Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3:
Phóng to |
Khách sạn Langbian Palace chính thức hoạt động từ tháng 3-1922, khi đường sắt và đường ôtô lên Đà Lạt chưa hoàn thành - Ảnh tư liệu |
Hébrard không chỉ muốn kiểm soát thiết kế các công thự - việc hoàn toàn trong phạm vi của ông - mà còn cả thiết kế của biệt thự tư nhân nữa.
Giấc mơ nghiệt ngã
Chơi trước làm sau! Chính thức khánh thành tháng 3-1922 sau nhiều lần chậm tiến độ và tốn kém vượt dự toán, khách sạn Langbian Palace là công trình lớn nhất được xây dựng đầu tiên ở Đà Lạt. Khách sạn này được khởi công trước cả bưu điện, nhà ga hay tòa thị chính, thậm chí trước cả nhiều trường học và sự đồ sộ của nó áp đảo mọi công thự xây dựng về sau. Quy định từ mẫu quốc buộc khách sạn Palace phải có quản lý và bếp trưởng người Pháp sẵn sàng trước khi hoạt động. Từ năm 1920, Marc Desanti đã quản lý khách sạn còn xây dang dở này và Desanti chiêu mộ một bếp trưởng từ Pau, miền nam nước Pháp, sang Đà Lạt. Đầu bếp Henri Passiot cùng bà vợ, người kiêm luôn phụ trách buồng phòng, đã ký hợp đồng ba năm để bắt đầu làm việc từ 1-1-1921. Sau mười tháng ngồi không mà phần nội thất khách sạn vẫn chưa hoàn thiện, bếp trưởng Passiot đâm đơn kiện Desanti đòi trả hết tiền lương còn nợ cũng như chi phí đi về giữa Pháp và Đông Dương cho cả hai vợ chồng. Chẳng biết làm sao, Desanti đành phải cầu cứu toàn quyền Maurice Long can thiệp! |
Trong đồ án 1923, Hébrard khuyến cáo rằng “để tránh đưa những thứ xấu xí vào Đà Lạt, các biệt thự phải được xây theo những bản vẽ do chính quyền cung cấp và phải cam kết làm đúng hoàn toàn theo đó. Rất dễ dàng thiết kế ra nhiều kiểu khác nhau và các thầu khoán có thể nhận xây các kiểu biệt thự đã chuẩn hóa này theo giá cả ấn định”. Trọng tâm của tầm nhìn Hébrard là tính đồng nhất để bảo đảm một thành phố “hài hòa tuyệt đối” cho một thành phố hiện đại tương lai. Năm 1925, ông thậm chí còn giao cho Ủy ban Vệ sinh công cộng Đà Lạt một tập hợp nhiều bản thiết kế “những kiểu nhà có thể chấp nhận được cả về mặt vệ sinh lẫn về mặt thẩm mỹ” để phân phát cho các công ty bất động sản và xây dựng.
Carl H. Nightingale trong cuốn Segregation - A global history of divided cities (Phân ly - Lịch sử toàn cầu về các thành phố chia rẽ - NXB Đại học Chicago 2012) viết: “Giới phê bình Pháp đã đánh giá đồ án quy hoạch này còn có sức quyến rũ hơn cả thủ phủ mùa hè Simla của Ấn Độ thuộc Anh hay Buitenzorg của Indonesia thuộc Hà Lan” đã lừng danh từ trước. Nhưng đó là giấc mơ nghiệt ngã! Chẳng có mấy chủ nhân biệt thự muốn xây nhà theo đồ án rập khuôn giống nhau và phong cách kiến trúc Đông Dương cổ xúy chất châu Á của Hébrard. Ngay từ đầu nó đã bị nhiều người cho là không phù hợp với “tiểu Pháp quốc” này. Chính lối quy hoạch kiểm soát toàn bộ chi tiết đã khiến đồ án đầy tham vọng của Ernest Hébrard thất bại. Đây là mô hình vĩ đại nhất trong năm lần quy hoạch kéo dài suốt 40 năm hình thành Đà Lạt nhưng lại được thực hiện trì trệ và ít hoàn thiện nhất.
Từ năm 1930, sau khi đồ án Hébrard bị gác lại, những biệt thự đa phong cách mới nhanh chóng xuất hiện. Tính đa dạng trong kiểu dáng và dấu ấn thiết kế các vùng miền châu Âu từ đó đã khiến Đà Lạt nổi tiếng đến tận ngày nay. Không chỉ là biệt thự của quan chức Pháp, sức hấp dẫn của dự án Đà Lạt đã thu hút cả dân châu Âu và Pháp kiều ở Đông Dương mua đất xây biệt thự tại đây. Những cơ quan ở Hà Nội như Ngân hàng Đông Dương hay Trường Viễn Đông Bác cổ cũng có biệt thự ở Đà Lạt làm nơi nghỉ hè cho nhân viên. Các công ty tư nhân cũng mua hoặc xây biệt thự ở Đà Lạt để nghỉ mát. Công ty nông sản Compagnie Agricole d’Annam có tới ba biệt thự như thế.
Tất nhiên là các kiến trúc sư có sẵn kiểu mẫu cho khách hàng tham khảo. Một trong những kiến trúc sư chính hoạt động ở Đà Lạt những năm 1930-1940 là Paul Veysseyre. Chỉ riêng ở thành phố này ông đã thiết kế nhiều công trình tôn giáo và 54 biệt thự. Trong hồ sơ của Veysseyre có nhiều tập quảng cáo, tài liệu cắt từ báo chí, và mẩu quảng cáo từ rất nhiều tập san kiến trúc quốc tế đương thời. Đây là những kiểu mẫu để khách hàng xem và chọn lựa từ các thiết kế mới nhất, đủ mọi phong cách vùng miền châu Âu thuộc mọi trường phái. Veysseyre sưu tầm nhiều loại tạp chí nước ngoài, có cả tạp chí Neuzeitliches Bauwessen Heraklith-Rundschau của Đức, mà từ đó ông đã cắt ra các mẫu thiết kế biệt thự nhỏ trên núi theo kiểu Berghausen. Điều này cho thấy tính quốc tế rất cao trong phong cách biệt thự Đà Lạt chứ không chỉ đơn thuần là kiến trúc Pháp.
Người Việt giành phần
Chính sách phân biệt đối xử của Pháp áp đặt ở Đà Lạt cũng bị uốn cong trước thế lực của tầng lớp quý tộc Việt Nam cùng thiểu số tư sản bản xứ muốn đòi bình đẳng quyền lợi. Quyết định của vua Bảo Đại muốn xây một biệt điện mùa hè ở “tiểu Pháp quốc” được người Pháp hoan nghênh vì điều đó càng chứng tỏ giá trị đáng khao khát của Đà Lạt. Kiến trúc sư Veysseyre là người thiết kế dinh thự này cho Bảo Đại năm 1933 (nay là dinh III). Rồi sau đó cũng chính Veysseyre lại được thuê thiết kế biệt thự nghỉ hè cho toàn quyền Jean Decoux (nay là dinh II).
Đầu những năm 1930, đường giao thông đã nối liền Đà Lạt với đồng bằng. Lái ôtô đi Đà Lạt nghỉ mát trở thành một dấu hiệu đẳng cấp của giới tư sản mới của Sài Gòn. François de Tessan nhận xét vào năm 1923: “Có khoảng 3.000 ôtô lưu thông ở Sài Gòn. Trong khi vào năm 1914 chỉ có 68 chiếc có đăng ký... Không phải chỉ có người châu Âu là thích mua ôtô. Trong số 1.000 ôtô nhập cảng vào Đông Dương trong 18 tháng qua, người da trắng mua 500 chiếc, còn dân An Nam mua tới 256 chiếc”. Số ôtô còn lại thuộc các chủ người Ấn, Miên và Lào.
Sau du hí bằng ôtô thì việc mua đất xây biệt thự ở Đà Lạt của tư sản Việt trở thành thời thượng. Một madame Hoa mua luôn sáu lô đất liền kề ngay trong khu vực dành cho người Âu từ năm 1926. Năm 1934, một monsieur Lê Dương mua được cả 2ha đất vùng ngoại ô với các điều kiện bình đẳng như người Pháp. Nghề thầu khoán hưng thịnh và tầng lớp tư sản Việt Nam mới ở Đà Lạt cũng đi lên từ nghề này. Ví dụ công ty của Võ Đình Dung từng xây dựng nhiều công trình công cộng của Đà Lạt như nhà ga xe lửa, phần lớn hạng mục các trường học như Lycée Yersin cùng các bệnh viện. Năm 1932, khi mới 30 tuổi, Dung trở thành ủy viên hội đồng thành phố và luôn là một tiếng nói đòi quyền lợi bình đẳng cho dân “Dalatois” bản xứ.
Từ gần 400 cái vào năm 1938, số biệt thự tư nhân ở Đà Lạt đã tăng gấp đôi sau năm năm. Đây cũng là cơ hội cho các kiến trúc sư Việt đầu tiên, nổi tiếng nhất có Phạm Nguyên Hậu. Giới phê bình thời đó đã khen ngợi kiến trúc sư Hậu vì “những công trình vững chãi, chi tiết hoàn thiện, trái ngược với nhiều biệt thự xấu xí vì chắp ghép vội vã do không đủ kinh phí và do chủ nhân thuê làm những mặt tiền hoa hòe vô giá trị”. Những góc độ sắc sảo, tinh tế và việc sử dụng chất liệu bêtông của kiến trúc sư Hậu đã khiến tờ Indochine Hebdomadaire Illustré - tờ báo của chính quyền Decoux - luôn nhắc đến tên ông trong vấn đề thiết kế biệt thự.
Xây biệt thự ở Đà Lạt hoặc sao chép trắng trợn những kiểu mẫu biệt thự của nhau trở thành cách ganh đua đẳng cấp trong giới tư sản cả Âu lẫn Việt đương thời. Nhưng khi các biệt thự đủ loại khiến cho bộ mặt Đà Lạt bị chê là “xấu xí” thì lại nảy sinh vấn đề... phá quy hoạch!
_____________
Kỳ tới: Pineau và 6 tấm bản đồ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận