Đây là chặng dừng chân thứ ba - sau hai thủ đô Praha của Czech và Bratislava của Slovakia - trong chuyến đi “bụi” hai tuần lễ qua các nước Đông Âu mà chúng tôi ao ước từ lâu (Thật ra, Đông Âu là một khái niệm chính trị xã hội xuất phát từ thời kỳ chiến tranh lạnh để chỉ những nước nằm về phía Đông dưới ảnh hưởng của Liên Xô, còn trên vị trí địa dư cả ba nước này đều nằm ở Trung Âu).
Dòng sông chảy giữa đôi bờ
Phóng to |
Tòa nhà Quốc hội lộng lẫy bên dòng sông Danube |
Như mọi thủ đô xinh đẹp khác của châu Âu lãng mạn, Budapest cũng được phong tặng nhiều nickname mỹ miều, nào là Paris phía Đông, Trái tim của châu Âu, nào là Viên ngọc của Danube hay Nữ hoàng sông Danube…
Điểm khiến cho “Paris phía Đông” độc đáo hơn “Paris chính hiệu con nai vàng” là Budapest được hợp nhất bởi hai thành phố Buda và Pest hoàn toàn tương phản nhau ở hai bên bờ Danube, con sông may mắn có được vị trí danh giá trong lịch sử âm nhạc thế giới.
Có thể nói không nơi nào Danube lại đẹp và lãng mạn như ở Budapest. Dòng sông tựa như một dải lụa mơn man giữa đôi bờ vai cân đối, với cảnh quan độc đáo hai bên bờ làm tăng thêm vẻ trữ tình.
Trông người mà ngẫm đến ta, không thể không hoài nhớ về những dòng sông tâm tưởng quê nhà, mà so với Danube thì mỗi sông một vẻ mười phân vẹn mười, dù chẳng thua chị kém em nhưng lại đang bị sự thờ ơ và buông lỏng quản lý làm hao mòn nhan sắc trời cho.
Chúng tôi dành buổi sáng đầu tiên tham quan Pest nằm ở phía bờ Đông. Ấn tượng đầu tiên là màu xanh bao trùm khắp nơi trong thành phố chịu ảnh hưởng của cả hai nền văn hóa Đông - Tây này. Đại lộ Andrássy có bề dày lịch sử 135 năm là con đường chính tại trung tâm thủ đô, hình thành từ thời Hungary còn là một bộ phận của đế chế Áo - Hung. Mang dáng dấp Champs-Elysées của Paris, đại lộ Andrássy ngoài các cửa hàng cao cấp còn có vô số tiệm cà phê, nhà hàng, quán nghệ sĩ là nơi gặp gỡ của giới văn nghệ Hungary hơn một thế kỷ nay.
Trải qua ngàn năm tuổi, các kiến trúc thời đế quốc La Mã, những dinh thự lộng lẫy, vương cung thánh đường nguy nga vẫn trường tồn với thời gian, sánh vai hài hòa với những kiến trúc hiện đại của thủ đô một nước cộng hòa trẻ tuổi. Một trong những công trình níu bước chân du khách là Nhà hát Opera Quốc gia, một kiệt tác của nền kiến trúc tân Phục hưng. Người Hungary đã bỏ chín năm để biến khoảnh đất bùn lầy nơi đây thành một địa chỉ văn hóa sang trọng thời đế chế Áo - Hung.
Phóng to |
Quảng trường Anh hùng mênh mông ở trung tâm thành phố |
Dừng chân ở Quảng trường Anh hùng rộng thênh thang nằm cuối Đại lộ Andrássy, chúng tôi thơ thẩn quanh Đài kỷ niệm thiên niên kỷ cao vút và chiêm ngưỡng dãy tượng các vị vua chúa lập quốc, anh hùng dân tộc, biểu tượng của sức mạnh và lịch sử các vương triều Hungary.
Lịch sử của một đất nước không chỉ được dệt nên với những tên tuổi, sự kiện và con số, mà còn là những công trình đặc trưng của từng thời đại mà trải qua bao năm tháng đã trở thành di sản văn hóa. Tòa nhà Quốc hội - biểu tượng nổi tiếng nhất của Budapest - thuộc loại công trình này và là một trong những tòa nhà lập pháp cổ kính nhất châu Âu.
Được xây dựng trong khoảng thời gian từ 1884 đến 1902, phỏng theo nguyên bản nhà quốc hội ở London, tòa nhà nghị viện Budapest mang kiến trúc Gothic, mặt tiền soi bóng xuống dòng Danube, nhưng lối vào chính lại nằm ở quảng trường bên hông. Điều thú vị là du khách có thể mua vé vào tham quan tòa nhà và người dân Hung thì được quyền ngồi theo dõi các phiên họp Quốc hội.
Cách đó không xa là nhà thờ chính tòa uy nghi Saint Stephan, tên vị hoàng đế đầu tiên của Hungary lên ngôi trị vì vào năm 1000. Đây cũng là nơi lưu giữ bàn tay của vị vua đã hiển thánh này, đặt trong một chiếc quách nhỏ trang trọng, được xem là thánh tích linh thiêng đối với người Hungary.
Bình nguyên Pest được nối với vùng đồi cao Buda bằng tám cây cầu huyết mạch mà mỗi chiếc là một công trình nghệ thuật, có những chiếc từng bị chiến tranh làm hư hại gãy đổ nhưng rồi lại được phục hồi nguyên vẹn như xưa. Chúng tôi băng qua Cầu Xích (Chain Bridge) - một trong những chiếc cầu đẹp nhất - thích thú ngắm bốn con sư tử oai phong lẫm liệt ngự hai bên đầu cầu.
Phóng to |
Chain Bridge nổi tiếng với truyền thuyết về sư tử không lưỡi |
Có một truyền thuyết liên quan đến việc xây dựng chiếc cầu hình thành vào thế kỷ XIX này: Vị kiến trúc sư thiết kế tự hào về công trình hoàn mỹ của mình đến độ khi có ai đó tình cờ phát hiện một khiếm khuyết nhỏ là bốn chú sư tử không có lưỡi, vị kiến trúc sư đã tự tử! Phải chăng đó cũng là một tính cách đặc trưng của những tài năng luôn khát khao vươn tới sự toàn bích, rất mãnh liệt trong đam mê sáng tạo nhưng cũng lại dễ bị tổn thương bởi tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm.
Chỉ cần đi thêm quãng ngắn là đến điểm có thang máy cổ xưa với buồng bằng gỗ đưa du khách lên du ngoạn Đồi lâu đài (Castle Hill) ở Buda, mảnh đất thiêng liêng của các triều đại vua chúa Hungary.
Bữa tiệc ánh sáng
Quả thật, buổi chiều mùa hè ở Buda là thời khắc tuyệt vời nhất để cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp Viên ngọc của dòng Danube.
Nếu lâu đài Buda và toàn cảnh sông Danube ở Budapest được UNESCO đưa vào danh mục “Di sản thế giới”, thì nhà thờ Matthias kiến trúc Gothic và quần thể Thành những người đánh cá (Fishermen’s Bastion) đã được người dân xứ Hung bình chọn là một trong “Bảy kỳ quan kiến trúc Hungary”, theo cuộc thăm dò dư luận của một nhật báo uy tín ở nước này.
Vượt qua thánh đường Matthias trang nghiêm vươn tháp chuông trên bầu trời chiều, chúng tôi đến bên lan can trông xuống dòng Danube của công trình Thành những người đánh cá và bắt đầu thưởng thức một bữa tiệc ánh sáng tuyệt vời.
Trong ánh nắng hoàng hôn chan hòa, cả mặt tiền tòa Quốc hội bên bờ Đông ánh lên một màu vàng rực rỡ. Nghe nói cựu Tổng thống Pháp J. Chirac từng khen tặng tòa nhà nghị viện Hungary là “đẹp nhất thế giới”, hẳn là ông đã thốt lên câu ấy khi đứng ngắm ở đúng vị trí và thời khắc này.
Những tia nắng cuối cùng của ngày bịn rịn ve vuốt các tòa nhà và tháp cổ của lâu đài Buda xây dựng từ thế kỷ XIII, trải qua bao nhiêu triều đại và những cuộc chiến tranh liên miên nhưng hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Hiện nay nó là trụ sở của Phủ tổng thống, nhà hát, bảo tàng, cũng là điểm tham quan thu hút du khách.
Phóng to |
Bên trong nhà hát Opera Quốc gia |
Vừa qua khỏi Castle Hill là tới chân đồi Gellért với khu thành quách xưa có tường dày bằng đá kiên cố. Công viên xanh tươi trên đỉnh đồi mời gọi du khách nhanh chân rảo bước đến nơi để ngắm tượng Nữ thần Tự do hai tay nâng cao cành lá cọ, biểu tượng của chiến thắng và hòa bình.
Ngọn đồi vọng cảnh Gellért là nơi có tầm nhìn đẹp nhất, bao quát cả Budapest. Khi vầng thái dương từ từ khuất cuối chân trời, cả thành phố vụt trở nên lung linh huyền ảo khác thường, với muôn vạn ánh đèn soi sáng những tượng đài, các dinh thự lộng lẫy và những cây cầu đồ sộ.
Chúng tôi kết thúc việc thưởng thức bữa tiệc ánh sáng bằng chuyến du ngoạn trên con tàu hoa đăng xuôi theo dòng Danube, với ly rượu champagne sóng sánh trên tay, thả hồn theo giai điệu luân vũ rộn rã của bài Dòng sông xanh và thỏa thuê nhìn ngắm những công trình tráng lệ rực rỡ hai bên bờ.
Không chỉ phong cảnh mà ẩm thực của Hungary cũng vô cùng hấp dẫn. Đến đất nước này thì không thể bỏ qua món xúp cá hálászlé truyền thống hay goulash hấp dẫn nấu từ rau xanh và thịt bò. Một đặc sản khác của Hung là món gan ngỗng nổi tiếng cả châu Âu, được xuất khẩu nhiều nhất sang Pháp để chế biến thành món pa-tê gan ngỗng lừng danh.
Là một trong 25 quốc gia đầu tiên trồng nho trên thế giới, khắp Hungary có rất nhiều vùng sản xuất rượu, mà hai thương hiệu được khẳng định trên thị trường quốc tế là Bikavér và Tokaji. Đặc biệt rượu Tokaji từng được vua Louis 14 của Pháp ngợi khen qua câu nói bất hủ: Đây là vua của các loại rượu và là rượu của các vì vua (C’est le roi des vins et le vin des rois). Trong danh sách các bậc quân vương hâm mộ Tokaji còn có cả Pie Đại đế của Nga, Napoléon III của Pháp và vua Thụy Điển Gustav III.
Ơn trời, những ngày ở Budapest, nhờ các bạn mới quen mà nhu cầu tìm hiểu và thưởng thức các món ngon vật lạ của chúng tôi được đáp ứng… trên cả sự mong đợi.
Buổi tối cuối cùng ở Budapest, chúng tôi cùng những người bạn trẻ, vốn là du học sinh Việt Nam nay đang làm ăn thành công ở xứ người, kéo nhau đến một nhà hàng của người Hoa ăn bữa cơm chia tay đầy lưu luyến, tuy mới gặp mà thân thiết như cố tri. Từ giã Budapest xinh đẹp, chúng tôi mang theo trong lòng ấn tượng khâm phục về một thành phố đầy sức sống, tuy trải qua nhiều biến động, hết ngoại xâm, thiên tai đến chiến tranh, nhưng sau mỗi mất mát là sự phục hồi mạnh mẽ còn hơn xưa. Trông người mà ngẫm đến ta…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận