TTCT - Nếu một người trong năm 2018 vừa qua đã “nghỉ chơi” Facebook, ngưng theo dõi (unfollow) tỉ phú công nghệ Elon Musk (CEO của Hãng Tesla và SpaceX) trên Twitter, phải móc hầu bao mua iPhone mới với giá ngàn đô và khóc ròng vì tiền kỹ thuật số bitcoin rớt giá thê thảm thì người đó đã trải qua đủ các diễn biến chính của bức tranh công nghệ năm qua. Nhìn bề ngoài, mọi thứ có vẻ vẫn sáng sủa. Không hẹn mà gặp, cả ba ông lớn công nghệ Amazon, Apple và Google đều công bố kế hoạch xây dựng trụ sở mới trị giá 1 tỉ USD để tăng số lượng nhân viên, một chỉ dấu cho sự tăng trưởng của những gã khổng lồ Internet toàn cầu. Năm 2018 cũng chứng kiến Apple trở thành công ty đại chúng đầu tiên đạt giá trị vốn hóa thị trường 1.000 tỉ USD vào tháng 8 và chỉ một tháng sau, đến lượt Amazon đạt mốc này. Ngũ đại gia công nghệ Mỹ (Alphabet, Amazon, Apple, Microsoft và Facebook) vẫn tiếp tục chi phối gần như mọi mặt của thế giới trực tuyến, song nhóm các gã khổng lồ Internet của Trung Quốc cũng không ngừng vươn lên. Nhưng tất cả chỉ là bề nổi, khi phần chìm của tảng băng là nhiều khía cạnh kém tích cực của thế giới công nghệ. Mạng xã hội dừng tăng trưởng 2018 là một năm không vui cho mạng xã hội nói chung và Facebook nói riêng. Cả ba mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay - Facebook, Twitter và Snapchat - đều sụt giảm số lượng người dùng thường xuyên, khiến ngay từ tháng 8 giới phân tích đã nhận định mạng xã hội đã đạt đỉnh về người dùng và khó có thể tăng được nữa. Recode cho biết năm 2018 “đặt dấu chấm hết cho tăng trưởng của mạng xã hội ở Mỹ và Bắc Mỹ”, với việc Facebook, Twitter và Snapchat dù tiếp tục có thêm người dùng ở phần còn lại của thế giới nhưng lại đạt mức bão hòa trên sân nhà Mỹ. Tình hình còn bi đát hơn khi người dùng mạng xã hội ngày càng chuộng chia sẻ riêng tư qua tin nhắn hay nhóm kín, thay vì cái gì cũng “lên phây” công khai cho cả thế giới biết. Người dùng cũng thích dùng Stories - hình thức chia sẻ các nội dung đa phương tiện tự động biến mất sau 24 tiếng, thay vì lưu lại mãi mãi trên trang cá nhân của mình. Tất cả những thay đổi hành vi này đều có thể định hình lại cách thức Facebook và mạng xã hội vận hành trong tương lai. Năm kinh hoàng của Facebook Sẽ không quá lời nếu gọi 2018 là năm kinh hoàng của Facebook. Đầu tiên là bê bối Cambridge Analytica, khi dữ liệu 87 triệu người dùng bị chuyển cho bên thứ ba mà không có sự đồng ý của họ. Vụ việc khiến CEO Mark Zuckerberg phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ. Bản thân Facebook cũng liên tục dính bê bối về tin giả, cho đăng quảng cáo chính trị tràn lan, xóa nội dung của người dùng bất hợp lý hay nghiêm trọng hơn là liên tục lộ thông tin người dùng, gần nhất là việc mạng này thừa nhận để các bên thứ ba như Spotify, Netflix đọc tin nhắn riêng của người dùng mà không có sự đồng ý của họ. Dù Facebook là “một phần không thể thiếu của cuộc sống” song niềm tin của người dùng không bao la vô tận, mà đã liên tục bị xói mòn đến mức #deletefacebook (xóa Facebook) không phải là phong trào hô hào suông. Người dùng mất lòng tin vào Facebook đến mức mạng xã hội 2 tỉ người này được bầu chọn là “công ty công nghệ ít được tin tưởng nhất”, theo thăm dò tháng 12 của Hãng nghiên cứu hành vi người tiêu dùng Toluna. WhatsApp, một sản phẩm cùng nhà của Facebook, cũng bị cáo buộc “tiếp tay” cho việc lan truyền tin giả. Mark Zuckerberg khởi đầu năm 2018 với tổng giá trị tài sản 73 tỉ USD và dự kiến kết thúc năm nay với chỉ 57 tỉ USD, tức 16 tỉ USD bay vào hư vô khi cổ phiếu Facebook sụt giảm sau một năm đầy biến cố. “Độc hại” Từ điển Oxford Dictionaries chọn toxic (độc hại) là “Từ của năm 2018” và một trong những từ được đưa ra cân nhắc trong cuộc bình chọn là techlash - tức các phản kháng (backlash) nhằm vào giới công nghệ (tech). Ngoài Facebook đã có một năm bầm giập, các đại gia công nghệ khác cũng là trung tâm của làn sóng phản kháng rộng khắp toàn cầu. Google bị chỉ trích vì dự án xây dựng bộ máy tìm kiếm “tự kiểm duyệt” dành cho thị trường Trung Quốc và hàng ngàn nhân viên ở khắp toàn cầu, từ Tokyo đến California, đã xuống đường biểu tình phản đối việc Google bao che các nam nhân viên bất chấp họ dính cáo buộc quấy rối tình dục, phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng giới. Google cũng bị EU tuyên phạt 5 tỉ USD vì lợi dụng thế độc quyền của hệ điều hành Android, trong khi CEO Sundar Pichai phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ về việc kết quả tìm kiếm của Google có thiên vị hay không và hãng này có bảo vệ quyền riêng tư của người dùng hay không. Bitcoin - ảo mộng đã vỡ Bitcoin (BTC) đạt đỉnh 20.000 USD/BTC vào ngày 17-12-2017 và đã có người lạc quan đến mức dự báo nó sẽ tiến đến mốc 100.000 USD/BTC vào năm 2018. Thực tế là tròn một năm sau ngày đạt đỉnh, giá bitcoin ngày 18-12-2018 là 3.525 USD/BTC, tức đã giảm 82%. Đài NBC News kể câu chuyện của một nhà đầu tư nghiệp dư ở California (Mỹ) tên Ryan Lackey, người đã bắt đầu cuộc chơi tiền kỹ thuật số vào đúng ngày bitcoin đạt đỉnh 20.000 USD với số vốn 1.500 USD. Lackey ban đầu chơi các đồng tiền kỹ thuật số khác (altcoin) như pipple, tron, stellar và quyết định chuyển sang bitcoin khi khoản vốn ban đầu tăng lên 5.000 USD. Giờ thì số tiền Lackey kiếm được đã giảm 90% so với ban đầu và nhà đầu tư này xem 2018 như là “năm học tập kinh nghiệm”. Với những người chơi tiền ảo với số vốn lớn gấp nhiều lần con số 1.500 USD, thật khó có thể “mỉm cười cho qua” như vậy. Khủng hoảng của Elon Musk Năm 2017 nhắc đến Elon Musk là những mỹ từ thiên tài, tỉ phú công nghệ, một Iron Man trong đời thật với những giấc mơ táo bạo: xe điện tự hành, pin mặt trời và cả dự án đưa con người lên sao Hỏa. Nhưng năm 2018 “là năm khó khăn và đau đớn nhất trong sự nghiệp của tôi”, như chính Musk đã thừa nhận trong cuộc phỏng vấn với New York Times hồi giữa tháng 8. Elon Musk tiếp tục khiến báo chí tốn nhiều giấy mực, nhưng là để nói về tính cách thất thường của nhà tỉ phú công nghệ. Như chuyện Musk hút cần sa, uống whiskey trong một chương trình phát sóng trực tiếp hồi tháng 9 và chuyện Musk gọi một thợ lặn người Anh tham gia giải cứu đội bóng thiếu niên mắc kẹt ở hang Tham Luang (Thái Lan) là “kẻ ấu dâm”. Đó là chưa kể vụ một chiếc xe điện Tesla Model X đang ở chế độ tự lái đâm vào dải phân cách trên xa lộ và bốc cháy, khiến tài xế tử vong hồi tháng 3. Nhưng sự cố lớn nhất trong năm 2018 đáng quên của Elon Musk là khi anh loan báo trên Twitter sẽ tư nhân hóa Hãng Tesla. Thương vụ này không bao giờ xảy ra và Musk phải từ chức chủ tịch Tesla (vẫn giữ vị trí CEO), phải làm việc với Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch (SEC) để “giải quyết hậu quả”. Ai mua bán data của tôi? Tin tức về các vụ tấn công mạng, đánh cắp và rò rỉ, chào bán thông tin người dùng cũng tràn ngập trong năm 2018. Hai vụ nổi bật nhất là việc tổng cộng 650 triệu tài khoản bị đánh cắp khi khách sạn Marriott và Hãng quần áo Under Armor bị hack. Quartz nhận định 2018 là năm mà người ta bắt đầu thấm thía rằng “dữ liệu của họ bị đánh cắp, khai thác và thao túng trên quy mô công nghiệp, (mà thủ phạm là) cả bọn tội phạm lẫn các công ty công nghệ”. Đương nhiên không phải chỉ đến năm 2018 mà quyền riêng tư của người dùng trên không gian ảo được chú trọng nhiều, song năm qua là thời điểm “mà người ta giật mình nhận ra họ không thể trông cậy vào các hãng công nghệ để bảo vệ dữ liệu của mình” như nhận định của Andrei Barysevich, chuyên gia Hãng điều tra trực tuyến Recorded Future. GDPR và quyền riêng tư trên mạng Cuối tháng 5, Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) của Liên minh châu Âu (EU) chính thức có hiệu lực, mở ra một thời kỳ mà quyền bảo mật thông tin cá nhân của công dân EU chính thức được các quy định bảo vệ. GDPR trao thêm quyền để người dùng quản lý thông tin cá nhân của họ tốt hơn và buộc các công ty phải minh bạch hơn trong việc thu thập dữ liệu người dùng nếu không muốn bị phạt nặng. Với quy định này, EU thật sự đã giương ngọn cờ đầu trong cuộc chiến chống lại sự chi phối rộng khắp của các đại gia trong không gian ảo như Google và Facebook, vốn không ngừng làm giàu từ dữ liệu thu thập từ người dùng. GDPR được ban hành trong bối cảnh Facebook liên tục dính bê bối về quyền riêng tư dữ liệu người dùng, khiến giới chuyên gia tin rằng sớm muộn gì một “GDPR phiên bản Mỹ” cũng sẽ ra đời và đương nhiên nhiều khu vực, thị trường khác chắc chắn nhìn vào tấm gương EU để có các quy định riêng nhằm bảo vệ công dân của mình. Những điểm sáng Một trong những đốm sáng hiếm hoi trong năm 2018 có thể kể đến là thế hệ kế tiếp của kết nối di động - 5G. Công nghệ 5G được giới thiệu tại Triển lãm công nghệ CES 2018 và nhanh chóng tạo cơn sốt. Không như nhiều “cơn lên đồng công nghệ” - kỳ vọng nhiều nhưng thực tế không đến đâu, 5G đã thực sự đi vào thực tế trong năm 2018 khi vào ngày 21-12, nhà mạng AT&T chính thức cung cấp mạng 5G đầu tiên của nước Mỹ tại 12 thành phố và dự kiến phủ sóng thêm 7 thành phố vào năm 2019. Kết nối nhanh gấp nhiều lần các thế hệ mạng không dây hiện tại, 5G sẽ “chắp cánh” cho các công nghệ đương thời khác như trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối Internet (IoT) thêm nhanh và ổn định. Tạp chí Fortune lại cho rằng các thiết bị đeo thông minh (wearable) là điểm sáng ít ỏi trong bức tranh công nghệ 2018. Theo báo cáo mới nhất hồi đầu tháng 12 của Hãng nghiên cứu IDC, doanh số wearable, từ vòng đeo đo sức khỏe Fitbit đến đồng hồ thông minh Tizen của Samsung và tai nghe không dây AirPod của Apple, đạt 125,3 triệu thiết bị năm 2018, tăng gần 9% so với một năm trước đó. IDC dự báo con số này tiếp tục tăng trung bình 11% mỗi năm để đạt mức 189,9 triệu thiết bị vào năm 2022. Wearable không còn là món đồ chơi công nghệ phù phiếm, mà ngày càng hữu dụng, nhất là Apple Watch Series 4 còn có cả tính năng đo điện tâm đồ được đánh giá cao. Wearable trỗi dậy trong năm 2018, năm mà cả máy tính và smartphone bão hòa, trong khi doanh số tablet liên tục giảm trong 4 năm qua mà không có dấu hiệu phục hồi. Một điểm đáng chú ý khác trong năm 2018 là lượng xe điện bán ra ở Mỹ đạt mức kỷ lục - 313.000 chiếc, tăng 57% so với năm 2017. Một phần ba trong số này (114.000 đơn vị) là xe Tesla Model 3 và nhà sản xuất lớn thứ hai là Toyota Prius Prime (25.000 chiếc). ■ Kỳ vọng 2019 Những lĩnh vực công nghệ từng được kỳ vọng sẽ gây tiếng vang trong năm 2018 như công nghệ thực tế ảo (VR), thực tại tăng cường (AR) và AI không thực sự đạt thêm thành tựu nào nổi bật. Vì thế, có lẽ cần phải chờ thêm các công nghệ này có đạt được thành tựu đột phá nào không trong năm 2019. Tương tự, nếu 2018 là năm mở ra những thời kỳ mới, nơi Facebook không còn là vua và thế giới mạng không còn là miền tây hoang dã, thì 2019 mới là năm người ta biết được chuyện gì sẽ diễn ra tiếp theo sau giai đoạn “bản lề”. Điều này cũng đúng với 5G khi sau giai đoạn ra mắt ở năm 2018, 5G chỉ có thể thực sự “lên tiếng” trong năm 2019 khi các nhà mạng, hãng sản xuất phần cứng và nhà cung cấp thiết bị sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư và chuẩn hóa công nghệ này. Về mảng phần cứng, một Apple hết ý tưởng, hay ngành smartphone nói chung đạt mức bão hòa, không còn biết làm gì cho khác đi, sẽ ra sao trong năm 2019? Viễn cảnh điều khiển các thiết bị (smartwatch, loa thông minh) bằng giọng có thể tiếp tục trở thành chủ lưu và các trợ lý ảo sẽ còn thông minh được đến đâu, sau màn chào sân ấn tượng của Google rằng máy móc có thể thay người dùng “alô” cho con người bằng xương bằng thịt để đặt lịch cắt tóc hay khám bác sĩ? Dù là thế nào đi nữa, Forbes cũng lưu ý người yêu thích công nghệ cảnh giác với các dòng tít ngày càng trở nên sáo rỗng và “dọa” suông như “blockchain sẽ thay đổi mọi thứ”, “máy móc sẽ cướp việc của con người” hay “giọng nói sẽ điểu khiển mọi thứ”. Các dự báo được dùng cho năm 2019 chưa hề đúng và không có gì đảm bảo chúng sẽ chính xác trong năm tới. Tags: Công nghệ 2018Mảng tối áp đảoBức tranh công nghệ
Thủ tướng đồng ý phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 9 ngày liên tục TTXVN 26/11/2024 Công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp sẽ được nghỉ từ 25-1 đến 2-2-2025 (26 tháng chạp đến hết mùng 5 tháng giêng).
Hot TikToker Thu Nhi đóng cửa thương hiệu thời trang Meo vì 'bán ế quá' NHẬT XUÂN 26/11/2024 Hot TikToker Thu Nhi - Eat Clean Hồng thông báo đóng cửa thương hiệu thời trang Meo, khiến nhiều người hâm mộ tiếc nuối.
Ông Lê Đức Thọ, Đỗ Thắng Hải xin lỗi Đảng và nhân dân TUYẾT MAI 26/11/2024 Chiều 26-11, phiên tòa xét xử 15 bị cáo trong vụ sai phạm tại Công ty Xuyên Việt Oil và các đơn vị liên quan kết thúc tranh luận.
Nga tấn công UAV lớn chưa từng có vào Ukraine THANH HIỀN 26/11/2024 Ukraine cáo buộc Nga phóng 188 thiết bị bay không người lái (UAV) vào nước này trong đêm, gây ra thiệt hại nặng nề với lưới điện ở thành phố Ternopil.