Trong lịch sử hơn trăm năm của Olympic, câu chuyện về thực đơn cũng ly kỳ, hấp dẫn chẳng kém màn so tài của các vận động viên (VĐV).
Một thế kỷ phát triển không ngừng
Trong những năm đầu tiên, giai đoạn từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, Olympic khi đó vẫn chỉ là một ngày hội thể thao "vui là chính". Và nhìn chung, các VĐV dự giải với tinh thần được bao ăn ở đầy đủ đã là tốt.
Olympic 1932 tại Los Angeles (Mỹ) đánh dấu một bước ngoặt khi ra đời khái niệm "làng Olympic". Nơi đây quy tụ gần như toàn bộ các VĐV tham gia thi đấu, công tác dinh dưỡng được nâng cao.
Khi các VĐV đều có thực đơn tương đối giống nhau, ban tổ chức Olympic phải tính đến bài toán dinh dưỡng. Họ phải mang đến những bữa ăn để hàng ngàn VĐV, đến từ hàng chục quốc gia khác nhau (thời điểm đó mới có hơn 30 nước dự Olympic) có thể ăn uống vừa miệng, phù hợp văn hóa và tôn giáo của mình, nhưng lại đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng.
Giai đoạn 1932 đến 1968, protein (đạm) được xem là tôn chỉ trong các bữa ăn tại Olympic. Đến đầu thập niên 1970, Tây Đức tiến xa hơn khi tổ chức Munich 1972. Họ đưa ra nhiều nghiên cứu chứng minh tầm quan trọng của carbonhydrate (tinh bột) và những loại vitamin khác.
Không chỉ vậy, đội ngũ phụ trách dinh dưỡng của Munich còn đưa ra một phát biểu mang tính lịch sử: "Với các VĐV đỉnh cao, dù là người nước nào, hay chơi ở môn thể thao nào, chế độ dinh dưỡng của họ luôn tương tự nhau".
Đây là "kim chỉ nam" cho làng thể thao thế giới nói chung. Một số nền thể thao chưa phát triển tự tin học theo những nền thể thao hùng mạnh về cách thức dinh dưỡng. Và thực đơn tại Olympic ngày càng thống nhất.
Theo dòng thời gian, Olympic ngày càng trở thành một sự kiện vĩ mô, mang màu sắc lễ hội, quảng bá văn hóa các nước. Từ Los Angeles 1984, bếp ăn Olympic lại rẽ sang hướng đa dạng. Họ cung cấp thực đơn phong phú, chia làm nhiều nền văn hóa khác nhau. Nhưng nhìn chung, định lượng về mức protein, carbonhydrate, axit béo… luôn được cân bằng.
Vì sao kim chi nổi tiếng toàn cầu?
Từ Los Angeles 1984 tại Mỹ, số lượng quốc gia dự Olympic vượt mốc 100, và tăng lên 200 từ Athens 2004. Phải phục vụ cả chục ngàn VĐV đến từ hàng trăm quốc gia vừa là thách thức, vừa là cơ hội.
Seoul 1988 trở thành ví dụ tiêu biểu cho việc tận dụng tốt thời cơ đăng cai Olympic. Xứ sở kim chi có hẳn một… Viện Kim chi thế giới, và họ đã dành nhiều thời gian để tìm cách quảng bá món ăn truyền thống của mình thông qua Olympic.
Những thông tin về lợi ích củ̉a kim chi như điều hòa đường ruột, ngăn ngừa béo phì đã được quảng bá rộng rãi. Các VĐV trở thành những đại sứ quảng bá tuyệt vời cho các giá trị dinh dưỡng đó. Kết quả là sau Seoul 1988, kim chi nhanh chóng lan tỏa toàn cầu.
Ở Bắc Kinh 2008, một kỳ thế vận hội khác biệt ở châu Á, các VĐV được thưởng thức những món ăn nổi tiếng béo bở theo truyền thống Trung Quốc, nhưng với phong cách lành mạnh hơn. Hàng trăm đầu bếp của chủ nhà đã nỗ lực truyền tải hương vị các món ăn nổi tiếng như vịt quay, heo quay mà không khiến giới thể thao đỉnh cao phải ngán ngẩm.
Vậy tại Paris 2024, các VĐV sẽ ăn gì?
Tờ Times of India giật tít: "Kỳ Olympic năm nay sẽ là bữa tiệc lớn nhất trong lịch sử". Về số lượng, Paris 2024 chỉ đón hơn 10.700 VĐV, ít nhất từ năm 2008 cho đến nay.
Nhưng mặt khác, người Pháp lại muốn chứng tỏ họ sẽ là vị chủ nhà nồng nhiệt nhất từ trước đến nay, ít nhất là về mặt ăn uống.
Theo New York Times, chủ nhà Pháp sẽ cung cấp trung bình 40.000 bữa ăn/ngày tại làng VĐV. Dù đón tổng cộng đến hơn 10.000 VĐV, nhưng vì lịch thi đấu khác nhau và trải dài, thông thường chỉ có khoảng 4.000-6.000 VĐV ở làng VĐV trong cùng một thời điểm.
Tức mỗi ngày, các VĐV ở Paris sẽ được phục vụ 5-10 bữa ăn khác nhau. Đây là công thức lý tưởng cho việc chia nhỏ bữa ăn của các VĐV, cho thấy sự chi ly của ban tổ chức.
Các đầu bếp ở làng VĐV đến từ 3 chuỗi nhà hàng Pháp nổi tiếng - Akrame Benallal, Amandine Chaignot và Alexandre Mazzia.
Bánh mì baguette - đặc sản của Pháp và các anh em bánh mì của nó sẽ có mặt trong mọi bữa ăn. Tất nhiên, thực đơn vẫn luôn phong phú như những gì đã diễn ra trong khoảng 40 năm gần đây tại Olympic.
Không thể chiều lòng tất cả
Shawn Hueglin, chuyên gia dinh dưỡng của Ủy ban Olympic Mỹ, cho biết đã gửi protein lắc, bánh quy xoắn, bỏng ngô, thịt khô, thanh năng lượng và cả bơ đậu phộng cho đoàn thể thao của mình.
Còn cô Purity Kamande, chuyên gia của đoàn Kenya, cũng có cách của mình: "Nguyên tắc là hãy bám sát thực đơn thường ngày của bạn, hạn chế thay đổi". Vì vậy, đoàn Kenya mang theo một lượng lớn món ugali, một loại bột ngô chứa nhiều carbohydrate.
Còn chuyên gia Sharon Madigan của đoàn Ireland mới đây đã than phiền: "Chúng tôi đang chờ tiếp tế cháo yến mạch. Cháo là thứ người Pháp làm không tốt lắm". Dù vậy, bà Madigan vẫn đánh giá cao sự chuẩn bị của người Pháp về mặt dinh dưỡng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận