07/09/2023 09:55 GMT+7

Bức tường đặc biệt trong ngôi nhà đi xin

Chỗ bàn con bé hay ngồi học trong mùa mưa mái tôn dột lỗ chỗ, mùa nóng như lò hầm than. Giờ con sắp có chỗ khang trang để học rồi cứ như một giấc mơ.

Nhiều năm liền hai chị em Trần Thị Thanh Thư, Trần Thanh Thảo đều là học sinh giỏi - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Nhiều năm liền hai chị em Trần Thị Thanh Thư, Trần Thanh Thảo đều là học sinh giỏi - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Chị Ngô Thị Kim Ngọt vừa làm vừa chỉ tay về phía bàn học của các con không giấu được niềm vui. Mấy hôm nay, ba mẹ con bận tối mặt khi có nhà hảo tâm ủng hộ để sửa lại cái chái nhà phía sau. Con xách nước, mẹ vác gạch, mồ hôi nhễ nhại nhưng mặt ai cũng tươi.

Ước mơ của người mẹ nghèo trong căn nhà tình thương

So với vất vả của mẹ, việc học của mình dễ hơn nhiều. Mình không sợ khó, không sợ khổ, chỉ sợ nhất mỗi lúc căn bệnh trầm cảm của mẹ đến bất thình lình.
TRẦN THỊ THANH THƯ

Góc học tập bên mái tôn, tường tôn

Mới nửa buổi mà cái nắng miền Trung như muốn thiêu đốt da thịt. Ba mẹ con chị Ngọt vật lộn với đống hồ trong một kiệt (hẻm) nhỏ ở làng Cẩm Nê, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng). Để tiết kiệm tiền công thợ, trừ mỗi việc cầm bay, leo tường, còn lại chị và con tự làm hết. Cả nhà quyết làm nhanh cho xong để còn tranh thủ đi làm thêm.

Toán thợ phía trong cẩn thận đọc những con số từ thước đo do căn nhà được xây chắp vá. Phải tính toán để nhà phía sau vừa phải xuôi nước, vừa đảm bảo không nóng vì quá thấp. Quan trọng hơn, liệu cơm gắp mắm từ số tiền 50 triệu đồng cho công trình chừng 35m2 vừa được tài trợ mà phải có phòng cho các con học tập, rồi cả bếp và nhà vệ sinh. Bởi đó là niềm ước ao đã lâu của mấy mẹ con, nhất là khi con sắp vào giảng đường.

Nguyên do là từ tấm ảnh góc học tập dưới mái tôn, tường tôn. Tháng trước, mấy chị trong hội phụ nữ thôn nghe tin Trần Thị Thanh Thư - con gái chị Ngọt - được tuyển thẳng vào Đại học Đà Nẵng nên đến nhà trao quà mừng.

Thấy cô bé ngồi học dưới mái tôn ướt đẫm mồ hôi, một người trong nhóm đã chụp ảnh lại. Ban đầu cũng chỉ để cổ động phong trào học tập ở địa phương nhưng không ngờ tấm ảnh ấy lại được nhiều người quan tâm.

Một số nhà hảo tâm đến tìm hiểu hoàn cảnh rồi vận động được mấy chục triệu tặng làm căn phòng kiên cố "cho cháu Thư có nơi học tập cũng như an tâm trước mưa gió, bão lụt".

Chị Ngọt thật thà nói không ngờ tới vì thấy nhiều tiền quá, không chủ đích đi xin. Nhưng ai giúp chị đều nhớ hết chi tiết. Miếng đất ấy cũng mua từ sự giúp sức của dòng tộc. Ngôi nhà tình nghĩa là của phường xây cho, cả xe nước mía cũng là bên mặt trận cho mấy năm trước. Chị nhớ cái lan can gác chống lụt do hội phụ nữ xã tài trợ, cái nệm được bạn học của Thư tặng, tủ áo quần từ chương trình COV...

Nghỉ trưa, ba mẹ con lôi mấy chiếc bánh mì mua lúc sáng ra ăn. Nhà có đúng hai chiếc ghế nhựa, chị Ngọt ngồi bệt luôn dưới đất nhai ngấu nghiến miếng bánh mì trước mặt khách ngon lành. "So với trước vẫn sướng hơn trăm lần rồi. Trước nghĩ đến việc nuôi hai con tôi đã sợ, giờ chỉ mong bệnh trầm cảm đừng tái phát để còn cày cuốc lo cho con đi hết đường học", chị Ngọt cười.

Hai mẹ con Thanh Thư tất bật để mong việc sửa nhà sớm hoàn thành để còn đi làm thêm - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Hai mẹ con Thanh Thư tất bật để mong việc sửa nhà sớm hoàn thành để còn đi làm thêm - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Bức tường vững chãi

Cả vùng này ai cũng biết hoàn cảnh mấy mẹ con chị Ngọt. Ông chồng "nát rượu", chị ôm con ra ở nhà hoang từ chục năm trước. Có thời điểm chị phải đi làm ca đêm trong khu công nghiệp và để hai con nhỏ ở nhà khiến nhiều người ái ngại. Cụ Ngô Trường Lụa (thôn Cẩm Nê) kể vận động mãi, cộng với sự giúp sức của người thân, chính quyền chị mới từng bước mua đất, dựng nhà.

Nhà không có ruộng, để có tiền nuôi con ăn học, người mẹ tảo tần ấy đã phải xin giúp việc nhà cho nhiều gia đình dưới phố. "Trừ lúc bệnh trầm cảm tái phát chứ bình thường nó không có thời gian cho con đâu, đi làm tối ngày nhưng bù lại con bé Thư với thằng Thảo nó tự lập hết. Chúng nó tự nấu cơm, tắm giặt từ lúc bé xíu mà năm nào học cũng giỏi nhất nhì lớp", cụ Lụa kể.

Chị Ngọt bảo mỗi khi suy nghĩ quá nhiều hay gặp biến cố nào lớn trong cuộc sống, căn bệnh trầm cảm lại tìm đến. Có lúc chị đóng cửa ở một mình, có lúc tay chân buông xuôi chẳng muốn đá động gì hết. Chị thú thật đã vài lần có ý nghĩ tiêu cực. Nên ngoài uống thuốc thường xuyên, chị nói mình cứ phải luôn chân luôn tay làm việc, tự tìm niềm vui cho mình.

Ý thức cảnh nhà "nghèo bền vững", hai chị em Thư chưa năm nào để vuột danh hiệu học sinh giỏi khỏi tầm tay, vì biết phần thưởng đó có giá trị hơn thuốc thang cho căn bệnh của mẹ. Cả một vách tường nhà với mấy chục tờ giấy khen các loại. Ngoài thành tích học tập hằng năm còn có giấy khen khi hai chị em đoạt giải học sinh giỏi cấp huyện, thành phố, rồi giấy khen của các đoàn thể.

Thư nói bức tường ấy không bao giờ lấm bẩn. Mỗi lúc lau từng tờ giấy khen cũng là khi tinh thần của mẹ phấn chấn hẳn lên. Thế nên giấy khen nào, ai ký, khen vì kết quả gì, con thi đợt đó được mấy điểm người mẹ còn nhớ rõ hơn cả các con. Với bà mẹ ấy, thành tích học tập của các con tựa như bức tường vững chãi cho mẹ dựa vào, ngăn đi những suy nghĩ tiêu cực.

Cô học trò năng nổ và tự trọng

Nghe thợ tính ngày hoàn thành việc sửa nhà, Thanh Thư cầm điện thoại hẹn ngay ngày đi làm thêm phụ mẹ. Cô Nguyễn Thị Thùy Minh - giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Thư ở Trường THPT Phan Thành Tài - cho biết Thư nhận giấy báo tuyển thẳng vào ngành quản lý nhà nước của Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) nhưng vẫn đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành kinh tế - luật của trường này.

Cô Minh nói kết quả học tập ấn tượng của Thư đủ điều kiện trúng tuyển nhiều trường nhưng bạn chọn học tại địa phương vì mong được ở gần nhà đỡ đần phụ mẹ nuôi em. Trong mắt cô chủ nhiệm, ấy là cô bé rất năng nổ, nhiệt tình và giàu nghị lực. Dù hoàn cảnh khó khăn thế nào em cũng không lùi bước và ít khi nào làm phiền đến người khác hay kể khổ về mình.

"Đợt cả thành phố đóng cửa vì dịch COVID-19, cả nhà lâm vào cảnh khốn cùng nhưng Thư cũng chẳng làm phiền đến ai. Mãi khi chúng tôi biết chuyện, phải gặng hỏi mãi em mới nói", cô Minh kể.

Bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể Tỉnh/Thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.

Các bạn đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2023 TẠI ĐÂY

Các bạn đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2023

"Dư vị" từ những chuyện kể Tiếp sức đến trường: Xúc động và thêm những tấm lòng đồng hành'Dư vị' từ những chuyện kể Tiếp sức đến trường: Xúc động và thêm những tấm lòng đồng hành

Những bài viết về các bạn trẻ nỗ lực vượt lên nghịch cảnh, gõ cánh cửa trường đại học đã nhận được nhiều sự đồng cảm từ bạn đọc Tuổi Trẻ Online.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên