Ngọn núi quanh năm mây mù bao phủ như chạm tới “đỉnh trời” ấy từ lâu là vùng đất quanh năm gian khó, nhọc nhằn.
Núi Khau Éc - Ảnh: N.T.L. |
Nơi đó, bữa cơm bán trú là nơi “giữ chân học trò với con chữ”.
Xã ở cách trung tâm huyện tới hơn 40 cây số đường dốc uốn lượn quanh những triền núi cao. Tân Tiến trên đỉnh núi Khau Éc là nơi khởi phát dòng suối Nậm Luông chảy dọc từ đầu xã Tân Tiến qua các xã Nghĩa Đô, Vĩnh Yên và đổ ra sông Chảy. Từ bao đời nay người Tày, người Mông, người Dao chung sống ở Tân Tiến, vùng đất khó, xa và cao của huyện Bảo Yên (Lào Cai).
Từ lâu, nơi sơn thẳm này trẻ em xuống núi học chữ cùng những nhọc nhằn khó nói thành lời.
Những ngày chạy bão
Theo lời kể của ông Hoàng Văn Pao - chủ tịch UBND xã Tân Tiến, chỉ cách đây gần chục năm, đến đỉnh Khau Éc người ta cứ ngỡ đó là một thế giới khác, vừa xa xôi vừa mù mịt. Tối tối, bên những căn nhà sàn, những ánh lửa leo lét của cuộc sống đói nghèo cứ đeo đẳng đồng bào. Đó là quãng thời gian mà đồng bào các dân tộc ở Tân Tiến “tiếp khách” bằng những khúc ca buồn trầm trong cuộc mưu sinh.
Xã nghèo, chuyện học chữ của trẻ em ở trung tâm xã Tân Tiến và trên núi cao gắn với những nhọc nhằn. Các bản với những cái tên như Cán Chải I, Cán Chải II, Thác Xa, Nặm Phung, Nặm Chày, Nặm Hu, Nặm Dìn, Nặm Phầy... làm thầy cô nào ở xa đến nhận công tác cũng thấy “rợn” người.
Cách đây năm năm, đường lên Tân Tiến đã khó, trường lớp và chuyện dạy - học ở xã vùng cao này còn vô vàn khó khăn. Khi ấy, các điểm trường trung tâm ở Tân Tiến tuy nằm ở trung tâm xã nhưng chỉ là những lán lớp nằm chơi vơi bên bờ suối. “Lớp học tạm bợ chỉ bằng tranh tre nứa lá, những chiếc bàn gỗ cũ đã mọt đặt trên nền đất gồ ghề là nơi để những mầm non mọc lên từ đó.
Trường cạnh suối nên cứ sau mỗi trận mưa, sau mỗi mùa hè, giáo viên nhà trường và nhân dân phải dựng lại để lấy chỗ học” - thầy Lục Tiến Vinh, hiệu trưởng Trường THCS Tân Tiến, tâm sự. Thầy Vinh kể thêm: “Có những đêm mưa bão to, thầy đã đánh thức toàn bộ học sinh khu bán trú dậy, thu dọn quần áo và đồ đạc để chạy bão. Cả thầy và trò trong đêm tối phải rời khu bán trú chạy lên trú tạm tại trụ sở UBND xã”.
Chia khẩu phần ăn cho học sinh bán trú - Ảnh: N.T.L. |
Bữa ăn bán trú
Từ sự khó khăn ấy, Trường THCS Tân Tiến thành Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Tân Tiến ra đời năm 2011 và áp dụng mô hình bữa cơm bán trú như một giải pháp giữ chân học trò. Thầy Nguyễn Tùng Sơn - phó hiệu trưởng nhà trường, phụ trách khu bán trú - cho biết nhà trường cố gắng bằng mọi giải pháp để hỗ trợ học trò, giữ chân các em ở lại trường học hành đều đặn hơn.
Hiện tại, với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự chung tay của phụ huynh, trường tổ chức cho hơn 90 học sinh khu bán trú ăn cơm tập trung. Nhà trường cũng thuê một người dân nấu cơm cho các em ăn. Đồng thời hướng dẫn các em ăn ở vệ sinh, trồng rau, nuôi heo để vừa có thêm nguồn thức ăn, vừa giáo dục và dạy các em công việc lao động hằng ngày.
Tan học, các em ùa về khu bếp ăn để nhận khẩu phần. Bát cơm của các em tuy đơn sơ nhưng có trứng, có cá, canh rau và các em ăn được no hơn. Thầy Vinh cho biết mỗi tuần sẽ có một chuyến xe từ Hà Giang đến tận trường để bán và giao hàng tiêu dùng hằng ngày cho học sinh khu bán trú.
Nhìn học trò Tân Tiến với khuôn mặt rám nắng cùng đôi mắt sáng ngời, chúng tôi thầm hiểu con chữ nơi các bản xa đã tìm được nơi neo đậu. Em Lý Thị Bàn (dân tộc Mông) - học sinh lớp 6 - tâm sự: “Được ở bán trú chúng em vui lắm, nhà trường tổ chức nấu cơm cho chúng em ăn hằng ngày. Giờ chúng em rất yên tâm học tập tại trường".
Về Khau Éc hôm nay, đường sá phong quang, những bản Mông, bản Dao, bản Tày đông đúc hơn, rộn ràng hơn. Nồi cơm đã hun đúc sự chung tay và những tình cảm tốt đẹp của thầy cô và toàn xã hội đối với những ước mơ con chữ “mọc mầm” từ chốn mờ sương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận