PGS.TS Lê Anh Tuấn - giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam - nói về tin vui với Bùi Công Duy nói riêng và với nền âm nhạc cổ điển Việt Nam nói chung.
Học hàm giáo sư danh dự tại Trường đại học Nghệ thuật quốc gia Kazakhstan cho Bùi Công Duy được Bộ Văn hóa và Thông tin Kazakhstan phê duyệt bổ nhiệm. Trường đại học Nghệ thuật quốc gia Kazakhstan tổ chức lễ trao học hàm cho anh vào ngày 26-4.
Bùi Công Duy là trường hợp khá hiếm hoi
Trước Bùi Công Duy, ngôi trường âm nhạc có lịch sử 25 năm ở một đất nước thừa hưởng bề dày truyền thống âm nhạc của Liên Xô cũ này mới chỉ phong học hàm giáo sư trong ngành violin cho một vài nhà sư phạm, nghệ sĩ xuất chúng.
Đó là huyền thoại violin thế giới Victor Tretyakov - người đoạt huy chương vàng cuộc thi danh giá Tchaikovksy năm 1966, hay Eduard Grach - người đoạt giải thưởng Tchaikovksy năm 1962, Edward Schmieder - nhà sư phạm nổi tiếng người Mỹ…
Kể từ năm 2016, Bùi Công Duy đã nhiều lần được Trường đại học Nghệ thuật quốc gia Kazakhstan mời là thành viên ban giám khảo trong các cuộc thi violon quốc tế, đồng thời giảng dạy masterclass và biểu diễn độc tấu với Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Kazakhstan.
Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam Lê Anh Tuấn nói nền âm nhạc Kazakhstan được thừa hưởng tinh hoa của nền âm nhạc Xô Viết nên có trình độ âm nhạc rất cao, có truyền thống âm nhạc phong phú, đặc sắc…
Vì vậy việc được Trường đại học Nghệ thuật quốc gia Kazakhstan phong học hàm giáo sư danh dự là một vinh dự rất lớn với Bùi Công Duy và với cả Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
Ông nói những trường hợp như Bùi Công Duy vẫn khá hiếm hoi ở Việt Nam.
Hạnh phúc được đứng cạnh những người khổng lồ
Đón tin vui lần này, từ Kazakhstan, nghệ sĩ Bùi Công Duy nói đây thật sự là điều bất ngờ đối với anh.
Anh cảm thấy rất vinh dự và tự hào được đứng cạnh một "người khổng lồ" như GS.TSKH Alexander Sokolov - giám đốc Nhạc viện Tchaikovksy, nguyên bộ trưởng Bộ Văn hóa và Truyền thông Liên bang Nga, cũng lên nhận học vị tiến sĩ khoa học danh dự của Trường đại học Nghệ thuật quốc gia Kazakhstan.
"Thật sự tôi không dám nghĩ tới điều này, trước đây một vài nhà sư phạm, huyền thoại violon thế giới mà tôi rất ngưỡng mộ đã được phong tặng học hàm giáo sư danh dự tại đây và tôi không nghĩ tới việc một ngày tôi lại có thể được đứng ở vị trí này", Bùi Công Duy nói.
Tiết lộ về công việc sắp tới ở cương vị giáo sư danh dự của Trường đại học Nghệ thuật quốc gia Kazakhstan, Bùi Công Duy cho biết anh sẽ tiếp tục giảng dạy, biểu diễn cho nhà trường; đồng thời dự kiến sẽ làm chủ tịch Hội đồng chấm thi tốt nghiệp quốc gia cho các học viên violon trung cấp, đại học, và sau đại học ở Kazakhstan...
Phó giám đốc trẻ nhất trong lịch sử gần 70 năm của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam
Bùi Công Duy từng là tài năng trẻ của âm nhạc Việt Nam với nhiều giải thưởng quốc tế lớn, trong đó có giải nhất cuộc thi Tchaikovsky dành cho lứa tuổi trẻ năm 1997.
Tốt nghiệp nghiên cứu sinh Nhạc viện Tchaikovsky (Nga), Bùi Công Duy là người nước ngoài đầu tiên trở thành thành viên của dàn nhạc dây Virtouse Moscow danh tiếng trên thế giới.
Anh cùng vợ là nghệ sĩ biểu diễn piano Trinh Hương (con gái nhạc sĩ Phú Quang) về nước làm việc khi sự nghiệp ở nước ngoài của cả hai người đang lên nhanh. Hai vợ chồng cùng giảng dạy tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và biểu diễn các chương trình hòa nhạc lớn.
Bùi Công Duy hiện có học vị tiến sĩ. Giữ chức vụ phó giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam năm 2017, anh là phó giám đốc trẻ nhất trong lịch sử gần 70 năm của ngôi trường này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận