16/08/2018 10:55 GMT+7

Bức xúc chuyện bạo hành, lạm thu

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - Không phải ngẫu nhiên mà nhiều đại biểu đã cố ý nhấn mạnh những vấn đề trên tại Hội nghị chuyên đề về công tác chuẩn bị năm học mới 2018-2019 do Ủy ban MTTQ VN TP.HCM tổ chức sáng 15-8.

Bức xúc chuyện bạo hành, lạm thu - Ảnh 1.

Bạo hành với trẻ mầm non vẫn là sự bức xúc và quan tâm của xã hội. Trong ảnh: cơ sở mầm non Mầm Xanh (Q.12, TP.HCM), nơi đã có 3 bảo mẫu bị đưa ra xét xử vì bạo hành trẻ em - Ảnh tư liệu TT

Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Hoài Nam, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: "Năm học 2018-2019, thành phố có 1.677.581 học sinh với 2.262 trường từ mầm non đến THPT, tăng hơn 67.000 học sinh so với năm học trước (năm học 2017-2018, số học sinh không có hộ khẩu tại thành phố là 294.239, bình quân mỗi năm tăng khoảng 15.000 học sinh không có hộ khẩu tại TP.HCM).

Áp lực này làm gia tăng sĩ số học sinh/lớp vượt cao so với chuẩn (cấp tiểu học), học sinh học 2 buổi/ngày giảm. 

Điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện... đều co hẹp, gây ảnh hưởng đến các lớp đang học. 

Việc gia tăng số học sinh nêu trên dẫn đến tăng số cán bộ, giáo viên, nhân viên và tăng biên chế sẽ làm tăng nguồn chi của ngân sách thành phố. Một số quận, huyện có nhiều trường quy mô trên 40 - 50 học sinh/lớp đã hạn chế phần nào công tác quản lý và chất lượng giảng dạy.

Thành phố vẫn đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học

Ông LÊ HOÀI NAM (phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)

Đủ chỗ học nhưng vẫn "khó khăn"

"Nhà tôi ở xã Đa Phước, trước đây con lớn của tôi được vào học ở Trường tiểu học Nguyễn Văn Trân. Nhưng mấy năm gần đây trường này đạt chuẩn quốc gia, mỗi lớp chỉ có 35 học sinh nên số trẻ trên địa bàn được vào học rất ít. 

Nhiều em phải qua những xã lân cận để học, gây khó khăn khi đưa đón cho phụ huynh, nhất là đối với những gia đình có con lớn học ở Trường Nguyễn Văn Trân còn đứa nhỏ học ở trường khác. 

Trong khi đó, xã Đa Phước đã có đất quy hoạch xây dựng thêm trường tiểu học. Không hiểu sao đã nhiều năm rồi mà Nhà nước không xây thêm trường mới?" - ông Phùng Văn Được, phụ huynh học sinh ở xã Đa Phước, đặt câu hỏi.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Phương Nam, chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đa Phước, thông tin: "Đa Phước chỉ có một trường mầm non công lập trong khi số trẻ trong độ tuổi đi học lại quá đông. 

Vì thế, trường công lập chỉ đáp ứng được số học sinh 5 tuổi có hộ khẩu trên địa bàn và một số ít học sinh các lớp mầm, chồi... 

Số trẻ còn lại phải học ở lớp mầm non tư thục. Xã Đa Phước có 5 lớp mầm non tư thục nhưng sau vụ việc cô giáo tát trẻ ở lớp mầm non Ánh Sao Vàng thì lớp này đã bị đóng cửa, chỉ còn lại 4. Sự việc xảy ra hết sức đau lòng. 

Cô giáo bạo hành trẻ là giáo viên có bằng cấp sư phạm hẳn hoi. Hiện cô giáo đang bị tạm giam để chờ ngày ra tòa...". Bà Nam cũng cho biết quy hoạch trường lớp trên địa bàn xã hiện chưa đủ đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.

Ông Phùng Văn Được cũng nêu ý kiến: "Các vụ việc bạo hành ở trường, lớp mầm non tư thục đừng để xảy ra tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng". 

Các cơ quan chức năng cần kiểm tra và giám sát kỹ về hồ sơ, giấy tờ. Phải đủ điều kiện mới cho cấp phép thành lập. 

Sau đó, cũng cần giám sát việc tuyển giáo viên, bảo mẫu của các trường, lớp mầm non vì một số đơn vị tuyển người không có bằng cấp thì trả lương thấp hơn...".

Đồng tình, tại hội nghị, nhiều đại biểu đề nghị ngành giáo dục TP phải quyết tâm không để xảy ra tình trạng bạo hành trẻ trong trường, lớp mầm non nữa. 

"Phải có cơ chế giám sát chặt chẽ, ngoài camera có thể tận dụng cả các đoàn thể, mặt trận... ở địa phương" - bà Tô Thị Bích Châu, chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, phát biểu.

Đừng để "mất cán bộ, mất lòng dân" vì lạm thu

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Danh, phó chủ tịch Hội cựu giáo chức TP, yêu cầu ngành giáo dục TP cần làm công tác tuyên truyền tốt hơn. 

"Ví dụ việc thu tiền, phải phổ biến rõ ràng và cụ thể cho phụ huynh biết. Ngoài việc thu theo mức học phí của từng cấp học thì nên quy định mức đóng góp của phụ huynh trong hội phụ huynh học sinh. 

Bây giờ người ta thu không qua ban giám hiệu nhà trường mà thu qua hội phụ huynh học sinh. Mang tiếng là tự nguyện đóng góp nhưng hội phụ huynh để cho những người có tiền đóng góp trước rồi góp bao nhiêu thì những người sau cũng sẽ đóng góp bấy nhiêu. 

Chính vì vậy Sở GD-ĐT cần quan tâm đến việc chỉ đạo sát sao trong công tác thu - đóng góp đầu năm. Ngoài tiền học, phụ huynh còn phải đóng rất nhiều thứ tiền nữa..." - ông Danh phát biểu.

Ông Trần Trung Mậu, phó chủ tịch Hội cựu giáo chức TP, cũng phát biểu rằng hiện nay TP chưa có văn bản cụ thể về vấn đề thu các khoản đầu năm. 

Trong năm học vừa qua, dù TP đã cố gắng trong việc hạn chế để xảy ra tình trạng lạm thu, thế nhưng vẫn có một số trường hợp sai phạm thật đáng tiếc.

"Cho nên, tôi mong rằng trong năm học này sở nên có chỉ đạo sát sao cũng như kế hoạch cụ thể, đừng để xảy ra bất cứ trường hợp nào mang tính chất lạm thu, dẫn đến tình trạng mất cán bộ và mất lòng dân. 

Sở GD-ĐT có cơ chế quản lý tốt hơn nguồn thu từ quỹ cha mẹ học sinh, thu những nguồn nào, chi từ đâu để đảm bảo sự công khai minh bạch", ông Mậu nhấn mạnh.

Hội phụ huynh chọn người thu được, chi tốt (!?)

Bà Tô Thị Bích Châu đề nghị ngành giáo dục quan tâm đến các khoản chi thu đầu năm để không làm ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh và không làm xấu mối quan hệ giữa nhà trường và hội phụ huynh.

"Thực tế, trong dư luận vẫn râm ran câu chuyện hội phụ huynh là phải chọn những người thu được, chi tốt.

Vậy, để xóa bỏ được tin đồn cũng như cải thiện mối quan hệ trên thì tôi nghĩ Sở GD-ĐT nên thực hiện bằng những hoạt động thực sự, phát huy thực sự vai trò của hội phụ huynh trong giáo dục giữa nhà trường và gia đình", bà Châu cho hay.

Gắn camera, ai dám chắc trẻ mầm non không bị bạo hành?

TTO - Ngoài chi phí cao, việc gắn camera khiến giáo viên bị áp lực khi phụ huynh liên tục 'làm phiền'. Thậm chí có camera trẻ vẫn bị đánh, cho thấy camera không phải giải pháp tối ưu ngăn bạo hành trẻ.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên