Đây là những bữa cơm miền Tây của gia đình anh Út Tình. Bữa cơm miền Tây gồm những món có nguyên liệu bình dị, đôi khi là con cá, con tôm bắt lên từ khúc sông gần nhà, là mớ rau tươi sống trồng trong vườn đem nấu canh, chấm kho quẹt.
Với người miền Tây, vào những ngày mưa, nấu được một mâm cơm như thế có lẽ đã là hài lòng.
Gỏi gà trái sung, khổ qua hầm, thịt kho hột vịt
Anh Út Tình là người miền Tây chính gốc. Ngày Tết, mâm cơm nhà anh có những món ăn đặc trưng của người miền Tây như: món dưa cải chấm thịt kho hột vịt, khổ qua hầm.
Bên cạnh những món quen thuộc, còn có một dĩa gỏi gà trái sung, mà thường hay gọi là gỏi gà "sung túc".
Anh hy vọng mọi cực khổ của năm cũ sẽ trôi qua, để đón một năm mới bình an, suôn sẻ hơn.
Dĩa gỏi gà "sung túc" bày trí đẹp mắt, có thịt gà xen lẫn quả sung, cà rốt, hành tây, rau răm và ớt, vun vào đầy ắp như cái tên “sung túc”.
Thịt gà đem hấp giữ nguyên vị ngọt thịt tự nhiên, hòa cùng vị chát chát của sung, vị giòn ngọt từ cà rốt, hành tây, vị cay the từ rau răm ớt. Tất cả cùng quyện hòa trong nước mắm trộn gỏi mặn ngọt chua cay đem lại một món ăn độc đáo, với nhiều tầng hương vị tinh tế.
Canh bầu dồn thịt ăn cùng thịt ba rọi muối sả chiên
Tâm sự với Tuổi Trẻ Online, anh Út Tình kể cha anh rất thích trồng rau, giàn bầu, giàn bí. Cho nên, nhà anh có trái ăn liên tục. Ngoài luộc, xào thì anh cũng thay đổi bằng cách dồn thịt và nấu canh cho cả nhà ăn lạ miệng.
Mẹ anh thì nấu món thịt ba rọi rất ngon. Cả ba anh và anh đều thích. Anh nói, ở miền Tây trong mâm cơm, thường hay có một món canh và một món mặn. Theo anh, khi kết hợp hai món này này lại thì rất hao cơm.
Món thịt ba rọi chiên sả bên ngoài giòn rụm, bên trong mềm ngọt. Màu vàng nâu của thịt và mùi thơm của sả có lẽ sẽ kích thích vị giác của nhiều người, giúp bữa cơm thêm thơm ngon, trọn vị.
Lẩu hột vịt lộn nhúng đọt bầu
Đây có lẽ sẽ là bữa ăn ngon với người miền Tây và còn giúp bồi bổ sức khỏe, tăng cường lưu thông khí huyết.
Để có bữa lẩu ngon thì phải lựa chọn, chế biến kỹ càng từng nguyên liệu. Hột vịt lộn phải là những trái còn tươi, non. Đọt bầu phải tước hết xơ bên ngoài.
Trước khi bỏ vào nồi lẩu đun sôi cùng các gia vị đã chuẩn bị sẵn thì cần phải luộc hột vịt lộn với lửa lớn tầm 25 phút để trứng chín.
Lẩu hộtg vịt lộn sẽ ngon hơn nếu ăn kèm bún, mì và không thể thiếu những đọt bầu xanh rì, tươi sống.
Kho quẹt, nước cơm
Nhắc đến kho quẹt, người ta nghĩ ngay đến người miền Tây. Bởi khi xưa, món ăn này gắn liền với họ vào những lúc khó khăn hay những khi vội vàng ra đồng mà chưa kịp có miếng cơm bỏ bụng.
Cách ăn món kho quẹt thể hiện ngay trong tên, kho lên rồi quẹt với cơm, với rau.
Món ăn có vị mặn đặc trưng do được kho từ nước mắm, chỉ cần một vài đầu đũa kho quẹt cũng có thể "xơi" hết hai chén cơm.
Món ăn có nguyên liệu dễ kiếm, dễ chế biến và có thể trữ được nhiều ngày. Vì thế, ngày xưa, khi còn nghèo, còn thiếu thốn, người ta thường hay ăn kho quẹt.
Ngày mưa, nhà nào có nồi kho quẹt cũng chẳng lo đói.
Bên cạnh kho quẹt, trong mâm cơm không thể thiếu các loại rau sống, một tô nước cơm thay cho canh.
Việc chọn rau luộc ăn với kho quẹt cũng rất quan trọng. Thông thường, một đĩa rau gồm đủ thứ loại thân thuộc với người miền Tây như: đậu bắp, bông điên điển, bầu, đậu rồng, rau muống...
Giờ đây, cuộc sống đủ đầy hơn nhưng kho quẹt đã trở thành món ăn giản dị đi vào lòng người của dân Nam bộ. Nhiều người xa quê, họ vẫn làm một nồi kho quẹt để ăn cho đỡ nhớ hương vị quê nhà...
Canh chua bầu ăn cùng cá kho tiêu
Canh chua - cá kho là bộ đôi không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của người Việt, đặc biệt là ở miền Tây Nam Bộ.
Với món cá kho, ngon nhất là khi dĩa cá lên mâm còn nóng hổi, đặc sệt. Thịt cá sánh mướt, béo ngậy, “nhuộm” màu cánh gián đẹp mắt.
Người miền Tây gắp một miếng cá kho đậm đà, ăn cùng cơm nóng.
Rồi cuối cùng là thêm một chén canh chua ngọt dịu, thanh thanh của bầu kèm một miếng cá chắc nịch, chấm mắm ớt cay xè.
Vậy thì còn gì bằng!
Khi kho cá nên kho cùng tiêu, ớt, vị cay cay nhẹ càng thêm hấp dẫn.
Chúng ta có thể lấy một trái bầu nguyên vỏ, cắt khúc cỡ gang tay, phơi ngoài nắng cho heo héo. Pha ít nước muối, nấu sôi để nguội rồi đổ vào lọ thuỷ tinh. Sau đó, cho bầu đã phơi vào, để ngập trong nước muối, sau khoảng vài ngày bầu sẽ chua, dùng để nấu canh hoặc xào đều ngon.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận