bến miền Bắc là nó có thể phát hiện được rồi và sẽ theo dõi ta suốt hành trình dài, chờ khi ta vào hải phận miền Nam là vây đánh...
Nghĩa là sau Vũng Rô, tiếp tục đi trên con đường biển Đông sẽ là một trò chơi ú tim lớn, ta hết sức cố gắng lừa địch, tránh địch, nhưng đồng thời cũng sẵn sàng chấp nhận đánh địch trên biển khi không còn khả năng nào khác.
Tháng 10-1965, tiếp tục mở lại con đường.
Một thời kỳ mới của con đường biển Đông đã bắt đầu...
Trò chơi ú tim trên biển Đông ngày càng quyết liệt. Từ 1966-1972, hầu như không chuyến đi nào của tàu không số là hoàn toàn yên ổn, trót lọt...
Nhưng cuộc chiến đấu thì không dừng lại. Vũng Rô hiểm yếu bị phát hiện thì những bãi cát dài trống trải ven biển miền Trung lại được tìm làm bến đậu. Mấy mươi năm sau, nhà văn Nguyên Ngọc đã tìm về một bến đậu như vậy ở tỉnh Quảng Ngãi. Cũng từ đây ông nghe thấy không chỉ tiếng gầm của súng đạn...
----------------
* Kỳ tới: Một câu chuyện tình
----------------
Tin, bài liên quan:
* Kỳ 8: Vũng Rô - bến đậu trong lòng địch* Kỳ 7: Bí mật một con đường* Kỳ 6: Phía sau người anh hùng* Kỳ 5: Những con tàu không số* Kỳ 4: Câu chuyện của người lính già* Kỳ 3: Đi về hướng sao Bắc Đẩu* Kỳ 2: Tìm người vô danh* Kỳ 1: Xác minh một truyền thuyết
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận