10/04/2021 12:05 GMT+7

Bùng nổ phim kịch bản ngoại: Chẳng lẽ văn hóa, đời sống Việt không hấp dẫn?

HOÀNG LÊ
HOÀNG LÊ

TTO - Khi bộ phim Giấc mơ của mẹ khởi quay vào ngày 7-4 thì đoàn làm phim Mẹ ác ma, cha thiên sứ; Lưới tình cũng đang miệt mài trên phim trường. Ba phim không liên quan gì nhau nhưng có một điểm chung: kịch bản mang yếu tố ngoại.

Bùng nổ phim kịch bản ngoại: Chẳng lẽ văn hóa, đời sống Việt không hấp dẫn? - Ảnh 1.

Phim Cây táo nở hoa làm lại từ phim Hàn

Giấc mơ của mẹ được mua bản quyền từ phim Hàn Quốc. Mẹ ác ma, cha thiên sứ cũng được làm lại từ bộ phim nổi tiếng của Trung Quốc có sự tham gia của Triệu Vy. Lưới tình thì được êkip biên kịch Việt chuyển thể từ tác phẩm văn học của Trung Quốc.

Trên màn ảnh nhỏ hiện cũng đang phát sóng phim Cây táo nở hoa có kịch bản Hàn Quốc. Trước đó, nhiều phim có kịch bản ngoại đã ra mắt khán giả như Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử, Nhà trọ Balanha, Tình yêu và tham vọng, Gạo nếp gạo tẻ (phần 1), Vua bánh mì, Hậu duệ mặt trời...

Bùng nổ phim kịch bản ngoại: Chẳng lẽ văn hóa, đời sống Việt không hấp dẫn? - Ảnh 2.

Vua bánh mì- phim Hàn nổi tiếng khắp châu Á được VN sản xuất lại - Ảnh: ĐPCC

Hàn, Trung, Thái... nước nào cũng mua

Không chỉ mua kịch bản phim của Hàn Quốc, Trung Quốc, mới đây nhà sản xuất đã mua phim sitcom của Thái Lan và chuyển thể thành Đứa em thừa kế. Bộ phim này đang phát sóng trên VTV9...

Các tác phẩm văn học nước ngoài mà cụ thể là văn học Trung Quốc cũng được mua bản quyền và chuyển thể thành phim Việt. Cụ thể như Lưới tình được viết kịch bản từ tiểu thuyết Trung Quốc Vợ quan, còn Chọc tức vợ yêu đã phát sóng được chuyển thể từ tiểu thuyết Chọc tức vợ yêu của Trung Quốc phát hành trên mạng...

Bùng nổ phim kịch bản ngoại: Chẳng lẽ văn hóa, đời sống Việt không hấp dẫn? - Ảnh 3.

Phim Đứa em thừa kế chuyển thể từ phim Thái Lan - Ảnh: ĐPCC

Việc sản xuất phim truyền hình Việt hiện đang hồi phục, đòi hỏi một lượng kịch bản rất lớn nhưng biên kịch Việt Nam chưa đáp ứng được, dẫn đến chuyện bùng phát mua kịch bản nước ngoài hoặc tác phẩm văn học nước ngoài để dựng phim. Mặt khác, các phim nước ngoài được mua bản quyền hầu hết là phim hay, việc sản xuất có độ an toàn cao.

Theo đạo diễn Võ Thạch Thảo, Cây táo nở hoa được mua kịch bản ngay khi phim mới phát sóng vài tập ở Hàn Quốc vào năm 2019: "Khi xem phim chúng tôi thấy đây là đề tài tốt có thể khai thác thành phim Việt".

Tham gia biên kịch phim Lưới tình, đạo diễn Nhâm Minh Hiền cho biết: "Tiểu thuyết Vợ quan của Trung Quốc có nhiều tình tiết hấp dẫn và Trung Quốc vẫn chưa làm phim này. Tuy nhiên để phù hợp với văn hóa Việt, phim dựa trên tiểu thuyết 30%, còn lại là nhóm biên kịch Việt sáng tạo thêm".

Từ phía nhà sản xuất, bà Bích Liên - giám đốc Mega GS, đơn vị sản xuất Lưới tình - chia sẻ: "Chọn làm phim từ tác phẩm văn học nước ngoài có một ưu điểm là phim không bị so sánh với phiên bản gốc. Dĩ nhiên là các tác phẩm được chọn đều là sách bán chạy và nhiều người đọc... Chúng tôi cũng đang có một kịch bản thể loại ngôn tình dựa theo tiểu thuyết nước ngoài chuẩn bị đưa vào sản xuất".

Biên kịch Việt ở đâu?

Bà Bích Liên cho biết thêm: "Với những hãng sản xuất như chúng tôi thì điều quan trọng nhất là có kịch bản hay. Thật ra hiện tại chúng tôi nhận nhiều kịch bản của các biên kịch trong nước nhưng đọc nhiều mà khó tìm ra kịch bản hay có thể làm phim.

Ngay như Lưới tình đã có sẵn một câu chuyện hấp dẫn từ tiểu thuyết, nhưng chúng tôi đã phải thay đến ba lần biên kịch mới có thể sử dụng được kịch bản, thời gian cho việc này mất hai năm trời".

Bùng nổ phim kịch bản ngoại: Chẳng lẽ văn hóa, đời sống Việt không hấp dẫn? - Ảnh 4.

Lưới tình cũng có kịch bản từ tiểu thuyết Vợ quan của Trung Quốc - Ảnh: ĐPCC

Việc bùng nổ phim có kịch bản từ nước ngoài khiến nhiều người đặt câu hỏi các nhà biên kịch Việt đang ở đâu. Bà Bích Thủy - biên kịch lâu năm trong nghề - cho rằng do hiện tại đội ngũ biên kịch chuyên nghiệp trong nước chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Lý do chính cho việc chọn phim có kịch bản nước ngoài là sự an toàn. Tuy nhiên đây cũng là con dao hai lưỡi: "Văn hóa, đời sống của Việt Nam có những nét riêng, khác biệt so với các nước khác nên nếu chuyển thể không khéo thì phim cũng không hấp dẫn".

Nhiều bộ phim phát sóng trong thời gian vừa qua đã minh chứng điều này. Vua bánh mì bản gốc của Hàn Quốc nổi tiếng khắp châu Á nhưng phiên bản Việt khá mờ nhạt vì dài dòng, tình tiết khiên cưỡng.

Bùng nổ phim kịch bản ngoại: Chẳng lẽ văn hóa, đời sống Việt không hấp dẫn? - Ảnh 5.

Phim Sống chung với mẹ chồng không có bản sắc Việt - Ảnh: ĐPCC

Hay như phim Sống chung với mẹ chồng có kịch bản từ văn học Trung Quốc thu hút đông đảo khán giả theo dõi nhưng bị "ném đá" bởi xem phim thấy diễn biến câu chuyện ở xứ đâu đâu, chẳng thấy chút bản sắc Việt nào.

Để thay đổi tình trạng "vay mượn kịch bản" này, theo bà Bích Thủy là không dễ dàng bởi phụ thuộc vào rất nhiều điều từ quan điểm của nhà sản xuất, chính sách nhà đài và từ chính các nhà biên kịch. "Nghề biên kịch theo tôi rất khó. Nó đòi hỏi phải có kỹ thuật viết chuyên nghiệp, lại đòi hỏi năng khiếu sáng tạo và vốn sống cao..." - bà Bích Thủy kết luận.

Khó nhưng không phải vì khó mà... buông. Hướng dương ngược nắng có kịch bản thuần Việt dù vẫn còn có mặt hạn chế nhưng hiện thu hút đông khán giả theo dõi, bình luận. Dù gì thì "ao nhà vẫn hơn".

Hàn Quốc cũng vay mượn kịch bản Trung Quốc

Theo Koreatime.co.kr, hiện phim truyền hình Hàn Quốc cũng có khá nhiều kịch bản chuyển thể từ tiểu thuyết hoặc phim Trung Quốc đã và sẽ phát sóng: Mr. Queen, A Love So Beautiful, The golden Hairpin và Until the morning comes.

Trước đó, Joseon Exorcist - bộ phim giả tưởng lịch sử kinh phí lớn của Đài SBS ngưng phát sóng sau hai tập, bị khán giả tẩy chay vì "xuyên tạc lịch sử và sử dụng đạo cụ Trung Quốc một cách không cần thiết".

Choi Min Sung, giáo sư về nội dung văn hóa Hàn - Trung tại Đại học Hanshin, nói với The Korea Times rằng:

"Trung Quốc có một thị trường tiểu thuyết trực tuyến khổng lồ; hơn 2 triệu tiểu thuyết được tạo ra trong một năm và số lượng độc giả vượt quá 300 triệu vào năm 2016. Với thị trường khổng lồ này, một tác phẩm thành công của Trung Quốc thường được cho là có chất lượng đảm bảo".

Yun Suk Jin - cũng là giáo sư ngôn ngữ và văn học Hàn Quốc tại Đại học Quốc gia Chungnam - cho rằng quy mô thị trường Trung Quốc lớn nhất châu Á, cũng là lý do tại sao các nhà sản xuất không thể làm ngơ trước khán giả Trung Quốc.

"Nếu các nhà sản xuất phim truyền hình chỉ vì lợi nhuận của họ, họ sẽ phải đối mặt với nhiều xung đột và tranh cãi hơn", Yun Suk Jin nói. "Họ phải nhớ rằng phim truyền hình Hàn Quốc có bản sắc là sản phẩm của Hàn Quốc".

Ông Choi Min Sung lặp lại quan điểm này, nói rằng các nhà làm phim truyền hình nên ý thức hơn về sự độc đáo của văn hóa Hàn Quốc và sau đó cố gắng thêm các giá trị phổ quát của Đông Á vào các tác phẩm.

Ồ ạt mua kịch bản, phim Việt đang Ồ ạt mua kịch bản, phim Việt đang 'ngoại lai' hay chuyên nghiệp?

TTO - Nếu điểm lại các dự án phim điện ảnh đã, đang và sắp được Việt hóa trong năm 2017, nhiều khán giả có thể giật mình về số lượng phim làm lại từ kịch bản nước ngoài (remake) dự kiến ra rạp vào dịp cuối năm.

HOÀNG LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên