Đối với Nga, chuyến đi của ông Putin tập trung vào bốn vấn đề quan trọng.
Thứ nhất, Nga muốn chứng minh rằng họ luôn trân trọng bạn bè, đối tác và các mối quan hệ truyền thống. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Matxcơva gặp sức ép từ phương Tây.
Thứ hai, đây là dịp để Nga và Việt Nam củng cố quan hệ kinh tế, đặc biệt trong ngành năng lượng.
Thứ ba, Nga hy vọng sẽ tiếp tục các cam kết về mua sắm vũ khí mới với Việt Nam.
Và thứ tư, Việt Nam và Nga sẽ tìm cách tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Với Việt Nam, việc tiếp đón ông Putin lần này nêu bật đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Hà Nội nhằm phục vụ tốt nhất cho lợi ích quốc gia.
Trước ông Putin, Việt Nam cũng đã chào đón các lãnh đạo thế giới như Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier trong 12 tháng qua.
Việt Nam thể hiện chính sách đối ngoại độc lập và tự chủ của mình bằng cách đảm bảo với các đối tác chiến lược khác rằng Hà Nội coi trọng mối quan hệ với họ.
Ví dụ hôm 14-6, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gặp gỡ Đại sứ Mỹ Marc Knapper.
Theo ông Tô Lâm, để duy trì đà hợp tác và triển khai hiệu quả khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện thời gian tới, hai bên nên đẩy mạnh hợp tác, trong đó có việc từng bước mở rộng hợp tác về an ninh - quốc phòng phù hợp mong muốn của cả hai bên.
Cùng ngày, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa hội kiến ông Vương Hỗ Ninh, ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc.
Ông Vương cho rằng Trung Quốc và Việt Nam cần tiếp tục thực hiện hiệu quả tinh thần chỉ đạo và nhận thức chung quan trọng giữa hai tổng bí thư nhằm thúc đẩy quan hệ song phương.
Kế đó, ngày 17-6, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang có cuộc gặp với một đoàn đại biểu Mỹ thuộc Hội đồng Công nghệ thông tin để thúc đẩy hợp tác. Ông Quang lưu ý rằng kinh tế, thương mại và đầu tư là "động lực chính thúc đẩy quan hệ song phương phát triển".
Tương tự, Việt Nam cũng thể hiện chính sách đối ngoại nhất quán của mình thông qua việc nỗ lực đạt cam kết trong các thỏa thuận với những đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của mình, cũng như các cam kết trong nhiều hiệp định thương mại tự do như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và đàm phán thiện chí về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) của chính quyền Tổng thống Mỹ Biden.
Trên bình diện quốc tế, Việt Nam tán thành các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc, đồng thời kêu gọi các bên liên quan "kiềm chế, ngừng chiến, nối lại đối thoại và tôn trọng luật pháp quốc tế".
Việt Nam công khai ủng hộ đối thoại ở Ukraine và lập trường của Việt Nam cũng được Tổng thống Nga tôn trọng.
Trong khi đó ở khu vực, Việt Nam sẵn sàng nâng tầm quan hệ song phương với Singapore. Và nói tóm lại, mối quan hệ Việt - Nga nên được xem như một phần trong bức tranh lớn hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận