Chỉ vài phút sau khi viên đạn sượt qua tai, phóng viên ảnh của Hãng tin AP đã chụp được khoảnh khắc ông Trump đứng dậy với khuôn mặt bê bết máu và tay giơ nắm đấm kiên cường dưới bầu trời xanh không một gợn mây, cùng lá cờ Mỹ tung bay phấp phới.
“Bức ảnh có thể thay đổi nước Mỹ mãi mãi”
Bức ảnh gần như hoàn hảo này do phóng viên ảnh Evan Vucci chụp. Sau khi đăng tải, bức ảnh ngay lập tức được lan truyền rộng rãi và xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo trên toàn thế giới.
Chính ông Trump cũng nhận xét về bức ảnh này trong một cuộc phỏng vấn hôm 14-7 với tờ New York Post rằng: “Nhiều người nói rằng đây là bức ảnh mang tính biểu tượng nhất mà họ từng thấy. Họ đã đúng và tôi không chết. Thông thường, bạn phải chết để có một bức ảnh mang tính biểu tượng”.
Khi được hỏi về phản ứng sau câu trả lời trên của ông Trump, Vucci chia sẻ ông không quan tâm người khác nghĩ gì về tác phẩm của mình. Ông chỉ làm đúng trách nhiệm và lịch sử sẽ đánh giá bức ảnh này có mang tính biểu tượng hay không.
“Tôi biết đây là khoảnh khắc quan trọng trong lịch sử nước Mỹ và tôi phải làm tốt nhất có thể”, ông Vucci nói với Đài Fox News.
Phóng viên ảnh Vucci, người từng đoạt giải Pulitzer, đã đưa tin về hàng nghìn sự kiện tương tự cho Hãng tin AP kể từ năm 2003.
Ngày 13-7, ông Vucci có mặt tại buổi vận động tranh cử của ông Trump như bất kỳ sự kiện vận động tranh cử nào khác, cho đến khi ông nghe thấy tiếng súng phát ra từ phía sau.
Kể về trải nghiệm khi đó, ông Vucci cho biết: “Tôi biết ngay đó là tiếng súng. Tôi hướng ống kính về phía sân khấu và thấy các mật vụ ngay lập tức lao đến và che chắn cho ông ấy (Donald Trump). Từ lúc đó, tôi chạy đến sân khấu và chuyển sang chế độ tác nghiệp”.
Sau vụ ám sát bất thành gây chấn động toàn thế giới của cựu tổng thống Donald Trump, bức ảnh không chỉ được chia sẻ rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội mà còn được ca ngợi là khoảnh khắc vừa mang tính biểu tượng, vừa mang tính lịch sử.
Các nhà phân tích thế giới nhận định bức ảnh có thể thay đổi nhận thức mãi mãi của một số người về ông Trump, vốn là một trong những nhân vật chính trị vừa được yêu vừa được ghét tại Mỹ.
“Đây là bức ảnh có thể thay đổi nước Mỹ mãi mãi”, nhà phê bình nghệ thuật Phillip Kennicott của tờ Washington Post bình luận.
“Khuôn mặt đẫm máu và phông nền lá cờ Mỹ đóng vai trò như một ấn phẩm quảng cáo cho các chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump trong tương lai.
Điều này ngụ ý rằng ngay cả một viên đạn cũng không thể khiến cựu tổng thống chùn bước, và cũng không thể ngăn cản được tầm nhìn của ông Trump về nước Mỹ trong tương lai”, Đài Fox News dẫn lời nhận định của chuyên gia quan hệ công chúng Steve Turner.
Nhà tâm lý trị liệu Jonathan Alter cho rằng bức ảnh “gói gọn các phẩm chất” mà người Mỹ cần ở một nhà lãnh đạo.
Lá cờ trở thành biểu tượng của chiến thắng và ý chí kiên cường
Nhà sử học chuyên nghiên cứu về các đời tổng thống Mỹ Craig Shirley cho rằng bức ảnh chụp ông Trump - một người đang cận kề cái chết, rồi lại đứng dậy kiên cường dưới quốc kỳ Mỹ - đã “chạm tới trái tim yêu nước của mọi người”.
Bức ảnh của nhiếp ảnh gia Evan Vucci được so sánh với bức ảnh “Giương cờ chiến thắng trên đảo Iwo Jima” - một trong những biểu tượng của Thế chiến 2, đồng thời là bức ảnh duy nhất giành được giải thưởng danh giá Pulitzer năm 1945.
Thậm chí bức ảnh này còn được đặt lên bàn cân với kiệt tác “Washington Crossing the Delaware” của họa sĩ Emanuel Leutze, hoàn thành vào năm 1851.
Bức tranh mô tả cuộc tấn công bất ngờ của quân đội Washington ngày 25-12-1776 nhằm đáp trả lực lượng lính đánh thuê Hessian đang đóng quân tại vùng ngoại ô Trenton, New Jersey trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Chiến thắng của quân Washington đã vực dậy tinh thần binh lính và người dân Mỹ, đồng thời là bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến giành độc lập của xứ sở cờ hoa.
Chia sẻ với truyền thông Mỹ, giám tuyển trưởng Owen Conner của Bảo tàng quốc gia Thủy quân lục chiến tại Virginia, cho biết điểm chung ở cả 3 bức hình là bố cục nghệ thuật của lá cờ.
Theo ông Conner, những bức hình có sự xuất hiện của lá cờ không chỉ mang tính biểu tượng và khơi dậy lòng yêu nước, mà chính bố cục còn biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận