Luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải ra vào cảng Thị Vải - Cái Mép rất cần nạo vét duy tu hàng năm để đón những tàu cỡ lớn - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Tình trạng này kéo dài gây nhiều thiệt hại, thậm chí có cảng có thể ngưng hoạt động.
Nhiều đơn vị kiến nghị cần có những cơ chế, quy trình mới để khai thông các cảng, luồng đang bị bồi lắng.
Mắc cạn!
Dẫn chúng tôi tới cầu cảng ở số 368 đường Gò Ô Môi (quận 7, TP.HCM), ông Hồ Xuân Hào - giám đốc Cảng container Dầu thực vật - ngao ngán: "Luồng sông Nhà Bè đoạn vùng nước trước cảng đang bồi lắng khiến độ sâu chỉ còn 4,3m. Trong khi theo thiết kế ban đầu, cảng này có độ sâu phải đạt ở mức 8,1m".
Chính vì vậy, từ hai năm qua cảng không thể đón được các tàu có trọng tải lớn mà chỉ tiếp nhận mỗi năm lèo tèo vài chục tàu có trọng tải nhỏ. Ông Hào dẫn chứng: năm 2016 cảng đón được 146 chuyến tàu, qua năm 2017 chỉ còn 43 chuyến và từ đầu năm 2018 tới nay cũng chỉ được 24 chuyến (đạt 14,8% so với kế hoạch). Doanh thu công ty sụt giảm, dự kiến năm nay chỉ còn 50 tỉ, giảm 90 tỉ đồng so với những năm trước.
"Nếu tình trạng này kéo dài, cảng chúng tôi có nguy cơ dừng hoạt động do không đủ nguồn thu" - ông Hào nói.
Ngoài ra, các luồng hàng hải dẫn vào các cảng trên địa bàn TP.HCM hiện cũng bị bồi lắng gây nhiều trở ngại cho các tàu có trọng tải lớn.
Theo đại diện Cảng vụ hàng hải TP.HCM, luồng hàng hải Soài Rạp - Hiệp Phước hiện đang xuất hiện các dải cạn. Tại các dải cạn này, độ sâu luồng chỉ khoảng 3-7,5m. Trong khi độ sâu đảm bảo cho tàu thuyền trọng tải 30.000 - 50.000 tấn phải trên 9,5m. Tương tự luồng hàng hải Sài Gòn - Vũng Tàu cũng xuất hiện các dải cạn có độ sâu 8,3m.
Do đó, Cảng vụ hàng hải TP.HCM đã đề nghị Sở Tài nguyên và môi trường (TN-MT) nhanh chóng rà soát và giới thiệu các bãi đổ bùn có khả năng tiếp nhận sản phẩm nạo vét các công trình duy tu tuyến luồng hàng hải năm 2019.
Khu vực trước Cảng container Dầu thực vật (Q.7, TP.HCM) được cho là bị bồi lắng, độ sâu còn 4,3m (so với thiết kế 8,1m) khiến tàu có tải trọng lớn không thể tiếp cận - Ảnh: QUANG KHẢI
Sẽ có quy định mới
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Sang - cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam - cho biết do tiến độ chấp thuận, phê duyệt các thủ tục về môi trường đang rất chậm nên các dự án nạo vét tuyến luồng đổ vật liệu nạo vét ngoài biển đang gặp nhiều khó khăn như luồng Hòn Gai - Cái Lân, luồng Vũng Tàu - Thị Vải (bao gồm luồng hàng hải Sông Dinh), luồng Cửa Lò.
Ông Sang đánh giá tình trạng chậm trễ nạo vét duy tu các tuyến luồng tiếp tục kéo dài thì luồng vào cảng không đủ độ sâu để tiếp nhận các tàu lớn, hoặc các tàu phải neo chờ làm phát sinh chi phí, đặc biệt những tháng cuối năm lượng hàng thông qua các cảng biển rất lớn.
Trước tình hình trên, Cục Hàng hải VN đã liên hệ với các nơi, đơn vị tìm được một số vị trí đổ chất nạo vét trên bờ và đang hoàn thiện thủ tục để sớm triển khai nạo vét 4 tuyến luồng bao gồm: luồng Diêm Điền, luồng Cửa Việt, luồng Sài Gòn - Vũng Tàu, luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu. Đây là các dự án theo kế hoạch được Bộ GTVT thực hiện trong năm 2018.
Cũng theo cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, một khó khăn khác trong công tác duy tu nạo vét luồng, cảng hiện nay là tại hầu hết các tỉnh, TP trong cả nước chưa có quy hoạch vị trí đổ vật liệu nạo vét trên bờ và ở biển.
Để tháo gỡ khó khăn trên, Cục Hàng hải Việt Nam đã tham mưu cho Bộ GTVT đưa các nội dung quy định trách nhiệm của UBND tỉnh và các bộ, ngành có liên quan về vị trí đổ chất nạo vét từ các dự án duy tu, nạo vét khu nước, vùng nước và luồng hàng hải vào dự thảo nghị định về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa.
Dự thảo này cũng đơn giản hóa một số thủ tục liên quan đến môi trường và đã được Bộ GTVT trình Thủ tướng xem xét ban hành trong năm 2018. Bên cạnh đó, Cục Hàng hải Việt Nam cũng có kiến nghị với cấp có thẩm quyền trong việc quy hoạch các vị trí đổ chất nạo vét từ các luồng, cảng biển...
Thủ tục phức tạp, thiếu bãi đổ bùn...
Đây là vấn đề được nhiều cảng, đơn vị quản lý luồng hàng hải phản ánh và cho rằng là nguyên nhân khiến nhiều dự án nạo vét thời gian qua chưa thực hiện được.
Theo ông Hồ Xuân Hào, từ tháng 6-2017, công ty của ông đã xin nạo vét khoảng 90.000m3 bùn nhưng hơn một năm qua vẫn chưa có giấy phép. Ông Hào cho hay theo quy định, dự án nạo vét dưới 50.000m3 phải làm hồ sơ môi trường, trường hợp khối lượng nạo vét vượt con số trên phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) gửi Sở TN-MT duyệt.
Trong hồ sơ môi trường hoặc ĐTM, doanh nghiệp phải xác định được vị trí bãi đổ bùn cũng như phương án đảm bảo môi trường của bãi đổ bùn này.
Trong khi trên địa bàn TP hiện nay chỉ có một đơn vị có chức năng tiếp nhận xử lý bùn tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, huyện Bình Chánh với đơn giá xử lý bùn 1,3 triệu đồng/tấn (đơn giá tạm tính - PV) nên nhiều cảng có khối lượng bùn nạo vét phải tìm địa điểm khác - là những khu đất trống, khu đất nông nghiệp, cần san lấp mặt bằng... để đổ nhằm giảm chi phí.
Tuy nhiên thực tế trên địa bàn TP không dễ dàng tìm được những địa điểm như vậy. Nhiều đơn vị đang chạy vạy tìm chỗ đổ bùn ở các tỉnh nhưng hồ sơ môi trường hay ĐTM bị buộc phải gửi ra Bộ Tài nguyên và môi trường để thẩm định, mất thêm thời gian, công sức...
Một số cảng khác như Tân Cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), cầu cảng trạm phân phối ximăng của chi nhánh Công ty ximăng Nghi Sơn ở xã Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) cũng "trầy trật" mới xin được giấy phép nạo vét.
Bùn nạo vét có thể làm vật liệu san lấp, tái chế
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - phó giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, các luồng, cảng, khu vực đường thủy nội địa trước khi nạo vét phải được kiểm tra thành phần để có hướng xử lý phù hợp.
Nếu bùn có chứa chất nguy hại phải được đưa đi xử lý theo quy trình chất thải nguy hại. Trường hợp bùn nạo vét là chất thải thông thường thì có thể sử dụng để tái chế, san lấp mặt bằng... Vấn đề hiện nay giữa đơn vị, cá nhân có nhu cầu đổ bùn chưa kết nối được với đơn vị, cá nhân cần bùn để san lấp.
Tìm hướng khơi thông cảng, luồng
Ông Hà Thanh Sơn - phó trưởng phòng Giao thông đường thủy, Sở GTVT TP.HCM - cho rằng việc nạo vét luồng Soài Rạp - Hiệp Phước (chiều dài 54km) là việc làm định kỳ hằng năm. Tuy nhiên thực tế việc này còn phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn để thực hiện, từ quý 1-2017 đến nay công tác nạo vét luồng này chưa được tiến hành.
Ông Sơn cũng nhìn nhận việc thiếu quy hoạch bãi đổ bùn là "khó khăn lớn nhất" cho công tác nạo vét cảng, luồng hàng hải và thủy nội địa thời gian qua. "Hiện cũng có khoảng 10 dự án nạo vét đường thủy nội địa đang vướng địa điểm đổ bùn. Còn quy định đối với dự án nào phải làm hồ sơ môi trường, dự án nào làm ĐTM, sở duyệt hay bộ duyệt thì phải căn cứ theo quy định hiện hành" - ông Sơn cho hay.
Đề cập việc khơi thông luồng Soài Rạp - Hiệp Phước, ông Sơn cho rằng đã có dự án nạo vét (đoạn nạo vét dài 34km), đã làm ĐTM gửi Bộ TN-MT phê duyệt. Theo đó, tổng khối lượng bùn nạo vét khoảng 2,5 triệu m3 sẽ được đổ ở xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, TP.HCM và bãi đổ ở Tiền Giang.
Sau khi nạo vét luồng này có độ sâu 9m, kinh phí ước tính 400 tỉ đồng. Nếu thủ tục được sớm phê duyệt, khả năng trong quý 1-2019 việc nạo vét luồng Soài Rạp - Hiệp Phước sẽ được tiến hành.
Bốc dỡ hàng hóa ở cảng quốc tế Long An - Ảnh: Đ.Đ.
Cạn 10cm phải giảm 400-500 tấn hàng/chuyến tàu
Tàu hàng lưu thông qua khu vực kênh Cái Tráp, TP Hải Phòng - Ảnh: TIẾN THẮNG
Ngay sau khi có điểm đổ thải tạm thời trên bờ, tính đến tháng 8-2018, tại luồng hàng hải khu vực TP Hải Phòng đã được nạo vét đạt chuẩn thiết kế (-7m), sau hơn 2 năm "mắc cạn" gây thiệt hại không nhỏ cho các doanh nghiệp.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Dương Ngọc Đức - phó tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc - cho biết việc nạo vét luồng hàng hải khu vực Hải Phòng trong năm 2018 đến nay đã hoàn tất, tuy nhiên đơn vị vẫn đang phải tiếp tục tìm kiếm các điểm đổ thải mới để đáp ứng kế hoạch nạo vét trong các năm tiếp theo.
Theo ông Đức, hằng năm luồng hàng hải Hải Phòng đều phải nạo vét khoảng 1,2 triệu m3 bùn đất mới có thể đảm bảo độ sâu thiết kế theo quy định. "Nhiệm vụ tìm điểm đổ thải mới hiện vẫn rất nặng nề bởi điểm đổ thải trên bờ gần như đã hết, trong khi việc đổ thải ngoài biển gặp rất nhiều rào cản" - ông Đức nói.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, luồng hàng hải Hải Phòng không được nạo vét trong hơn 2 năm đã khiến nhiều đoạn kênh, luồng hàng hải chỉ đạt độ sâu -6,3m, trong khi chuẩn thiết kế phải là -7m (giảm 70cm so với tháng 8-2017).
Theo ông Phạm Hồng Minh - phó tổng giám đốc Công ty CP Cảng Hải Phòng, tính toán của các hãng tàu cho thấy nếu cứ giảm độ sâu 10cm thì đồng nghĩa với việc phải giảm 400-500 tấn hàng/chuyến tàu.
"Việc luồng Hải Phòng có thời điểm bị giảm tới 70cm so với chuẩn thiết kế của luồng hàng hải thì các hãng tàu đã phải cắt giảm xấp xỉ 6.000 tấn/chuyến tàu, tương đương 400 container/chuyến. Kéo theo đó là doanh nghiệp cảng chúng tôi cũng thiệt hại khi bị giảm lượng xếp dỡ, chưa kể thiệt hại cả về mặt doanh thu từ nâng hạ, lưu kho bãi..." - ông Minh chia sẻ.
Ông Phạm Quốc Long - phó chủ tịch Hiệp hội Đại lý và môi giới hàng hải Việt Nam - cho biết khoảng thời gian luồng hàng hải Hải Phòng không được nạo vét đã khiến phần lớn các chuyến tàu vận tải phải giảm gần 3.000 tấn/lượt, tương đương hơn 150 container/lượt.
"Thời điểm đó, với giá cước bình quân 4-5 triệu đồng/container, các hãng tàu nội địa Việt Nam bị thiệt hại khoảng 30 tỉ đồng/tuần. Ngoài ra còn ảnh hưởng tới việc tìm bạn hàng quốc tế, giảm sức cạnh tranh với cảng biển của các nước trong khu vực" - ông Long phân tích. (TIẾN THẮNG)
Đổ xuống biển sẽ ảnh hưởng đến tôm, cá...
Bộ NN&PTNT vừa có văn bản phản hồi Bộ TN-MT liên quan khu vực biển dự kiến nhận chìm chất nạo vét, thuộc dự án nâng cấp luồng hàng hải cho tàu biển 10.000 tấn ở cảng Cửa Lò, Nghệ An.
Theo Bộ NN&PTNT, khu vực biển dự kiến để nhận chìm chất nạo vét cách bờ biển khoảng 10km, độ sâu khoảng 15m là không phù hợp vì gần bờ, vừa nông lại nằm ngay vùng cửa sông Lam, được xác định là ngư trường khai thác thủy sản truyền thống của ngư dân, gần với khu vực bảo vệ nguồn hải sản tiềm năng, là bãi đẻ, bãi ươm nuôi tự nhiên của các loài thủy hải sản.
Theo ông Vương Bình Minh - giám đốc Cảng vụ Hàng hải Nghệ An, cảng Cửa Lò bắt đầu khai thác 4 bến từ năm 2002, chiều sâu của luồng dẫn là -5,5m, chỉ có thể được khai thác cho các tàu nhỏ hơn 8.000 tấn, khối lượng hàng hóa bốc xếp của cảng nhỏ hơn so với năng lực thiết kế.
Từ tháng 9-2014, cảng nạo vét luồng tàu có độ sâu -7,2m (giai đoạn 1) và nhờ đó có thể đón được tàu 25.000-30.000 tấn. Tuy nhiên, ông Trần Văn Đạt - giám đốc cảng Cửa Lò - cho biết do cảng biển bồi lắng, không được nạo vét tiếp do không có chỗ đổ bùn thải đã gây khó khăn, hạn chế đối với các tàu thuyền có trọng tải lớn vào cảng bốc dỡ hàng hóa.
Không riêng gì bốc xếp hàng hóa như cảng Cửa Lò, tại Nghệ An có 4/6 cửa lạch bị bồi lắng, gây khó khăn cho việc ra vào cảng của hàng ngàn tàu thuyền. (DOÃN HÒA)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận