Những chuyến phà Cao Lãnh đưa khách sang sông đã lùi vào dĩ vãng...
21h20, chuyến phà Cao Lãnh cuối cùng cập bến phường 6, TP Cao Lãnh (Đồng Tháp). Tút, tút, tút - ba tiếng còi dài thường lệ báo phà sắp cập bến như có cả lời chia tay của con phà trăm năm đưa đón khách sang sông.
Giã biệt những chuyến phà ngang
Dòng nước cuồn cuộn đỏ ngầu phù sa những ngày cuối tháng 8 chứng kiến thời khắc chấm dứt bến phà.
Dưới màn mưa lất phất, anh Nguyễn Văn Tính (44 tuổi), thuyền trưởng điều khiển chuyến phà 60 tấn mang biển số ĐT-00625, đưa những hành khách cuối cùng sang sông. Từ 0h ngày 24-8, những chuyến phà ngang đưa đón khách nối đôi bờ huyện Lấp Vò và TP Cao Lãnh chỉ còn là quá khứ.
Trước giờ khởi hành chuyến phà cuối, anh Tính tranh thủ lên trước buồng lái, chụp vài tấm ảnh lưu giữ kỷ niệm về nơi mình đã gắn bó gần nửa đời người. Chuyến phà hôm nay đông hẳn so với ngày thường bởi người dân và du khách đến phà để "check in" lần cuối, mong lưu giữ khoảnh khắc kỷ niệm khó quên.
Bắt đầu gắn với bến phà từ năm 2003, anh Tính trải qua nhiều cảm xúc vui buồn với những chuyến phà nối đôi bờ sông Tiền. Ngoài thời gian học việc khoảng 2 năm thì anh Tính đã làm thuyền trưởng được hơn 15 năm.
Anh Nguyễn Văn Tính lái chuyến cuối cùng khép lại câu chuyện bến phà Cao Lãnh 100 năm - Ảnh: T.NHƠN
Mai này có điều động tui sang bến phà nào đi chăng nữa thì phà Cao Lãnh vẫn đọng lại những kỷ niệm khó phai trong lòng tui.
Anh Nguyễn Văn Tính
"Cách đây chỉ vài năm, phà vẫn còn nhộn nhịp lắm, do gần trường đại học nên sinh viên qua lại đông vui. Mỗi mùa vía Bà, mùa tết, xe cộ đậu đông nghẹt kéo dài hàng cây số. Mệt nhưng vui lắm, vì đưa người ta đoàn tụ gia đình, sum họp ngày cuối năm" - anh Tính chia sẻ kỷ niệm.
Thời điểm cầu Cao Lãnh chưa hoàn thành, bến phà Cao Lãnh có 5 phà 100 tấn, 3 phà 60 tấn và 2 phà 40 tấn. Lượng phương tiện qua lại hơn 13.600 xe máy và hơn 2.000 ôtô mỗi ngày. Ngày cầu thông xe, bến phà chỉ còn duy trì 2 phà trọng tải nhỏ, đưa đón khoảng 2.000 lượt xe mỗi ngày. So với thời cao điểm hoạt động 24/24h thì gần đây phà chỉ chạy từ 4h30 sáng đến 21h tối.
Với thời lượng trung bình 15-18 phút/chuyến, hiện anh Tính chạy khoảng 60-64 chuyến phà mỗi ngày. Người đàn ông tóc điểm bạc dày dạn kinh nghiệm với con nước, sức gió không giấu được xúc động khi hay tin phà dừng hoạt động.
"Sau lần thông xe cầu Cao Lãnh, giảm biên chế, phải chia tay nhiều anh em thân thiết thì đây là lần buồn tiếp theo. Tui ở lại đây giữ bến phà chờ phân công nhiệm vụ mới, trong khi các anh em được điều động đi những bến phà khác như phà Sa Đéc, phà Phong Hòa" - anh Tính chùng giọng.
Chung nỗi niềm, anh Trần Văn Tịnh cho biết được điều động sang phà Phong Hòa. Anh em bến phà hay chọc vui với nhau rằng anh Tịnh "đi đến đâu là phà dẹp đến đó". Lý do đơn giản bởi trước đây anh Tịnh làm ở phà Vàm Cống. Cầu thông xe, anh được điều động về bến phà Đại Ngãi.
Do xa nhà, anh xin về bến phà Phong Hòa cho gần. Cách đây khoảng 2 tháng, thấy phà Cao Lãnh thiếu thợ sửa máy nên anh xin qua.
Nghe tin phà dừng ai cũng chọc anh "số nhọ". "Biết sao được. Dù sao cũng được bố trí sang bến phà khác, tiếp tục làm bạn với sông nước là vui rồi" - anh Tịnh chia sẻ.
Anh Hồ Văn Bửu (49 tuổi), nhân viên soát vé bến phà, cũng có ngót nghét 20 năm công tác. Bên nỗi buồn phà dừng hoạt động, anh cũng thương cho những người bán vé số, hàng rong vì từ đây không còn được mời mọc khách qua phà.
"Họ cũng như mình, có người đã gắn bó với bến phà hàng chục năm, chén cơm đều từ đây mà có" - anh Bửu trải lòng.
Trong dòng người đông đúc lên phà chia tay với anh em nhân viên phà, anh Nguyễn Bảo Sơn, người dân sống gần bến phà, không giấu được nỗi niềm.
"Nay tui không đi cầu, tranh thủ qua đây đi chuyến phà cuối cùng. Nói chứ ngày còn nhỏ xíu đã qua lại phà, quen mặt hết mấy anh em thủy thủ và cả mấy người bán vé số, hàng rong. Phà dừng, lòng cũng bồi hồi lắm" - anh Sơn chia sẻ.
Những vị khách cuối cùng lên phà Cao Lãnh
Cưu mang bao phận đời
Bên xe bánh bao và tủ đựng nước giải khát nho nhỏ, bà Nguyễn Thị Thơi (64 tuổi) tận dụng thời gian rảnh để lột vỏ lụa hạt điều. Do lượng khách ngày càng thưa thớt, bà tranh thủ làm kiếm thêm. Cứ mỗi ký hạt điều bà có thêm 5.000 đồng lo tiền cơm nước mỗi ngày.
Nghe phà Cao Lãnh chính thức dừng hoạt động, bà chặc lưỡi tiếc nuối: "Tui bán ở phà này đã 33 năm rồi, từ khi cầu Mỹ Thuận chưa khánh thành. Ngày trước tui bán cơm, hủ tiếu, sau này ế khách mới chuyển sang bán nước uống, bánh bao. Phà dừng, chắc lại càng ế hơn".
Nhờ đồng tiền từ khách sang sông, bà Thơi nuôi hai người con ăn học thành tài. Dẫu phà dừng, bà Thơi cho biết vẫn sẽ tiếp tục gắn bó với công việc, bởi không buôn bán thì cũng chẳng biết phải làm gì.
Cạnh đó, chị Phương Thị Mỹ (48 tuổi) vẫn cần mẫn mời mọc khách những tấm vé số. Chị cho biết hằng ngày lãnh của đại lý khoảng 150 tờ, bán cho hành khách lên xuống bến phà. Ngoài đồng lương giữ vườn của chồng khoảng 4 triệu đồng/tháng thì thu nhập từ nghề bán vé số giúp chị duy trì cuộc sống và lo ăn học cho hai người con.
"Ngày kiếm được hơn trăm ngàn, mua thịt cá và dè sẻn đóng học phí cho tụi nhỏ. Nhà không có cục đất chọi chim nên hằng ngày đều phải trông vào mấy tờ vé số. Nghe phà dừng buồn quá, mai mốt chắc phải lãnh ít lại chứ sợ bán không hết" - chị Mỹ chia sẻ.
Bà Hồ Thị Sáu (63 tuổi), một người bán trái cây dạo tại bến phà, cũng chung tâm trạng bùi ngùi. Hằng ngày bà mua sơ ri, chuối sáp bán cho khách qua lại phà. Thu nhập vốn đã giảm đi nhiều sau lần thông xe cầu Cao Lãnh, nay lại càng khốn khó hơn khi phà dừng.
"Ở đây tui quen hết mấy anh tài công, thủy thủ, soát vé. Sau cái đợt thông xe chia tay, mấy chục anh em giờ không biết sao. Ai cũng buồn nhưng phải chấp nhận thôi" - bà Sáu trầm ngâm tâm sự.
Dưới ánh đèn màu rực rỡ cầu Cao Lãnh, chuyến phà cuối cùng vẫn lặng lẽ đưa khách sang sông. Phà khuất dần sau màn đêm mù mịt, từ xa chỉ còn những tiếng còi như lời chia tay...
Bốn đời gắn với những chuyến phà Cao Lãnh
Anh Nguyễn Văn Sơn (40 tuổi) là một người đặc biệt tại bến phà Cao Lãnh khi gia đình có bốn đời đều làm thuyền trưởng. "Từ năm 1934, ông cốc tui đã làm thuyền trưởng rồi đến ông nội, cha và cuối cùng là tui. Tất cả đều làm thuyền trưởng. Ngày thông cầu Cao Lãnh, tui được điều về bến phà Sa Đéc nhưng vẫn xem phà Cao Lãnh rất thân thương vì gắn bó cả mấy thế hệ gia đình" - anh Sơn chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận