21/03/2019 07:17 GMT+7

'Bức ảnh 3 tỉ đồng': Hóa ra nhiếp ảnh ‘mua nước mắt’ vẫn thắng thế

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Tác giả bức ảnh thắng giải thưởng gần 3 tỉ đồng vừa bác bỏ thông tin bức ảnh của ông là dàn dựng. Nhưng câu chuyện đáng bàn là tại sao đến thời điểm này những hình ảnh mang tính ‘mua nước mắt’ như vậy vẫn được tôn vinh?

Bức ảnh 3 tỉ đồng: Hóa ra nhiếp ảnh ‘mua nước mắt’ vẫn thắng thế - Ảnh 1.

Những hình ảnh mang tính ‘mua nước mắt’ vẫn được tôn vinh bàng những giải thưởng lớn - Ảnh: EDWIN ONG WEE KEE/HIPA

Chuyện tưởng vô hại, nhưng việc tung hô những bức ảnh mang tính khai thác nhân vật hoặc lãng mạn hóa bi thương có phải sẽ khắc sâu thêm nhận thức sai lệch và định kiến về cả người dân tộc thiểu số ở Việt Nam?

Điều gì đằng sau những hình ảnh quá quen thuộc không chỉ với công chúng Việt Nam mà cả với nhiều khách quốc tế như "cụ già đẹp nhất thế giới" ở Hội An, cô bé mắt xanh ở Ninh Thuận…?

Bức ảnh 3 tỉ đồng: Hóa ra nhiếp ảnh ‘mua nước mắt’ vẫn thắng thế - Ảnh 2.

'Cụ già đẹp nhất thế giới' của Rehahn - Ảnh: RÉHAHN

Nghiệp dư và gì nữa

Theo nhiếp ảnh gia Hà Đào, phong trào đi du lịch chụp ảnh theo nhóm (photo tour) về các miền núi để khai thác đề tài về cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số đang phổ biến. Tham gia photo tour thường là những nhà nhiếp ảnh nghiệp dư, họ thường khai thác theo hướng lãng mạn hóa đời sống và văn hóa của bà con vùng cao.

"... Việc lãng mạn hóa văn hóa vùng cao đã có một lịch sử dài, từ thẩm mỹ mang tính định hướng của những nghệ sĩ nhiếp ảnh tới ngành ảnh du lịch phát triển song song với trào lưu đi phượt những năm qua", Hà Đào nói.

Khai thác văn hóa lạ lẫm, khác biệt với phần còn lại của thế giới văn minh thì các nhiếp ảnh gia phương Tây khai thác từ rất sớm chứ không riêng nhiếp ảnh Việt Nam.

Gần đây ở Việt Nam, lối chụp ảnh này càng quen thuộc do phong trào đi phượt chụp ảnh phát triển rầm rộ bởi công nghệ máy ảnh số trở nên quá phổ biến và các chuyến đi du lịch trở nên dễ dạng hơn nhiều với người Việt, đặc biệt là những người có chút đam mê nhiếp ảnh.

Với một tour du lịch nhiếp ảnh, các nghệ sĩ sẽ đi hàng chục người, cùng đến những địa điểm, gặp những con người như kế hoạch được lên trước để chụp ảnh. Thế nên không hiếm khi hàng chục người cùng chụp một đối tượng với cùng một góc máy.

Có vẻ như từ đó, trong giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp sản sinh một khái niệm khá mỉa mai nhưng dường như lại rất đúng: "nhiếp ảnh bầy đàn".

Cũng không thấy mấy nghệ sĩ nhiếp ảnh nào tham gia các photo tour kia "tự ái" bởi khái niệm này. Họ hầu hết là những người đam mê ảnh nhưng chỉ được coi là nghiệp dư, họ đi chụp cho vui và cho bản thân mình là chính.

Nhiếp ảnh gia Malaysia thắng giải lớn kia cũng chỉ nhận mình là người đam mê nhiếp ảnh (photo enthusiast).

Photo tour mang lại cho bà con dân tộc thiểu số một khoản thu nhập nhưng đó không phải là vô hại.

Bức ảnh 3 tỉ đồng: Hóa ra nhiếp ảnh ‘mua nước mắt’ vẫn thắng thế - Ảnh 3.

An Phước, cô bé Chăm ở Ninh Thuận với đôi mắt màu xanh - Ảnh: RÉHAHN

Sự méo mó phía sau những tấm ảnh "mua nước mắt"

Theo nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Thanh, phong trào nhiếp ảnh phượt tạo ra một đội ngũ đông đảo những người đi tìm hình ảnh theo lối đèm đẹp và thuận mắt. Nhưng họ không đầu tư đủ thời gian và kỹ năng để đi qua lớp hình của hình ảnh nên các hình ảnh trở nên quen thuộc, giống nhau, nghèo ý tưởng và cảm xúc.

Nữ nhiếp ảnh gia Hà Đào thì cho rằng những nhiếp ảnh gia không chuyên sẽ bị thu hút bởi những hình ảnh trực diện nhất. "Sự đau thương thì bao giờ cũng khiến hình ảnh có vẻ là có sức nặng hơn. Ai mà chẳng choáng ngợp trước sự khác biệt trong ngoại hình và văn hóa của những người dân tộc thiểu số", Hà Đào nói.

Nhưng, cô cũng cảnh báo: "Hình ảnh gây sốc hoặc sẽ kéo sự chú ý đến vấn đề đúng đắn, hoặc sẽ mang tính khai thác nhân vật và lãng mạn hóa đau thương".

Hà Đào dẫn ví dụ về những bức ảnh rất nổi tiếng của nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn, ngoài những nụ cười là hàng loạt hình ảnh những đứa trẻ mặt nhem nhuốc ngước đôi mắt tròn hay háy lên ống kính của nhiếp ảnh gia…

Theo cô, đây đều là những tấm ảnh bố cục, kỹ thuật chỉn chu và màu sắc rực rỡ, dễ bắt mắt đám đông, nhưng nó chỉ "thỏa mãn nhu cầu số đông bằng những tác phẩm an toàn, nghèo nàn về nội dung và cách thực hiện".

Nguy hại hơn, lối nhiếp ảnh này tưởng chỉ là góc nhìn hoài cổ của những người yêu văn hóa, nhưng nhìn lại thì thấy đó đều là những góc máy cố tình chĩa vào những điều dị biệt nhất thay vì phản ánh lại cuộc sống chân phương như nó đang diễn ra. Những bức ảnh để tác giả mô tả cuộc sống như tác giả muốn thế, theo định kiến của riêng mình.

Điều này, theo Hà Đào, sẽ làm khắc sâu nhận thức sai lệch và định kiến về cả người dân tộc và hình ảnh Việt Nam.

Đáng buồn là, những hình ảnh kiểu lãng mạn hóa bi thương, mua nước mắt hay khía sâu vào sự khác biệt của những nền văn hóa thiểu số nhưng không mang tính đại diện cho dân tộc đó, vẫn tiếp tục được vinh danh ở một số cuộc thi ảnh.

Bức ảnh chụp gương mặt bà mẹ Mông với khuôn mặt quá bi thương bên con mình của nhiếp ảnh gia không chuyên Malaysia vừa thắng giải thưởng HIPA trị giá gần 3 tỉ đồng là một ví dụ.

"Trước khi bấm máy, mỗi nhiếp ảnh gia đều có trách nhiệm cân nhắc ranh giới mỏng manh giữa sự trân trọng và cái nhìn dị biệt, nhất là khi tiếp cận cộng đồng thiểu số đã luôn bị gắn với những diễn ngôn về sự lạc hậu, cổ hủ và thụ động" - biên tập viên của một trang chuyên về nhiếp ảnh rất uy tín trong cộng đồng nhiếp ảnh hiện nay, kiêm nhiếp ảnh gia Hà Đào - nhắn nhủ.

TTO - Vài ngày sau khi bức ảnh Hi vọng của mẹ của anh Edwin Ong Wee Kee đoạt giải thưởng lớn của Giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế Hamdan (HIPA) trị giá gần 2,8 tỉ đồng, dư luận đã dấy lên những tranh luận.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên