Những em bé mới qua độ tuổi sơ sinh, còn đỏ hỏn được che chắn cẩn thận để sẵn sàng vượt đường xa đến chích ngừa vắc xin. Nhưng điều mà các bé nhận lại, chỉ là cái lắc đầu ái ngại của trạm trưởng.
Vắc xin 5 trong 1 đã hết gần nửa năm nay. Không chỉ Hà Giang mà hầu khắp các tỉnh thành đều hết loại vắc xin 5 trong 1 (phòng 5 bệnh nguy hiểm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não mủ do Hib) và vắc xin 3 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván).
Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương khẳng định với những bệnh đã có vắc xin thì tỉ lệ trẻ chích ngừa phải trên 90% mới đạt miễn dịch cộng đồng. Nếu vắc xin miễn phí gián đoạn quá lâu thì những "vùng lõm" tiêm chủng sẽ nhiều lên, tạo khoảng trống miễn dịch để vi khuẩn, vi rút trỗi dậy.
Ở tỉnh Hà Giang, phần lớn đồng bào là người dân tộc thiểu số, đời sống rất khó khăn, chủ yếu làm nương rẫy. Một mũi vắc xin 5 trong 1 dịch vụ (giá gần cả triệu đồng) là quá sức chi trả. Những đứa trẻ nơi đây thậm chí hiếm khi được thưởng thức hương vị sữa tươi, nói gì đến những mũi vắc xin nhập khẩu từ Pháp, Bỉ.
Nên trẻ chỉ còn biết chờ đợi vắc xin miễn phí trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Cách đây gần chục năm, thuyết phục được bà con cho trẻ đi chích ngừa, nhất là đồng bào người Mông xuống núi để đến trạm y tế tiêm vắc xin là cả một vấn đề nan giải, thậm chí cán bộ tiêm chủng phải xách xô vắc xin leo lên những ngọn núi cao chót vót để tiêm cho trẻ.
Nhưng giờ đây, trẻ đã đến với trạm y tế, nhưng vắc xin lại hết. Điều khiến cán bộ tiêm chủng lăn tăn nhất là câu hỏi: Bà con đến lần 1, lần 2, lần 3… vắc xin đều hết. Liệu sau này, vắc xin về đủ, liệu họ còn niềm tin và quay lại trạm?
Lịch sử tiêm chủng của Việt Nam đã có 40 năm. Đây là một thành quả lớn, là một điểm sáng của y tế nước nhà. Nhờ có tiêm chủng, chúng ta thanh toán được bệnh bại liệt, loại trừ được uốn ván sơ sinh, khống chế và tiến tới loại trừ bệnh sởi, giảm đáng kể tỉ lệ nhiễm vi rút viêm gan B, giảm tỉ lệ bạch hầu, ho gà ở trẻ dưới 5 tuổi…
Có không biết bao nhiêu trẻ nhỏ đã tránh được nguy cơ nhiễm bệnh, tử vong nhờ tiêm chủng.
Giờ đây, bức tranh tiêm chủng được tô thêm nhiều gam màu sáng hơn khi ngoài tiêm chủng miễn phí, chúng ta còn có tiêm chủng dịch vụ. Tổng số vắc xin có mặt trên thị trường là trên 40 loại, điều đó có nghĩa trẻ em và người lớn được chủ động phòng nhiều bệnh hơn, người dân có nhiều lựa chọn hơn về chủng loại vắc xin cũng như giá thành.
Và trong bối cảnh vắc xin miễn phí khan hiếm thì một số gia đình đã cố gắng thu vén, cho con đi chích ngừa dịch vụ để được đủ liều, đúng lịch.
Cũng nhờ có hệ thống tiêm chủng tư nhân ra đời mà có không biết bao nhiêu người bị chó cắn, mèo cào thoát được nguy cơ nhiễm dại và tử vong. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, các cơ sở tiêm chủng dịch vụ của hệ thống y tế công lập liên tục bị gián đoạn vắc xin dại.
Trên thực tế, vắc xin gì có thể chờ đợi, chứ vắc xin dại thì không. Cuộc đua giữa vắc xin với vi rút dại quyết định sự sống còn của người bị chó, mèo nghi dại cắn, cào. Vắc xin được tiêm sớm, đủ và đúng phác đồ là biện pháp duy nhất cứu sống nạn nhân.
Chính vì vậy, vắc xin dại được coi là vắc xin đặc thù, mang tính điều trị. Tôi còn nhớ khoảng năm 2018, vắc xin dại hết trên toàn hệ thống y tế công lập. Rất nhiều người bị chó cắn, mèo cào đi săn lùng vắc xin.
Và may thay, hệ thống tiêm chủng tư nhân vẫn đủ đáp ứng. Và các điểm tiêm chủng của cơ sở y tế công lập đều nhiệt tình viết mẩu giấy hướng dẫn khách hàng đến điểm tiêm chủng có vắc xin dại.
Nói như vậy để thấy bức tranh tiêm chủng ở nước ta đã hoàn thiện hơn khi tồn tại song song cả 2 loại hình: tiêm chủng mở rộng của Nhà nước và tiêm chủng dịch vụ, tiêm chủng của khối tư nhân.
Khi y tế công lập còn bị ràng buộc bởi rất nhiều quy định về mua sắm, đấu thầu thì tiêm chủng tư nhân như một sự tương hỗ đắc lực. Và nếu 1 trong 2 loại hình tiêm chủng này "yếu đi" thì miễn dịch cộng đồng, sức khỏe trẻ em đều bị ảnh hưởng.
Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể
Báo Tuổi Trẻ với sự đồng hành của Hệ thống tiêm chủng VNVC đang tổ chức cuộc thi viết "Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể". Đây là cơ hội để mọi người chia sẻ câu chuyện của mình, truyền cảm hứng và nâng cao ý thức về tầm quan trọng của tiêm chủng trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ban tổ chức cho biết cuộc thi mở cho tất cả mọi người từ 6 tuổi trở lên, không giới hạn quốc tịch hay nghề nghiệp. Cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) được phép viết bài để hưởng ứng cuộc thi nhưng không được chấm giải.
Đơn vị đồng hành nhận thấy có nhiều bạn đọc quan tâm đến cuộc thi, đặc biệt là cán bộ nhân viên của VNVC và báo Tuổi Trẻ đã hưởng ứng tham gia tích cực.
Đơn vị đồng hành quyết định trao tặng 2 phần quà nhằm khích lệ tinh thần tham dự của các cán bộ nhân viên tham gia tích cực hưởng ứng cuộc thi viết, trong đó có 1 phần quà dành cho cán bộ nhân viên của VNVC và 1 phần quà dành cho cán bộ nhân viên của báo Tuổi Trẻ.
Về dung lượng, tác phẩm dự thi là bài viết ngắn bằng tiếng Việt, tối đa 800 từ, khuyến khích tác phẩm có hình ảnh, chùm ảnh hoặc video clip minh họa.
Nội dung là một câu chuyện liên quan đến chủ đề "tiêm chủng" và tầm quan trọng của tiêm chủng trong việc duy trì, nâng cao sức khỏe cộng đồng, như kỷ niệm đẹp về tiêm chủng của bạn hoặc người thân;
Kỷ niệm về việc bạn đã cân nhắc lý do và đưa ra quyết định tiêm chủng; Cảm nhận và trải nghiệm cá nhân trong, sau khi tiêm chủng hoặc những ảnh hưởng của tiêm chủng đối với cuộc sống cá nhân và cộng đồng xung quanh.
Người tham gia có hai cách để nộp bài viết dự thi: Gửi email đến địa chỉ [email protected]. Trong email, cần cung cấp thông tin cá nhân đầy đủ: tên, tuổi, quốc gia, địa chỉ email, số tài khoản và số điện thoại liên lạc; Hoặc vào chuyên trang của cuộc thi ở địa chỉ tuoitre.vn, sau đó điền thông tin và tải file chứa bài dự thi theo yêu cầu.
Những tác phẩm dự thi tốt sẽ được ban tổ chức chọn lựa, đăng tải trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ (bài được chọn đăng không đồng nghĩa là bài sẽ đoạt giải). Thời gian nhận bài viết: Ngày 10-6 đến 30-7-2023, bất kỳ tác phẩm nào gửi sau thời hạn này 30-7-2023 sẽ không được xem xét.
Các tác phẩm dự thi sẽ được đánh giá bởi ban giám khảo gồm các chuyên gia y tế, nhà báo, nhân vật có tầm ảnh hưởng xã hội.
Giải thưởng gồm 2 giải đặc biệt trị giá 30 triệu đồng/giải; 10 giải nhất trị giá 10 triệu đồng/giải; 15 giải nhì (5 triệu đồng/giải); 20 giải ba và 100 giải khuyến khích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận