Hình ảnh người dân sửa đường được đăng lên mạng - Ảnh: FB Vương Mạnh |
Đường quốc lộ 70 khu vực km 23-24 bị hư hỏng từ lâu, nhiều người gặp tai nạn do các ổ trâu, ổ gà trên đường. Tuy nhiên, qua gần hai năm đường vẫn không được sửa chữa. Sau nhiều ngày che chắn bằng cách lấy đá rồi cành cây bao tải che để người đi đường biết, người dân đã đứng ra tráng ximăng, sửa chữa đường.
Một người dân ở Lào Cai đã đưa lên Facebook hình ảnh đẹp của người dân sửa đường kèm theo suy nghĩ của mình. Không ngờ sau đó cả một đoàn cơ quan chức năng đã đến nhà người dân sửa đường truy hỏi động cơ vì sao tự ý sửa đường, vì sao đưa lên mạng, người phụ nữ trưởng đoàn trước khi về còn đe dọa: “Mai đưa công an vào anh tự chịu trách nhiệm!”.
Nhiều câu hỏi được đặt ra sau vụ việc này, liệu người dân có được tự ý sửa đường? Có được phép đăng tải hình ảnh người dân sửa đường lên mạng không?
Người dân có được tự ý sửa đường?
Theo luật sư (LS) Thái Văn Chung - phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, đường sá tại mỗi khu vực đều có cơ quan quản lý riêng, ví dụ đường trong quận huyện do UBND quận huyện trực tiếp quản lý.
Đường trong khu dân cư, tùy theo mức độ hư hỏng thì người dân có thể khắc phục sửa chữa. Tuy nhiên đối với những đường lớn thuộc quản lý của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là đường tỉnh lộ, quốc lộ thì người dân không có thẩm quyền sửa chữa.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thái - phó trưởng khoa vận tải - kinh tế ĐH Giao thông vận tải Hà Nội, mỗi loại đường đều được phân cấp rõ ràng cụ thể và đều có những tiêu chuẩn chất lượng riêng. Do đó, việc sửa chữa cũng phải đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật.
“Rất hoan nghênh tinh thần của người dân, nhưng nếu sửa chữa không đảm bảo thì lại dễ gây lãng phí, không đảm bảo được thời gian sử dụng lâu dài, sau một thời gian lại hỏng, vừa tốn tiền bạc vừa tốn công sức” - PGS.TS Nguyễn Hồng Thái nói.
PGS.TS Phạm Xuân Mai, khoa kỹ thuật giao thông Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết việc sửa đường phải do các cơ quan chịu trách nhiệm bảo dưỡng thực hiện.
Vấn đề là các cơ quan này ở đâu khi đường sá hư hỏng trong thời gian dài mà không thấy sửa?
Cơ quan quản lý giao thông ở đâu?
Đồng tình với việc người dân không có vật liệu, kỹ thuật đúng tiêu chuẩn, do vậy việc sửa chữa đường sẽ không đồng bộ với mặt đường hiện hữu, không đảm bảo chất lượng lâu dài, tuy nhiên LS Lê Quang Vũ, phó trưởng văn phòng luật sư Người Nghèo (TP.HCM), cho rằng phần đường người dân sửa tạm vẫn có thể sử dụng tạm thời và an toàn hơn là để nguyên trạng đường hư hỏng không sửa chữa gì cả.
“Cơ quan chức năng chuyên môn cần nhanh chóng ghi nhận, kiểm tra việc sửa chữa đường của người dân để sau đó tiến hành các thủ tục sửa chữa lại đường cho đúng quy định luật pháp và tiêu chuẩn kỹ thuật” - ông Lê Quang Vũ nói.
Theo PGS.TS Phạm Xuân Mai, xét về mặt kỹ thuật thì người dân không nên tự ý sửa đường. Tuy nhiên qua việc làm này của dân cũng thấy sự vô trách nhiệm của cơ quan quản lý ngành giao thông.
“Trách nhiệm của cơ quan bảo dưỡng cầu đường là phải kiểm tra, giám sát thường xuyên, phát hiện kịp thời những hư hỏng và có kế hoạch sửa chữa. Đằng này họ lại quá chậm trễ để người dân bức xúc phải sửa” - ông Phạm Xuân Mai nói.
PGS.TS Nguyễn Hồng Thái cho biết theo quy định, việc bảo dưỡng phải theo định kỳ và trong những trường hợp đột xuất thì phải sửa chữa khẩn cấp.
Chụp hình đưa lên mạng cũng là cách báo chính quyền
Theo LS Lê Quang Vũ, việc người dân đăng tải hình ảnh với bình luận tích cực, mang tính xây dựng, ghi nhận nghĩa cử đẹp của người khác là không vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội.
LS Lê Quang Vũ cho rằng người dân bình thường khó xác định được cơ quan nào quản lý có trách nhiệm sửa chữa đường hư hỏng, nên khi phát hiện đường hư hỏng nặng có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông họ thường đưa các thông tin này lên mạng.
Theo ông Phạm Xuân Mai, việc chụp hình đường sá hư hỏng hay người dân sửa chữa đường đưa lên mạng là cách để người dân đưa thông tin đến với các cơ quan quản lý giao thông.
Bên cạnh đó, việc này cũng là một cách cảnh báo tới người tham gia giao thông về những đoạn đường xấu họ cần cẩn thận hoặc nếu có thể thì tránh sử dụng.
“Người dân có quyền đưa lên mạng những tiêu cực để ngành giao thông thấy mà sửa sai và không ai có thể cấm đoán họ làm chuyện này. Người quản lý không nên giấu cái sai của mình”, PGS.TS Phạm Xuân Mai nói.
Theo LS Lê Quang Vũ, trong trường hợp phát hiện đường sá hư hỏng, người dân nên đặt dấu hiệu cảnh báo an toàn cho người đi đường. Sau đó nhanh chóng trình báo cho chính quyền phường, xã gần nhất.
Chính quyền địa phương có trách nhiệm thông báo sự việc đó đến cơ quan quản lý chuyên ngành để giải quyết.
Làm người tốt cũng bị nhắc nhở? Rất nhiều ý kiến bày tỏ nỗi bất bình trước thái độ “hạch sách và nực cười” của đoàn cơ quan chức năng đến “làm việc” với người đăng tải hình ảnh người dân sửa chữa đường. Nhiều bạn đọc bày tỏ sự tán thưởng trước hành động đẹp của những người dân sửa đường và cả người đã lan truyền những hình ảnh đẹp ấy cho cộng đồng mạng. Tuy nhiên, người dân đã có tâm làm việc tốt, đáng lẽ chính quyền phải hỏi thăm, giúp đỡ và giải quyết tình trạng đường xấu để người dân đỡ bức xúc, tại sao lại tra hỏi, thậm chí còn đe dọa? “Người dân sửa sai giùm các vị mất mặt hay sao mà có thái độ đó? Lại thêm chuyện lạ đời làm việc tốt bị cảnh cáo!” - bạn đọc Lê Mạnh Thành nêu. Bên cạnh đó, nhiều người cũng bức xúc trước việc đường quốc lộ hư hỏng trong một thời gian dài mà không cơ quan nào đứng ra sửa chữa, gây nguy hiểm cho rất nhiều người tham gia giao thông. “Thu phí đường bộ để làm gì? Sao không chịu sửa chữa? Có công bằng với người đóng thuế hay không? Đường bị hư hỏng thì dân báo cho chính quyền nhưng chưa có kinh phí nên chẳng lẽ để đó cho có tai nạn chết hoặc bị thương rồi mới tính sao? Thật hoang đường quá đỗi” - bạn đọc Đinh Hữu Nghĩa nói. |
Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:
>> PGS.TS Nguyễn Hồng Thái:
>> PGS.TS Phạm Xuân Mai:
>> LS Thái Văn Chung:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận