11/04/2025 18:29 GMT+7

Bùn tự phun trào thành quả đồi nhỏ ở Phú Yên, vì sao?

Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung vừa có báo cáo thông tin kết quả khảo sát điểm bùn phun trào tại thôn Tân Vinh (xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên).

bùn phun trào - Ảnh 1.

Cơ quan chuyên môn đến kiểm tra hiện tượng bùn tự phun - Ảnh: LÊ DUYÊN

Theo báo cáo, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung được Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia giao nhiệm vụ khảo sát, thu thập thông tin có liên quan về hiện tượng bùn phun trào, nhằm đưa ra nhận định dựa trên các căn cứ thực tế và chứng cứ khoa học. 

Đánh giá diễn biến vụ bùn phun trào

Theo báo cáo của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung, vị trí bùn tự phun nằm tại thửa đất 627, tờ bản đồ số 11 của ông Nguyễn Văn Lợi (ở thôn Tân Vinh, xã Xuân Sơn Nam).

Địa hình khu vực lân cận xung quanh điểm phun bùn thuộc kiểu thung lũng giữa núi, khá bằng phẳng, được bao bọc gần như bốn phía bởi các đồi núi thấp và trung bình. 

Tổng quan về toàn bộ hiện tượng bùn tự trào ra tại vị trí tại đỉnh đồi thoải với tốc độ chậm (ước đạt khoảng 5m³/ngày). 

Khi đủ lượng thì chảy thành dòng xuống chân theo một vài hướng, tùy thuộc vào chênh lệch độ cao tương đối giữa các vị trí. 

Bùn có màu vàng nhạt, khi khô có ánh xám trắng. Thành phần của bùn gồm bột, sét trạng thái dẻo chảy, cùng nhiều mảnh vụn thạch anh màu trắng khá sắc cạnh. 

Từ vị trí bùn tự phun có một số khe nứt trên mặt đất dạng tỏa tia về các hướng, khe nứt lớn nhất có chiều dài khoảng 10m.

Đặc điểm và tính chất của bùn không có mùi khó chịu, nhiệt độ khi trào ra trên mặt đất là 29 độ C.

Vì sao có bùn phun trào?

bùn phun trào - Ảnh 2.

Bùn phun trào tại thôn Tân Vinh - Ảnh: MINH CHIẾN

Từ kết quả khảo sát và thu thập thông tin của người dân, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung nhận định vị trí bùn tự phun nằm tại điểm giao cắt theo phương kéo dài của các hệ thống đứt gãy phát triển theo phương tây bắc - đông nam và phương kinh tuyến. 

Thành phần của bùn gồm mảnh dăm sạn thạch anh được dự đoán là sản phẩm phong hóa của đá, xâm nhập trong khu vực bị các trầm tích đệ tứ phủ bất chỉnh hợp lên trên. 

Điều này có thể đưa ra nhận định ban đầu là bùn trào ra do các hoạt động kiến tạo dọc đứt gãy kéo dài từ các địa hình cao trên khu vực đồi núi lên cận xuống, khi gặp điều kiện thuận lợi cho việc xuất lộ, cụ thể là nơi lớp phủ phía trên đứt gãy mỏng, mất liên kết khi đất trên mặt khô cứng.

Hiện tượng bùn tự phun tương tự, tại đúng vị trí này đã được ghi nhận gần 50 năm trước, kéo dài khoảng 10 ngày rồi ngừng phun, có thể do bùn phun ra dần đông cứng lại đã làm lấp đầy hệ thống khe nứt kết nối với đứt gãy, bịt lại các con đường đưa bùn trào ra khỏi mặt đất.

Kết quả của hiện tượng bùn tự phun trào này là hình thành đồi nhỏ hiện nay, với đỉnh tại vị trí phun cao hơn xung quanh một vài mét hoàn toàn tự nhiên, không phải kết quả của bất kỳ quá trình san ủi nào của con người hoặc hiện tượng thiên nhiên khác.

Chưa ghi nhận gây hại đến môi trường và sức khỏe con người

Cũng theo báo cáo, chất lượng bùn về cảm quan tương đối tốt, nhiệt độ bình thường, chưa ghi nhận bất kỳ nguy cơ gây hại nào đến sức khỏe con người và ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, điều này sẽ được đánh giá cụ thể sau khi có kết quả phân tích một số thành phần quan trọng và so sánh với thành phần tương ứng trong bùn khoáng đang được sử dụng ngâm tắm hiện nay tại khu vực, đặc biệt là tại tỉnh Khánh Hòa.

Về cơ bản, hiện tượng bùn tự phun này chưa có dấu hiệu gây nguy hại gì cho môi trường và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, đây chỉ là các nhận định ban đầu, dựa vào kết quả khảo sát nhanh. Các kết luận chính xác cần được dựa trên các thí nghiệm, khảo sát chuyên sâu khác.

Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung kiến nghị chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần tiếp tục bám sát diễn biến của hiện tượng này trong thời gian tới để có ứng phó phù hợp.

Vụ bùn phun trào ở Phú Yên: Đã có kết quả sơ bộ về nguyên nhân ban đầu - Ảnh 5.Hiện tượng lạ: Sau tiếng nổ lớn, bùn dưới lòng đất liên tục phun trào

Nhiều người dân hiếu kỳ đã kéo đến khu vực thôn Tân Vinh (xã Xuân Sơn Nam, huyện miền núi Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) để chứng kiến hiện tượng lạ: Bùn phun trào trong ruộng sắn của một người dân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên