Hàng loạt thuyết âm mưu về biến thể Omicron xuất hiện gây ra thông tin sai lệch - Ảnh: USA TODAY
Theo điều tra của báo Washington Post, vào tháng 7, trên mạng xã hội xuất hiện một video giả nhằm mục đích hiển thị lịch trình khi nào các biến thể của virus SARS-CoV-2 sẽ được "tung ra".
Để tăng thêm độ tin cậy cho người xem, video có gắn các biểu tượng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Video này thu hút hàng nghìn lượt thích trên Twitter và Instagram.
Tuy nhiên, sự thật là một nhóm người chống vắc xin đã tung ra video giả trên nhằm cố gắng chứng minh đại dịch được dàn dựng bởi các nhóm quyền lực. Nhóm người này nhấn mạnh các biến thể mới của COVID-19 đều nằm trong một kế hoạch mờ ám.
Đến cuối tháng 11, các nhà khoa học Nam Phi đã xác định được biến thể Omicron và cảnh báo rằng nó có số lượng đột biến cao. Các quan chức y tế công cộng trên khắp thế giới cảnh báo mọi người không nên vội vàng kết luận trước khi biến thể được nghiên cứu kỹ hơn.
Lúc này video giả trên được đăng tải lại trên các phương tiện truyền thông xã hội. Điều này đã tác động đến nhiều người dùng mạng xã hội khiến họ tin rằng Omicron chỉ là bước tiếp theo của một âm mưu toàn cầu.
First Draft, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên điều tra thông tin sai lệch, cho biết: "Hai tuần sau khi biến thể Omicron xuất hiện, một nhóm với hơn 1 triệu thành viên trên ứng dụng nhắn tin Telegram, có bài tuyên bố chính vắc xin đã gây ra biến thể Omicron".
Một thuyết âm mưu khác cho rằng biến thể này đang được các chính phủ và công ty dược phẩm thúc đẩy với mục đích làm suy yếu ivermectin - một loại thuốc chống ký sinh trùng mà một số người cho rằng điều trị được COVID-19 ở châu Phi (chưa có cơ sở khoa học).
Khi Omicron lần đầu tiên được phát hiện, các chính phủ ở châu Âu và Bắc Mỹ đã phản ứng bằng cách hạn chế du lịch từ khu vực phía nam châu Phi.
Động thái này khiến quan chức ở các quốc gia châu Phi cho rằng hạn chế trên có thể tạo ra sự phân biệt đối xử. Một số người chống vắc xin lại dựa theo đó cho rằng biến thể Omicron là cái cớ để các chính phủ phân biệt chủng tộc, chặn nhập cư và du lịch từ các nước châu Phi.
Các dòng thông tin sai lệch mới nằm trong cuộc chiến kéo dài nhiều năm giữa các chính phủ và mạng truyền thông xã hội cùng người dân đang khát kiến thức, sự thật.
Bà Claire Wardle, giám đốc điều hành của First Draft, cho biết: "Đó là một ví dụ kinh điển. Khi bạn có một khoảng trống, nó sẽ được lấp đầy rất nhanh bởi những người theo thuyết âm mưu".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận