31/07/2018 09:47 GMT+7

'Bức tử' đình gỗ 300 tuổi

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Một ngôi đình có từ thời Lê, được đánh giá là xứng đáng xếp hạng di tích cấp quốc gia vừa bị “bức tử” khiến Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý phải lập tức hạ lệnh cho Sở VH-TT trực tiếp về khảo sát tại địa phương để có báo cáo gấp.

Bức tử đình gỗ 300 tuổi - Ảnh 1.

Đình Lương Xá trước khi bị hạ giải - Ảnh: Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Nam chụp năm 2016

Sự việc gây xôn xao khi nó được một nhà nghiên cứu di sản phát hiện ngay trong ngày mà Thủ tướng đã phát đi thông điệp mạnh mẽ trong một hội nghị về di sản: "Tuyệt đối không phá hủy, làm hỏng hay hi sinh di sản vì bất kỳ lý do gì... Để mất di sản, dù là một phần, chính là bắn súng vào quá khứ, đánh mất bản sắc dân tộc".

Trăm năm di sản, một ngày bêtông

Nhà nghiên cứu di sản Nguyễn Hoài Nam (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) vừa có một cuộc "tưởng niệm" đầy uất ức với "cụ đình 300 tuổi" của làng Lương Xá trên trang Facebook của mình. 

Uất ức bởi ngôi đình theo anh là rất có giá trị nhưng không hiểu vì lý do gì lại chưa được xếp hạng di tích để được bảo vệ bởi Luật di sản, nên anh phải "đành nuốt hận, ngậm đau tiễn cụ đình 300 tuổi bị bức tử về nơi chín suối".

Có mặt tại khuôn viên của đình và chùa làng Lương Xá (xã Liên Bạt, Ứng Hòa, Hà Nội), đập ngay vào mắt chúng tôi là tấm bia đá khắc dòng chữ: "Khuôn viên đình chùa làng Lương Xá/ Di sản văn hóa của làng cần được gìn giữ và bảo tồn/ Cấm vi phạm". 

Nhưng bên trong khuôn viên, ngôi đình được cho là có từ thời Lê đã biến mất, chỉ lừng lững một cái khung nhà bêtông, hứa hẹn sắp cho ra một ngôi đình mới tinh và hẳn là rất bề thế. 

Một toán thợ đang tích cực với công việc xây dựng. Cả một công trình từ thời Lê, nay chỉ còn lại một đống cột, xà nằm lăn lóc bên vệ ao và trong sân nhà văn hóa thôn gần đó.

Bà Nguyễn Thị Mùa, nhà ở gần đình Lương Xá, cho biết đình vừa bị hạ giải và xây lại hồi đầu năm. 

Kinh phí chủ yếu do hai "đại gia" là con em của làng nay thành đạt ở thành phố công đức, còn lại làng "bổ đầu người", mỗi nhân khẩu 800.000 đồng chia làm hai đợt. 

Nhà bà có 5 khẩu, phải đóng 4 triệu đồng. Ông Phạm Tự Khải, trưởng thôn Lương Xá, xác nhận thông tin mỗi nhân khẩu đóng 800.000 đồng, dân làng đóng góp được khoảng 1 tỉ đồng, còn các nhà tài trợ đóng góp khoảng 4 tỉ đồng.

Bức tử đình gỗ 300 tuổi - Ảnh 2.

Những cây cột gỗ lim lớn của đình Lương Xá cổ được đặt tại sân nhà văn hóa thôn - Ảnh: T.Điểu

"Xứng đáng là di tích quốc gia"

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chủ tịch UBND xã Liên Bạt, ông Nguyễn Anh Tuấn, tỏ ra "kinh ngạc" trước những thương khóc của giới nghiên cứu dành cho ngôi đình. 

Ông Tuấn cho biết người dân đã làm đơn nhiều lần nhưng đình vẫn chưa được công nhận là di tích, "đây không phải là ngôi đình giá trị gì cả vì nó chưa được xếp hạng". 

Việc đập đi xây mới được ông Tuấn giải thích: "Vừa rồi đình bị mối mọt quá, sập đến nơi, rất nguy hiểm cho bà con thường xuyên vào đình sinh hoạt nên từ năm 2016 chúng tôi đã tổ chức họp bàn với nhân dân để sửa chữa". 

Họp dân xong thì xã Liên Bạt đã xin ý kiến của Phòng VH-TT huyện Ứng Hòa và được đồng ý cho sửa chữa. Ông nói thêm: "Nói là đình bêtông nhưng nó là đình bêtông kết hợp gỗ", phần gỗ còn lại sẽ đưa vào hậu cung.

Trước thông tin mà chủ tịch xã Liên Bạt cung cấp, nhà nghiên cứu di sản Nguyễn Hoài Nam lập tức phản biện. Anh khẳng định đình Lương Xá "đáng xếp hạng di tích quốc gia". 

Năm 2016 anh về thăm ngôi đình này và thấy nó còn mấy cánh gà, hệ thống xà, cái giường và một số chạm khắc trên kiến trúc mang phong cách cuối thế kỷ 17, khoảng niên hiệu Chính Hòa (1680-1705). 

Nhà nghiên cứu này khẳng định ngôi đình có phong cách kiến trúc khá giống với đình Hoàng Xá ở thị trấn Vân Đình cách đó chưa đầy 1km, có từ cuối thế kỷ 17, đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1962.

Anh cũng không đồng tình với nhận định đình bị mối mọt "sập đến nơi". Về thăm đình năm 2016, anh thấy đình chưa hề có chằng chống gì. 

Anh đánh giá đình này "có thể đứng thêm 20 năm nữa cũng không sao, chỉ cần đảo ngói là cùng, nó còn khỏe hơn đình Cổ Chế ở Phú Xuyên (Hà Nội) hay Giẽ Hạ ở Ứng Hòa nhiều".

Trước trường hợp rất đáng tiếc của đình Lương Xá, dư luận đang đặt câu hỏi: Làm sao để cán bộ văn hóa ở địa phương và người dân được trang bị đủ sự hiểu biết về giá trị của di sản cha ông, để biết yêu và nâng niu di sản chứ không phải là chỉ thích công trình lòe loẹt, bề thế? 

Đây liệu có là một bài học cho công tác quản lý trong việc chậm trễ xếp hạng với những di tích có giá trị?

Nhà nghiên cứu, PGS Trần Lâm Biền cho biết đây là một ngôi đình rất đẹp với những mảng chạm mang dấu tích văn hóa nghệ thuật từ thời Lê, có niên đại khoảng 350 năm, cùng hệ thống với đình Hoàng Xá.

Ông đánh giá đình Lương Xá có giá trị lớn hơn nhiều ngôi đình đã được xếp hạng di tích quốc gia.

Từng làm luận văn cử nhân về đình Lương Xá do cố GS Trần Quốc Vượng gợi ý và hướng dẫn, TS Trịnh Hoàng Hiệp (Viện Khảo cổ học) cho biết anh rất xót xa khi hay tin ngôi đình cổ chứa đựng tinh hoa văn hóa, nghệ thuật kiến trúc cuối thế kỷ 17 này lại bị xóa sổ.

Đình dù đã được trùng tu vài lần nhưng vẫn còn khá nguyên bản. Đập bỏ một ngôi đình như thế theo anh là rất đáng tiếc.

Đình nằm trong danh mục di tích cần bảo vệ

Trả lời Tuổi Trẻ tối 30-7, phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Trương Minh Tiến cho biết theo kết quả buổi làm việc của cán bộ sở này sáng cùng ngày, đình Lương Xá đã nằm trong danh mục di tích cần bảo vệ.

Theo đó, huyện Ứng Hòa được phân cấp quản lý, giao xã Liên Bạt quản lý trực tiếp.

Xã Liên Bạt có đơn lên Phòng VH-TT xin sửa chữa và phòng đã có văn bản yêu cầu xã phải làm đơn lên Sở VH-TT, khi có văn bản đồng ý của sở mới được phép hạ giải.

Nhưng xã đã bỏ qua văn bản của huyện, tự ý hạ giải và xây dựng mới. Ông Tiến kết luận quá trình hạ giải ngôi đình sai về nguyên tắc tu bổ.

Trước câu hỏi tại sao xã Liên Bạt đã hạ giải, xây mới ngôi đình được nửa năm nay nhưng huyện Ứng Hòa lại không hề hay biết và can thiệp kịp thời, mặc dù trụ sở UBND huyện Ứng Hòa chỉ cách ngôi đình chừng hơn 1km, ông Tiến ngậm ngùi buông: "Thì thế mới nói!". Ông cho rằng đây là một sự mất mát lớn, trách nhiệm trước hết thuộc về cán bộ xã.

Tôn tạo nhiều tháp cổ trong quần thể di sản văn hóa Mỹ Sơn

Công tác trùng tu Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) được các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam thực hiện trong giai đoạn 1 (2017-2018) đã kết thúc.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên