13/10/2017 11:47 GMT+7

Bức thư không tên người gửi của một doanh nghiệp

ĐẬU ANH TUẤN (trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp VN- VCCI)
ĐẬU ANH TUẤN (trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp VN- VCCI)

TTO - Đi công tác cả tuần, về văn phòng thấy trên bàn một bức thư tay của một chủ doanh nghiệp gửi đến tôi.

Thư viết bằng bút bi trên tờ giấy ố vàng, không ghi địa chỉ và cũng không có tên người gửi. Nét chữ gai góc, chắc của người lớn tuổi đang đau đáu với thời cuộc.

Bức thư không chỉ là một lời tâm sự, một tiếng thở dài, mà thể hiện cả một sức sống mãnh liệt, nỗ lực vươn lên cần được tiếp sức của thế hệ doanh nhân thời nay.

Ông bảo ông là chủ một doanh nghiệp nhỏ, nhưng hằng tháng vẫn phải "đóng thuế bôi trơn" cho nhiều lực lượng, với cái tên rất quen thuộc mà ông ví "đông như quân Nguyên". "Thuế" này tính công khai theo tháng, quý và ngày lễ tết.

Không thể khác được vì theo ông, với những quy định pháp luật hiện nay thì vi phạm là bất khả kháng: bó thép 1 li, thanh thép vuông... thì dán tem nhãn ở đâu, nên chắc chắn vi phạm quy định về tem nhãn hàng hóa. Quy định và áp dụng về quá khổ, quá tải cứng nhắc nên cứ vận chuyển ra đường là chắc chắn vi phạm quy định về giao thông.

Thế đấy. Có rất nhiều câu chuyện vui về thành công, về cú bứt phá ngoạn mục, về những giọt nước mắt ngập tràn khi hoàn thành những hợp đồng tỉ USD, đem về việc làm cho cả vạn người, cho đất nước ngày càng giàu mạnh... 

Nhưng để nhân lên những hạnh phúc trên, không thể không nhắc tới những rào cản mà mỗi doanh nhân trong ngày 13-10 chắc cũng không thể quên. 

Tâm sự của một doanh nhân tại vùng Bắc Trung Bộ trên chắc cũng giống suy tư của hàng chục, hàng trăm ngàn doanh nghiệp khác ở Việt Nam. Bức thư là một lời tâm sự, một tiếng thở dài.

Theo kết quả điều tra 10.000 doanh nghiệp dân doanh của VCCI tại 63 tỉnh, thành phố tiến hành hằng năm, tỉ lệ doanh nghiệp chi trả chi phí không chính thức vẫn ở mức cao (66%).

Một nghiên cứu về chi phí của tham nhũng mà VCCI và các cơ quan liên quan tổ chức năm 2014 cũng cho thấy từ năm 2009 đến 2011, doanh nghiệp muốn tạo ra 1 đồng lợi nhuận cần phải trả 0,7 - 1 đồng chi phí không chính thức.

Chính phủ đã nhận ra và đang hành động, đặt mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính và kiến tạo. 

Sau Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp năm 2017 vừa rồi, Thủ tướng đã chọn chủ đề của năm là giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đây là một thông điệp giản dị, nhưng nếu làm được sẽ có hiệu ứng thiết thực nhất. Ngay tại cuộc gặp này, Thủ tướng đã ký chỉ thị 20 để chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra.

Và đặc biệt gần đây, việc rà soát để bãi bỏ các giấy phép kinh doanh đang được đề ra quyết liệt, mở màn từ Bộ Công thương khi công bố kế hoạch bãi bỏ 675 điều kiện kinh doanh.

Với sự hành động tích cực của nhiều cấp chính quyền, bắt đầu từ Chính phủ, cộng đồng kinh doanh kỳ vọng vào một không khí làm ăn đang dần khởi sắc. Hi vọng không lâu nữa, những người kinh doanh nhỏ như tác giả bức thư trên sẽ không còn phải sầu não thở dài.

Kiến nghị Chính phủ bỏ gần 2.000 điều kiện kinh doanh

TTO - Trong số gần 2.000 điều kiện kinh doanh được kiến nghị bãi bỏ, có đến hơn 1.300 điều kiện liên quan đến các quy định về năng lực sản xuất mà cơ quan này cho rằng không phù hợp.

ĐẬU ANH TUẤN (trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp VN- VCCI)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên