Dù chấn thương nhưng Bùi Trường Giang (trái) vẫn nỗ lực thi đấu để có mặt trong trận chung kết - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Hài lòng bởi những gì anh làm được tại là quá tốt so với nỗi lo sợ trước thềm giải đấu.
Cụ thể, 1 tháng trước Asiad, Giang bị giãn dây chằng đột ngột trong một buổi tập. Cộng thêm hàng loạt chấn thương phải chịu trong sự nghiệp của mình, những tưởng võ sĩ 22 tuổi này sẽ phải giã từ Asiad.
"Nhưng sau đó kết quả chụp cho thấy chấn thương của tôi cũng không quá tệ. Gắng gượng vẫn có thể thi đấu ở Asiad. Các HLV hỏi ý, tôi quyết định sẽ tham dự thêm ít nhất là một kỳ tranh tài này nữa. Do nặng gánh gia đình nên tôi cần thi đấu để có thể nhận được tiền thưởng" - Giang thẳng thắn chia sẻ về động cơ thi đấu của mình.
Vinh quang, tự hào dân tộc là những điều thường được nhắc đến khi các VĐV đoạt huy chương ở những kỳ đại hội thể thao. Cứ mỗi một huy chương, thứ hạng của đoàn thể thao VN tại Asiad lại nhích lên một chút.
Nhưng bên cạnh đó, hạnh phúc với các VĐV còn là những gì họ mang về cho gia đình.
Sinh ra trong một gia đình làm nông ở Thái Bình, hoàn cảnh nhà Giang cũng khó khăn như khá nhiều VĐV khác ở VN.
Nhiều năm qua, người hâm mộ đã được nghe về câu chuyện của những cô gái con nhà nghèo mơ đổi đời ở môn boxing. Nội dung tán thủ của wushu cũng gần như tương tự.
Mỗi lần đi thi đấu được đồng nào, Giang lại dành dụm rồi hỗ trợ cho ba mẹ một phần. "Em tôi năm nay mới học lớp 10, tôi muốn hỗ trợ cho nó được học hành đầy đủ, sau này lên học đại học. Tiền thưởng cho thành tích ở Asiad là để dành cho việc học của cả hai anh em" - Giang kể.
Hiện đang theo học năm 2 ĐH Sư phạm thể dục thể thao, đã bắt đầu tính đến cuộc đời hậu VĐV của mình. Khắp người Giang là những chấn thương, từ nhẹ cho đến nặng ở đầu gối, cổ chân và vai.
"Tôi sẽ gắng gượng thi đấu cho đến đại hội thể dục thể thao cuối năm nay rồi tính tiếp. Sự nghiệp VĐV tán thủ chúng tôi thường ngắn lắm vì chấn thương vô số" - Giang nói.
Đến với Asiad bằng đôi chân không lành lặn, Giang vẫn mạnh mẽ đánh gục hàng loạt đối thủ mạnh từ Kazakhstan, Philippines, Ấn Độ... để bước vào chung kết. Và sau 5 trận đấu, chấn thương của anh càng nặng hơn.
Nhưng với Giang, anh vẫn phải cắn răng vượt qua tất cả vì gánh nặng gia đình, vì tương lai của cô em gái.
Và không riêng gì Giang, nhiều VĐV VN đến với Asiad cũng phải cắn răng vượt qua hoàn cảnh khó khăn với động lực cực lớn từ gia đình. Trần Đình Nam - người mang về HCV cuối cùng ở môn pencak silat - đã bị rách sụn vai xuyên suốt giải đấu.
"Tôi đã có vợ và con 3 tuổi. Họ là động lực lớn để tôi nỗ lực thi đấu" - Nam chia sẻ sau khi giành chiến thắng trong trận chung kết.
Rồi 4 cô gái vàng của chèo thuyền - những người đã mang về chiếc HCV đầu tiên cho VN ở Asiad - trong giây phút xúc động đã đồng thanh hô vang: "Có tiền mua sữa cho con rồi"...
Nỗ lực thi đấu hòng có tiền thưởng cho em đi học, có tiền mua sữa cho con... Có thể nói đây cũng là nguồn động lực cho các VĐV - những người thường ở trong cảnh nhà nghèo - thêm sức mạnh để chiến đấu và chiến thắng trên sàn đấu.
Cầu mây mang về huy chương cuối cùng
Trưa 1-9, tuyển cầu mây VN đã không thể làm nên bất ngờ trong trận chung kết nội dung đội 4 người nữ gặp Thái Lan.
Dù vậy, thành tích lọt vào chung kết của các cô gái này cũng giúp cầu mây VN có một kỳ Asiad khá thành công với 1 HCB và 2 HCĐ. Đồng thời đây cũng là tấm huy chương cuối cùng cho thể thao VN tại Asiad.
Ngày thi đấu 1-9 cũng khép lại kỳ Asiad 2018 của đoàn thể thao VN. Tổng cộng VN giành được 4 HCV, 16 HCB và 18 HCĐ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận