23/11/2016 17:02 GMT+7

​Bữa ăn giữa ca của 23,1% doanh nghiệp Đồng Nai dưới chuẩn

A LỘC
A LỘC

TTO - Ngày 23-11, Sở Y tế Đồng Nai lần đầu tiên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về những vấn đề liên quan đến công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại doanh nghiệp.

Đại diện các doanh nghiệp nêu ý kiến tại buổi đối thoại với lãnh đạo Sở Y tế diễn ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai - Ảnh: A LỘC
Đại diện các doanh nghiệp nêu ý kiến tại buổi đối thoại với lãnh đạo Sở Y tế diễn ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai - Ảnh: A LỘC

Tại hội nghị, bà Trương Thị Thảo - đại diện Chi cục ATVSTP - thông tin về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm 10 tháng đầu năm 2016. Theo đó, toàn tỉnh có 13.273 cơ sở thực phẩm do ngành y tế quản lý (chiếm 98%), trong đó loại hình cơ sở dịch vụ ăn uống chiếm đến 88,8%.

Toàn tỉnh có 200 đoàn thanh tra, kiểm tra đã tổ chức tổng cộng 27.517 lượt thanh, kiểm tra. Trong đó, 4.071 cơ sở không đạt (chiếm 14,79%), phạt tiền 114 cơ sở với tổng số tiền 586,5 triệu đồng. Trong đó, các vi phạm chủ yếu như điều kiện về vệ sinh, trang thiết bị, dụng cụ, con người; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện; công bố tiêu chuẩn sản phẩm, ghi nhãn thực phẩm…

Cũng theo bà Thảo, từ năm 2010, Chi cục ATVSTP xây dựng mô hình về kiểm soát an toàn thực phẩm tại các cơ sở dịch vụ ăn uống. Đến nay, đã công nhận và duy trì mô hình này tại 27 bếp ăn tập thể tại 20 công ty với số người trực tiếp chế biến là 1.285 người.

Qua kiểm tra 27 bếp ăn trong 6 tháng đầu năm, có 4 bếp không đạt, chủ yếu là do cơ sở hạ tầng xuống cấp chưa kịp tu sửa, trang thiết bị hư hỏng chưa thay mới.

Về tình hình ngộ độc thực phẩm, trong 10 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm với 21 ca (giảm 52 ca so với cùng kỳ 2015) và không có ca nào tử vong.

Ông Đoàn Văn Đây - phó chủ tịch Liên đoàn Lao động Đồng Nai - cho hay tại Đồng Nai, trong 9 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn xảy ra 31 vụ đình công. Trong đó, 2 vụ đình công do chất lượng bữa ăn quá kém.

Ngày 25-2, Tổng liên đoàn Lao động VN ban hành nghị quyết về chất lượng bữa ăn giữa ca. Theo đó, yêu cầu tất cả các bữa ăn giữa ca của người công nhân mức tối thiểu thấp nhất là 15.000 đồng.

Theo thống kê của công đoàn tỉnh, hiện trên địa bàn có 76,9% doanh nghiệp thực hiện bữa ăn trên 15.000 đồng và cao nhất là 35.000 đồng/suất ăn. Còn lại 23,1% doanh nghiệp có chất lượng bữa ăn dưới 15.000 đồng và thấp nhất là 11.000 đồng.

Công nhân Công ty TNHH Fashion Garments 2 (ngành may mặc, đóng tại KCN Biên Hòa 2, TP. Biên Hòa) được đưa vào bệnh viện điều trị vì bị ngộ độc thực phẩm tối 12-4 - Ảnh: A LỘC
Công nhân Công ty TNHH Fashion Garments 2 (ngành may mặc, đóng tại KCN Biên Hòa 2, TP Biên Hòa) được đưa vào bệnh viện điều trị vì bị ngộ độc thực phẩm tối 12-4 - Ảnh: A LỘC

Theo ông Đây, phía liên đoàn luôn khuyến khích doanh nghiệp tự tổ chức bữa ăn giữa ca để đảm bảo hơn, kiểm soát hơn và cùng có trách nhiệm với vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm, sức khỏe người lao động.

Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp cần đặt nặng vấn đề này để vừa chăm lo tốt chính sách cho người lao động bên cạnh đó là chất lượng bữa ăn phải đảm bảo, tạo sức khỏe cho công nhân yên tâm làm việc trên cơ sở 3 nội dung gồm: đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, giá trị và đảm bảo an toàn thực phẩm.

A LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên