Khách trước vừa ngồi, khách sau đã hối hả xếp hàng chờ món bún bò mỡ nổi. Món mỡ nổi độc lạ ăn cùng bún bò tan ra ngay khi cho vào miệng, để lại dư vị khiến người ăn nhớ hoài.
Nằm trong nhánh nhỏ của một con hẻm trên đường Võ Văn Tần (quận 3), bún bò mỡ nổi cô Như từ lâu đã trở thành hương vị quen thuộc của người dân nơi đây.
Quán do bà Lý Thị Kim Như mở, đến nay ngót nghét đã gần 30 năm.
Gánh bún bò mỡ nổi từ những ân tình
Bà Như kể hồi xưa bà buôn bán ở chợ Vườn Chuối. Có lần không may, gia đình đổ nợ. Việc bán buôn ế ẩm, bà phải nhường sạp bán hàng cho người khác.
Thấy vậy, người vợ của anh chồng thương tình, truyền cho bà nghề nấu bún bò để làm kế sinh nhai.
Lúc đầu, quán mở ở đoạn giữa hẻm Võ Văn Tần.
Hàng xóm thấy hoàn cảnh bà khó khăn nên họ thương, giúp đỡ.
Ngoái đầu nhìn về ngôi nhà sau lưng, bà Như cho biết chủ trước ở đây rất tốt, cho bà khoan tấm bạt vào tường nhà để che mưa, che nắng.
Tuy nhiên, không ít lần quán bà gặp vấn đề do chắn đường xe ra vào hẻm. Vì thế đến năm 2021, quán chuyển vào sâu trong một nhánh nhỏ của hẻm để bán.
"Có lẽ tôi may mắn. Lúc đầu tưởng vào đây bán sẽ bị mất khách, ai ngờ khách đông hơn so với trước đây" - bà Như vui vẻ cho biết.
Bà chia sẻ dù bây giờ nhiều người biết tới quán, nhưng bà vẫn mở cửa từ 11h đến 18h, không mở hơn vì sợ không thể phục vụ chu đáo. Tuy vậy, mới khoảng 16h, một số đồ ăn ăn kèm với bún bò như giò, chả… đã không còn.
Hiện tại, tiệm bún bò do cô Uyên, con gái duy nhất của bà, bán chính vì tuổi bà đã cao, sức khỏe không còn đảm bảo.
Bà Như cho biết lúc đầu mỡ nổi chỉ là phần trang trí cho tô bún thêm đẹp mắt. Chỉ ai muốn ăn bà mới cho thêm. Sau này, anh Mẫn, con rể bà Như, thấy nhiều người yêu thích mỡ nổi nên kèm thêm một chén riêng cho người ăn.
Theo Tuổi Trẻ Online ghi nhận, những khách lần đầu đến đều dặn "nhớ cho thêm một chén mỡ nổi".
Khách tăng vọt, lo không phục vụ đàng hoàng
Trong không gian ồn ã của quán, người đến sau liên tục nối tiếp vào hàng của khách đang đợi. Người viết chờ rất lâu để trò chuyện với cô Uyên, vì cô không có thời gian ngơi tay.
Từ 3h sáng mỗi ngày, các thành viên phụ nhau để chuẩn bị nguyên liệu bán cả ngày như xắt thịt, luộc thịt, rửa rau…
Bà Như cho biết làm nước lèo là cực nhất. Trong suốt 5 tiếng, bà phải liên tục luộc thịt, nêm nếm và canh để giữ được hương vị từ trước giờ.
Gần 30 năm bán bún bò, không ít người ăn đã trở thành "khách ruột" của bà Như. Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, bà Như cười hạnh phúc khi nhắc về một vị khách quen:
"Hồi đó có đứa sinh viên, lúc đi học ghé tôi ăn hoài. Sau này bạn ra trường, đi học, đi làm. Sau bao năm, bạn lập gia đình cũng quay lại đây ăn. Bạn hỏi: "Cô còn nhớ con không?", tôi bảo là nhớ chứ".
Khi quyết định giao quán cho con gái, bà Như kỹ lưỡng dặn các con: "Trước giờ mẹ bán sao thì các con giữ nguyên hương vị như vậy, bán buôn phải luôn niềm nở, lịch sự với khách".
Cô Uyên tâm sự, cô hài lòng khi quán bán với lượng khách bình thường, bây giờ lượng khách tăng vọt, cô lo "mình chỉ có hai tay, làm sao để phục vụ cho đàng hoàng được".
Bạn Thư, một khách quen của quán, cho biết bạn đã ăn bún bò ở đây gần 15 năm. Bạn bày tỏ: "Mình cảm thấy hương vị ở đây mang lại cảm giác thân quen và cách phục vụ của cô chú rất vui vẻ, thoải mái".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận