22/07/2023 09:57 GMT+7

Bùi Mạnh Dũng học để gỡ sợi dây xích chân cho bố

Chưa bao giờ Dũng thấy tự ti, ái ngại với hoàn cảnh éo le của gia đình. Trái lại, đó là động lực cho em quyết tâm học tập để giúp bố chữa bệnh "khùng", để "xây căn nhà có phòng riêng, không còn có sợi dây xích chân bố".

Bùi Mạnh Dũng ước mơ sau này sẽ xây được một căn nhà nhỏ để có phòng riêng cho bố ở, không phải xích chân bố như thế này nữa

Bùi Mạnh Dũng ước mơ sau này sẽ xây được một căn nhà nhỏ để có phòng riêng cho bố ở, không phải xích chân bố như thế này nữa

Những ngày qua, hay tin Bùi Mạnh Dũng (17 tuổi, dân tộc Mường) đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, thầy cô và anh em làng xóm đến ngôi nhà sàn ở xã Gia Mô (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) để động viên, tiếp sức cho Dũng tự tin bước đến cánh cổng trường đại học. Với 26,35 điểm, Dũng là người có điểm thi cao nhất khối B00 của Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Hòa Bình.

Bùi Mạnh Dũng học để gỡ sợi dây xích chân cho bố

Tiền phúng điếu mẹ dìu ước mơ con

Cơn mưa lớn vừa đổ ập xuống, ngôi nhà sàn xiêu vẹo với mái lợp thủng lỗ chỗ nằm dưới chân núi dường như không đủ sức chống chịu. Hướng ra phía cửa sổ, Dũng ngồi ngay ngắn trên bàn ôn lại kiến thức đã học. Bên bếp lửa, ông nội cặm cụi đan giỏ tre. Phía trong nhà có một người đàn ông ngồi thu lu một mình với sợi dây xích quấn quanh cổ chân. "Bố em đấy ạ", Dũng nói rồi hướng mắt về phía bố.

Một năm trước, ông Bùi Văn Hay (47 tuổi, bố của Dũng) phát bệnh nặng, gia đình đành phải dùng sợi dây xích buộc cổ chân ông lại. Cầm trên tay sợi dây xích nặng trịch, Dũng nói sợi dây này là chắc chắn nhất từ trước đến nay, chứ trước đó gia đình đã thay sợi dây xích chân cho bố đến 5-6 lần.

Dũng kể lúc lên cơn bố thường đập phá, vứt đồ đạc, tìm cách tháo phăng dây xích ra. Có lần tháo được, bố xách cả dây xích nặng trịch đi cùng khiến cả nhà tá hỏa đi tìm, mãi đến sáng hôm sau mới thấy bố đang ngủ ngoài đường. Lần nữa bố đi lang lang mấy ngày trời chẳng ai tìm được, may mắn được các chú công an tìm thấy và gọi điện báo cho gia đình đến đón về.

"Lúc quyết định xích bố lại, em cảm thấy rất thương bố, nhưng đó là quyết định cuối cùng rồi, không còn cách nào khác", Dũng giãi bày.

Những lúc tỉnh táo, ông Hay "ngồi ngoan" trong góc nhà, hễ thấy Dũng đến ngồi cạnh bố hoặc có khách đến trò chuyện là ông "tỏ ra tỉnh táo". "Chưa bao giờ bố đánh em đâu ạ", Dũng cầm lấy đôi tay gầy guộc của bố nói.

Khi Dũng ngồi cạnh bên, ông Hay thường hay nhoẻn miệng cười và rất khoái chí khi được "so vai" hoặc khoác vai con trai. Sức vóc khỏe mạnh của chàng trai tuổi 17 "bẻ gãy sừng trâu" dường như là niềm tự hào của bố, khiến ông cứ nhích lại gần từng chút một và dừng lại khi bờ vai gầy guộc của ông chạm vào bờ vai vạm vỡ của con.

Dũng kể hồi chưa phát bệnh nặng, bố vẫn có sức để đi làm đồng, làm ruộng phụ giúp cho mẹ. Nhưng về sau bệnh nặng hơn, bố uống rượu nhiều hơn, Dũng nghĩ có lẽ do "ma men" đã tàn phá sức khỏe của bố. Dù hoàn cảnh gia đình như vậy nhưng cậu nói chưa bao giờ thấy tự ti hay tủi thân, ngược lại là động lực để em cố gắng, tiến bộ hơn mỗi ngày, để cố gắng giúp bố bớt "khùng", vượt qua bệnh tật.

"Nhìn thấy bố như thế này, ước mơ của em là xây một căn nhà nhỏ để có phòng riêng cho bố ở, để không phải xích chân bố như thế này", Dũng tâm sự.

Dũng cho biết sau khi mẹ mất, có khoản tiền tang lễ nho nhỏ nên em dành tiền đó để làm chi phí sinh hoạt, trang trải tiền học. "Dù mẹ còn sống hay đã mất, em tin mẹ vẫn luôn ủng hộ em bước tiếp trên con đường đã chọn. Với số tiền đó, em phải quyết tâm, cố gắng hơn nữa để không làm mẹ thất vọng", Dũng bày tỏ.

Dũng học bài, bên cạnh là ông nội - trụ cột của nhà, năm nay đã 87 tuổi - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Dũng học bài, bên cạnh là ông nội - trụ cột của nhà, năm nay đã 87 tuổi - Ảnh: NGUYÊN BẢO

30 tấm bằng khen trong căn nhà trống

Trong căn nhà sàn chẳng còn thấy bóng dáng của người phụ nữ, họa hoằn lắm lúc Dũng đi học nội trú ở tỉnh về thì căn bếp mới đỏ lửa thật lâu. Ở nhà, cụ Bùi Văn Chén (87 tuổi, ông nội của Dũng) sẽ nấu qua loa bát canh chan cơm trắng hoặc con cái, hàng xóm ở gần đó sẽ mang cơm đến cho hai bố con cụ Chén.

Năm ngoái, mẹ của Dũng mất vì căn bệnh ung thư. Ngày trước, mọi chuyện trong nhà đều do người mẹ quán xuyến, giờ đây mọi việc trong nhà lại nhờ ông nội lo toan. Hằng ngày, ông đan lát giỏ tre bán kiếm tiền đỡ đần cho cháu có tiền ăn học, tiền sinh hoạt phí. Nhưng ở cái tuổi "gần đất xa trời", cụ Chén cũng chẳng biết có đủ sức để lo được cho cháu quãng đường dài sắp tới hay không.

"Lo chứ, không biết làm thế nào để ra tiền, để cháu nó có tiền đi học. Lo nên ở nhà đan giỏ, lúc cháu về cũng có cái ăn, lúc cháu đi cũng lo được cho nó ít tiền", cụ Chén giãi bày.

Cụ Chén nhớ có lần nhìn thấy Dũng về nhà nằm dài ra sàn nhà học bài vì không có bàn học, cụ đã đi khắp nơi hỏi xin chiếc bàn cho cháu. Người ta thương tình cho cụ chiếc bàn con, về nhà cụ Chén gia công lại thành chiếc bàn học gắn bó với Dũng cho đến ngày hôm nay.

Hoàn cảnh khó khăn là vậy nhưng nhìn những bằng khen cũ, mới treo thẳng thớm trong nhà, người ông lại dấy lên niềm tự hào. Với 30 tấm bằng khen của Dũng trong suốt 12 năm học, ông nội đã bửa cây để chuốt lại thành khung trang trọng để khoe phần thưởng của cháu.

Bên bếp lửa, ông nội dặn dò cháu trai dù nhà có khổ, có nghèo đến thế nào cũng phải cố gắng học tập, không phải lo nghĩ chuyện ở nhà vì đã có ông trông bố giùm. Cụ Chén dự tính nếu nhà không có tiền sẽ tự kiếm cái ăn, có cây rau, cây măng ở ngoài rừng cũng sẽ ráng qua bữa. "Nếu học giỏi, cháu gắng học, không phải lo cho ông. Ở nhà có ông lo cho bố, anh em cũng gom góp mỗi người một ít để đỡ đần cháu đi học", cụ Chén nói.

Nay tranh thủ những ngày nghỉ, Dũng đỡ đần thêm việc nhà cho ông nội, thay ông chăm sóc bố. Lúc rảnh rỗi, chàng trai trẻ dân tộc Mường lại thả hồn vào tiếng sáo lúc lảnh lót trong trẻo, lúc trầm bổng vang vọng giữa núi rừng mang theo ước vọng bay cao, bay xa mãi...

Khó khăn không ngăn đường tới trường

Với số điểm thi hiện nay, Dũng dự định sẽ đăng ký nguyện vọng vào Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho khối A00 và sẽ đăng ký thêm nguyện vọng vào khối ngành dược cho khối B00.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ hoàn cảnh của cậu học trò, cô giáo Hà Thị Hồng, hiệu trưởng Trường Tiểu học - Trung học cơ sở xã Lỗ Sơn (huyện Tân Lạc), cho biết dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng suốt 12 năm liền Dũng luôn nỗ lực phấn đấu trong học tập.

Từ năm lớp 6 đã phấn đấu học ở trường nội trú huyện, cho đến năm lớp 12 luôn là học sinh giỏi toàn diện. "Gia đình Dũng hoàn cảnh rất éo le, nhìn thấy bố bị xích chân như vậy ai cũng rớt nước mắt", cô Hồng tâm sự.

Không được bỏ cuộc

Đã có lần Dũng nghĩ đến việc tạm dừng học tập, bảo lưu kết quả. Đó là thời khắc hay tin mẹ bị bệnh nặng, Dũng dự tính nghỉ học để được đỡ đần, chăm sóc mẹ những ngày cuối đời. Nhưng ngày còn sống, mẹ luôn dặn dò con trai phải cố gắng học, không được bỏ cuộc. Nhớ lời mẹ dặn, Dũng xốc lại tinh thần, lấy lại mục tiêu học tập.

Đáng giá nhất trong ngôi nhà sàn xiêu vẹo là 30 bằng khen của Dũng được ông nội đóng khung, treo chật kín nhà - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Đáng giá nhất trong ngôi nhà sàn xiêu vẹo là 30 bằng khen của Dũng được ông nội đóng khung, treo chật kín nhà - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Mong tiếp sức

Chị Bùi Thị Duyên, bí thư Đoàn xã Gia Mô, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, cho biết gia đình Dũng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trước kia mẹ của Dũng là lao động chính trong nhà nhưng không may qua đời vì căn bệnh ung thư.

Hiện nay ông nội đã cao tuổi, bố bị bệnh tâm thần nên gia đình lại càng khó khăn hơn. "Rất mong các nhà hảo tâm có thể giúp em học, để sau này em có tương lai xán lạn, lo được cho ông cho bố", chị Duyên nói.

Bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể Tỉnh/Thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể Tỉnh/Thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.

Các bạn đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2023 TẠI ĐÂY

Các bạn đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2023

Học để được tự doHọc để được tự do

Học để được tự do - là quan điểm của chị Lưu Thị Hiếu (33 tuổi) - người khuyết tật thứ ba của Việt Nam làm việc cho tổ chức Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên