TTCT - Bức ảnh Photoshop vụng về nếu của người thường thì cùng lắm là đàm tiếu xíu xiu, nhưng khi đó là gia đình hoàng gia Vương quốc Anh thì lại là chuyện khác. Bức ảnh bị dân mạng "chế" lại để nhại chuyện chỉnh sửa vụng về.Scandal của bức ảnh Vương phi Xứ Wales Kate Middleton ầm ĩ đến mức có muốn tránh cũng phải va vào một bài về chuyện này, từ báo lớn tới báo nhỏ, từ đông tới tây vào sáng 12-3. Chuyện đại khái là: Điện Kensington công bố ảnh Kate và ba con tươi cười hạnh phúc nhân Ngày của mẹ (10-3). Nhưng chỉ vài giờ sau, bốn hãng thông tấn lớn - AP, AFP, Getty Images và Reuters - đã gỡ ảnh vì nghi nó được chỉnh sửa.Hôm thứ hai, Vương phi Kate xin lỗi vì đã chỉnh sửa ảnh và gây hiểu lầm ("Như nhiều tay máy nghiệp dư khác, tôi thi thoảng cũng thử nghiệm với chuyện chỉnh sửa ảnh"), dù không nói rõ bà đã dùng phần mềm gì, đã thay đổi điểm nào hay công khai ảnh gốc. Michael Green, giảng viên truyền thông số Đại học Kent, nói bức ảnh "rõ là được chỉnh sửa với trình độ nghiệp dư" bằng phần mềm như Adobe Photoshop.Chuyện không dừng ở đó. Truyền thông bới ra được khối thứ để bàn tán - nào là "Thất bại hình ảnh hoàng gia giải thích vì sao giờ không ai tin thứ mình thấy" (Washington Post), rồi "Bức ảnh chỉnh sửa của Kate làm dấy lên lo ngại về các công cụ chỉnh sửa ảnh mà ai cũng có thể sử dụng dễ dàng" (CNN), trước khi Wall Street Journal kéo câu chuyện lại với tất cả chúng ta: "Khi nào thì mông má ảnh gia đình được - và khi nào thì là quá tay?".Nhưng lý thú hơn cả là từ khóa #Katespiracy - ghép giữa Kate và conspiracy (thuyết âm mưu). Nguyên do là vì đây là bức ảnh đầu tiên của Kate được công bố kể từ đầu năm, giữa nhiều đồn đoán về sức khỏe của vương phi vì đã không xuất hiện trước công chúng từ sau ca phẫu thuật vùng bụng. Ai mà chẳng thích thuyết âm mưu. Vương phi đang ở đâu, sức khỏe thực tế thế nào, có vấn đề gì không mà phải chỉnh sửa ảnh thô thiển? Người dùng X (Twitter) @kcginger13, bằng tất cả lương tâm của một người làm nghề thiết kế đồ họa ("tôi thấy bắt buộc phải đăng cái này"), chỉ "mất chưa tới 60 giây" đã có thể chỉ ra 10 điểm bất thường trên tấm ảnh - từ bóng phản chiếu của nắm đấm cánh cửa ở hậu ảnh, chân ghế mây, tới nụ cười và những bàn tay của Kate và bầy trẻ.Nhưng sau đùa vui, người ta phải bình tĩnh nhìn nhận, vì sao các thuyết âm mưu, dù khó tin tới mức nào đi nữa, vẫn có thể được "hưởng ứng"? Câu hỏi này không khó trả lời, ở cái thời mà người ta tin vào những thứ như Taylor Swift là đặc tình của CIA hay vụ Pizzagate (cựu đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Hillary Clinton bị cho là điều hành đường dây buôn bán trẻ em qua bình phong là một tiệm pizza).Tính thời điểm của "Katespiracy" mới là đáng lo. Dù bức ảnh thuần dùng phần mềm chỉnh sửa chứ không phải AI (như các chuyên gia khẳng định), scandal của Kate "làm đậm tính nhạy cảm của các bức ảnh được chỉnh sửa", vì nó xảy ra ở thời mà mối đe dọa của hình ảnh, video do AI với báo chí truyền thông đã lên một tầm cao mới."Bức ảnh này là ví dụ hoàn hảo cho thấy 2024 sẽ là năm quan trọng để phát hiện và ngăn chặn nội dung media bị chỉnh sửa" - Shweta Singh, trợ giáo sư hệ thống thông tin tại Trường Kinh doanh Warwick, nói với The Guardian.Không thể che đậy sự thật bằng một bức ảnh vụng về, nhưng nếu nó cực kỳ tinh vi - điều hoàn toàn có thể xảy ra nếu người chỉnh sửa "có tâm" hơn chứ chưa nói đến AI phức tạp - thì sao? Đây không phải là giả định - ảnh giả do AI tạo ngày càng khó phân biệt. Kiểm tra hình ảnh có phải do AI tạo không đang là một tiêu chuẩn mới ở các hãng tin và tòa báo. Để lọt (dù sớm khắc phục) những bức ảnh không chân thật thế này "chỉ làm xói mòn thêm niềm tin của công chúng với truyền thông", nhất là ở thời điểm nhạy cảm như trước bầu cử (ở cả Anh và Mỹ), theo Singh.Bản quy tắc đạo đức cho phóng viên ảnh của AP ghi rõ ảnh "không được chỉnh sửa bằng Photoshop hay bất kỳ hình thức nào khác", còn AFP cấm tuyệt đối "can thiệp hay chỉnh sửa" hình ảnh, nhưng vẫn lọt tấm ảnh của Vương phi Kate. Đây là bài học để các cơ quan truyền thông "kiểm chứng nội dung của mình kỹ càng hơn trong thời công nghệ phức tạp", theo Nic Newman, chuyên gia cao cấp tại Viện nghiên cứu báo chí Reuters."Trong nhiều năm các hãng tin vẫn luôn chú ý xác minh hình ảnh từ các nguồn kém tin cậy hơn. Vụ việc lần này là lời nhắc để chúng ta phải cẩn trọng hơn với mọi nguồn, vì giờ ai cũng có công cụ trong tay" - ông nói. Tags: Ảnh photoshopKate MiddletonPhotoshopChỉnh sửa ảnhHoàng gia Anh
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Đề xuất vàng mã, túi nilông, thuốc diệt cỏ vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt THÀNH CHUNG 22/11/2024 Bên cạnh đề xuất bổ sung một số mặt hàng vào diện chịu thuế thì một số đại biểu Quốc hội cũng đề nghị giãn áp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia.
Ông Kim Jong Un: Mỹ đẩy bán đảo Triều Tiên đến bờ vực chiến tranh hạt nhân MINH KHÔI 22/11/2024 Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khẳng định bán đảo Triều Tiên chưa bao giờ đối mặt với nguy cơ chiến tranh hạt nhân nghiêm trọng như hiện nay.