Con trỏ tăng võng - sáng kiến của trung úy chuyên nghiệp Lê Hoài Hiệp giúp giấc ngủ của bộ đội ngon hơn khi huấn luyện dã ngoại - Ảnh: MY LĂNG
Lữ đoàn hải quân đánh bộ 147 (Bộ tư lệnh Vùng 1 Hải quân) là đơn vị chiến đấu, bộ đội thường xuyên đi huấn luyện dã ngoại. Giấc ngủ của bộ đội trong những chuyến hành quân dã ngoại dài ngày trong rừng, trên đồi núi... thật sự trở thành vấn đề không nhỏ mỗi khi mưa rừng ập xuống.
Mất ngủ vì mưa
Việc đảm bảo giấc ngủ cho bộ đội rất khó khăn mỗi khi mưa gió. Là một người lính của Lữ đoàn 147, trung úy chuyên nghiệp Lê Hoài Hiệp (Tiểu đoàn 474) cũng nếm trải những đêm mưa ướt ngập tăng võng không thể ngủ.
Một trong những lần thức đêm vì mưa ấn tượng nhất với người trung úy này là một lần đi diễn tập, mắc võng ngủ trên tàu. Mưa như trút nước, Hiệp và đồng đội cột bạt để che mưa.
"Đêm đó, hai anh em đứng mấy tiếng đồng hồ cốt để không bị ướt đầu chứ không nằm được. Mưa lớn lắm. Mình để một can nước hứng theo một góc tăng xuống được một can đầy. Có lần đi diễn tập ở trong rừng, đêm mưa, nước chảy vào ngập lưng võng. Quân nhu đã cấp con trỏ bằng sắt nhưng vẫn không chịu được khi mưa to" - trung úy Hiệp kể.
Những trải nghiệm đó khiến Hiệp cứ nung nấu ý nghĩ phải làm sao để bộ đội có giấc ngủ ngon khi đi huấn luyện dã ngoại trong rừng. Anh cho biết: "Mỗi lần đi dã ngoại từ 3-5 ngày, khi mưa gió bộ đội dùng khuy mắc võng của đơn vị hoặc dùng cọc chống nhưng nước vẫn chảy vào làm ướt võng.
Vấn đề nữa là bây giờ huấn luyện ở rừng, mình không thể chặt cây để lấy làm cọc chống mà mang cọc đi lúc hành quân thì cồng kềnh, vướng víu. Mình cứ nghĩ phải có giải pháp nào đó để thay cho cọc chống và khuy mắc võng phải gọn nhẹ".
Và Hiệp nghĩ đến mảnh gỗ
Nhà Hiệp ở Bắc Giang, gia đình làm nghề mộc. Mỗi lần về nhà đi phép tranh thủ 2-3 ngày, anh cứ cặm cụi mày mò lấy những mảnh gỗ nhỏ khoan tới khoan lui, 6 lỗ trên mảnh gỗ. Lúc đầu Hiệp khoan lỗ theo hình bậc thang rồi dùng thử nhưng nước vẫn theo dây chảy qua lỗ vào võng.
Lại nghĩ phải khoan những lỗ lệch nhau, so le nhau. Nhưng nước mưa vẫn chảy theo dây võng vào võng. Hiệp đảo cách xỏ dây võng nhưng vẫn không thành công. Phải đến mùa huấn luyện thứ ba, Hiệp mới hoàn thiện.
"Mình tạo thêm hai rãnh ở hai mặt mới giải quyết triệt để được. Nước mưa sẽ thấm theo dây võng đến hai lỗ dây võng gặp hai rãnh thì nước theo rãnh chảy xuống đất. Phải xỏ dây so le dây cao dây thấp thì nước mưa có chảy vào dây võng dưới thì cũng không chảy ngược lên dây phía trên. Mưa to thế nào cũng không chảy xuống võng được" - anh Hiệp cho biết.
Hiệp cho biết thêm, để làm con trỏ này phải là loại gỗ chịu được sức nặng của con người, nếu gỗ không tốt sẽ bị bửa ra. Và anh làm gần 30 bộ cho trung đội dùng thử, mấy anh em dùng và đều gật gù bảo "cái này được lắm". Mọi người vẫn gọi đùa đó là "bùa chống mưa" của bộ đội đi rừng.
Giá thành "bèo", xài mãi mãi
Con trỏ tăng võng cao chỉ bằng nửa chai nước 0,5 lít, có thể mang theo ở túi cóc balô hoặc luồn trực tiếp vào võng để trong balô, sử dụng dễ dàng trong đêm tối hay khi cơ động lực lượng. Chi phí để làm một cặp con trỏ này chỉ vài chục nghìn đồng.
Điều đặc biệt của con trỏ này là chỉ cần luồn dây một lần sẽ dùng mãi mãi và có thể lật chiều 360 độ mà công dụng hiệu quả vẫn như nhau. Nó đã trở thành vật dụng không thể thiếu của anh em trong Tiểu đoàn 474 mỗi khi đi hành quân dã ngoại.
"Vừa rồi đi huấn luyện dã ngoại ở đảo, mưa liên tục hơn 10 ngày, bộ đội mắc võng với con trỏ này, anh em nằm ngủ không ai bị ướt" - trung tá Trần Xuân Điệp, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 474, kể.
Anh nhận định: "Mình thấy sáng kiến này có nhiều tính ưu việt: dễ sử dụng, đơn giản, gọn gàng, độ bền tốt, thời gian sử dụng lâu dài và chi phí rất rẻ. Từ khi có con trỏ này, khi đi huấn luyện dã ngoại, sức khỏe của bộ đội được đảm bảo hơn, không phải lo lắng vấn đề trời mưa, không phải vất vả giữa đêm dậy. Đơn vị cấp con trỏ này cho bộ đội theo kiểu quân trang". S
áng kiến này được hội đồng khoa học Lữ đoàn 147, Bộ tư lệnh Vùng 1 Hải quân và Quân chủng Hải quân đánh giá cao ở tính hiệu quả, thiết thực và trao giải nhất Hội thi giáo án mô hình học cụ của Vùng 1 Hải quân năm 2017 và sau đó đạt giải A cấp Quân chủng.
Ngoài con trỏ tăng võng, trung úy Hiệp còn có sáng kiến làm bộ bia (làm bằng tay) dùng trong huấn luyện các bài bắn mục tiêu ẩn hiện. Sáng kiến này anh làm cùng thượng úy chuyên nghiệp Lê Minh Tiến.
Khi chưa có sáng kiến này, mỗi khi huấn luyện, đơn vị phải dùng một hộp gỗ khoét lỗ có nắp di động, đặt đèn bão bên trong để có ánh sáng nhấp nháy, phải có người kéo qua lại. Buổi tối khi bộ đội tập bắn cứ nhắm vào điểm sáng đó.
Dụng cụ hỗ trợ bắn kiểu thủ công này rất bất tiện, tốn nhân công và không đúng nguyên tắc vì phải có người đứng giữ và lắc đèn hoặc phải tự di chuyển. Với sáng kiến của Hiệp và Tiến, bộ bia cắm một loạt ba bia chỉ cần một người kéo.
Trung úy Hoài Hiệp hiện đang là trưởng xe thuộc đại đội 13, Tiểu đoàn 474, Lữ đoàn 147 và làm luôn công việc như một tiểu đội trưởng bộ binh.
"Thời điểm huấn luyện vất vả nhất với đơn vị xe tăng thiết giáp là mùa hè, khi đi thao trường vào xe huấn luyện rất nóng bức. Mùa mưa thì càng vất vả vì liên quan chỗ ăn chỗ nghỉ của bộ đội. Lắm khi mưa dầm dã nhiều ngày, có đợt cả tuần. Có những năm đi diễn tập thì mưa hết hơn một nửa thời gian diễn tập. Vất vả vậy đấy nhưng mình yêu công việc của mình lắm" - Hiệp cười, tâm sự.
Đi bộ đội vì thích màu áo hải quân
Lê Hoài Hiệp học ngành trưởng xe PTR60 (xe thiết giáp bánh lốp) của Trường Hạ sĩ quan xe tăng 2. Tốt nghiệp tháng 12-2005, trung sĩ Lê Hoài Hiệp về Lữ đoàn hải quân đánh bộ 147 công tác. Khá thú vị khi biết cha anh là nhân viên kỹ thuật của không quân ở Gia Lâm thời chống Mỹ, sau xuất ngũ.
Trung úy chuyên nghiệp Lê Hoài Hiệp kể: "Hồi đó hải quân không tuyển ở Bắc Giang vì đó là tỉnh miền núi, mình phải xin hồ sơ để thi tuyển vào lực lượng hải quân. Mình ở tỉnh miền núi, chưa được đi biển bao giờ mà nhìn màu áo hải quân thấy đẹp nên thích trở thành lính hải quân. Lúc đi tân binh được mặc áo yếm sướng lắm. Người ta nói "nhanh như điện, diện như hải quân" mà".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận