TTCT - Tổ chức nấu bữa ăn bán trú tại trường thì chất lượng bảo đảm nhưng thầy cô rối ruột vì không có chuyên môn, đặt ở ngoài lại lo không bảo đảm an toàn thực phẩm và thiếu dinh dưỡng… Học sinh bán trú Trường tiểu học Quang Trung (TP Huế) ăn trưa năm học 2023-2024. Ảnh: Trường tiểu học Quang Trung Hiệu trưởng một trường vùng ven TP.HCM kể để lo bữa ăn bán trú cho học trò thì 5h sáng cô đã phải đến trường để giám sát các khâu nhận nguyên liệu, nấu ăn, chia phần ở bếp ăn nhà trường trước khi mở cửa đón học sinh. Mỗi lần nghe thông tin học sinh bị ngộ độc thực phẩm (ở nơi khác) là cả trường lo thon thót…Bữa ăn bán trú, nỗi lo của nhiều ngườiCác trường ở TP.HCM tổ chức bữa ăn bán trú theo hai cách: hoặc nấu trực tiếp tại trường hoặc đặt suất ăn từ các đơn vị bên ngoài (tức là nấu từ bên ngoài và mang đến các trường rồi chia cho học sinh ăn - còn gọi là suất ăn công nghiệp).Chị Ngô Thu Thủy, phụ huynh có ba con học tiểu học và trung học ở TP.HCM, cho rằng: bữa ăn bán trú nấu tại trường là lý tưởng nhất. Bếp ăn ở trường do ban giám hiệu quản lý từ khâu chọn thực phẩm, lên thực đơn, chế biến thức ăn ngay tại trường… Nấu xong, thức ăn được chia tại chỗ, học sinh được ăn nóng sốt ngay trong khuôn viên trường, không tốn thời gian vận chuyển. Đội ngũ nhân viên cấp dưỡng, bảo mẫu cũng do trường quản lý nên khá yên tâm. Ngoài ra, bếp ăn nấu tại trường còn bảo đảm số tiền ăn do phụ huynh đóng góp sẽ được tiêu hết cho bữa ăn học sinh.Nhưng với suất ăn công nghiệp, nhà trường khó quản lý được vì phải trừ chi phí, lợi nhuận của nhà cung cấp. Nếu cùng một mức thu tiền ăn thì không thể đòi hỏi suất ăn công nghiệp có chất lượng ngang bằng với suất ăn nấu trực tiếp tại trường.Nhưng một cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM cho biết không phải trường nào cũng có mặt bằng để tổ chức bếp ăn tại trường. Theo hiệu trưởng một trường tiểu học ở vùng ven TP.HCM, nhiều trường rất ngại tổ chức bếp ăn trong trường vì hiệu trưởng rất cực. Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm kiểm soát, đảm bảo thực phẩm và trách nhiệm trước cơ quan thẩm quyền về an toàn, dinh dưỡng bữa ăn bán trú của học sinh, đảm bảo không xảy ra tiêu cực. "Nhiệm vụ chính của chúng tôi là dạy và học đã rất vất vả rồi. Vì thế, nhiều lúc tôi cũng nghĩ: hay ngừng nấu ăn tại trường, đặt suất ăn công nghiệp cho nhàn. Nhưng nghĩ đến học sinh nên phải ráng".Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Cuối Tuần, số lượng trường nấu ăn tại chỗ cho học sinh bán trú trên địa bàn TP.HCM không nhiều, đa số là các trường mầm non. Càng lên các bậc học cao hơn, số lượng nhà trường tổ chức bếp ăn bán trú càng ít. Hiện nay, các trường mầm non trên địa bàn TP.HCM phục vụ ba bữa ăn trong ngày cho học sinh: sáng, trưa, xế. Từ bậc tiểu học trở lên thì chủ yếu chỉ phục vụ bữa trưa và bữa xế, rất ít trường phục vụ bữa sáng.Các trường THPT không tổ chức ăn trưa cho học sinh, chỉ có căng tin trường bán thức ăn trưa. Có trường lại chọn hình thức bán trú linh động, cho học sinh đăng ký ăn bán trú và ngủ bán trú riêng. Như học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa… có thể đăng ký ăn và ngủ bán trú; hoặc chỉ đăng ký ngủ bán trú rồi ra ngoài ăn trưa ở quán; hoặc chỉ đăng ký ngủ bán trú và mang cơm ở nhà đi để ăn trưa.Năm học mới 2024-2025, Hà Nội có gần 3.000 trường học, với gần 2,3 triệu học sinh các cấp. Trong số này có khoảng 2.000 trường tổ chức bán trú, phần lớn là trường mầm non, tiểu học với khoảng trên 1 triệu học sinh ăn bán trú tại trường. Thường học sinh có bữa trưa (bữa chính) và bữa xế (bữa phụ sau giờ nghỉ trưa). Một số trường tư, trường chất lượng cao tổ chức cho học sinh ăn sáng hoặc cung cấp đồ ăn sáng theo nhu cầu tại trường. Việc tổ chức bán trú của các trường chủ yếu dựa trên nhu cầu thực tế của cha mẹ học sinh (chỉ một số ít trường tư bắt buộc học sinh ở nội trú theo thỏa thuận từ khi nhập học).Suất ăn bán trú của học sinh ở Hà Nội được tổ chức theo ba cách: trường hợp đồng với công ty, tổ chức hoặc tư nhân để cung cấp suất ăn bán trú; hoặc trường hợp đồng với các công ty, tổ chức, cá nhân để nhận nguyên liệu, thực đơn và nấu ăn ở bên ngoài hoặc nấu tại bếp ăn của trường; hoặc trường tự nhập nguyên liệu, nhân viên của trường nấu ăn tại bếp ăn của trường. Đa số trường công lập của Hà Nội không có phòng ăn riêng mà học sinh ăn tại lớp. Số lượng học sinh ăn bán trú của một trường tại Hà Nội từ 400-500 học sinh đến khoảng 2.000 học sinh.Ở cấp mầm non, phần lớn trường học chọn hình thức trực tiếp chế biến tại bếp ăn của trường do nhân viên của trường đảm nhiệm, hoặc nhân viên của công ty đối tác đến nấu. Trong khi đó, số đông các trường cấp tiểu học, trung học chọn hình thức đặt suất ăn trọn gói.Các trường tự nấu ăn sẽ có nhiều công việc, quy trình phức tạp hơn. Thường 6h30 sáng, đại diện phía nhà trường gồm một lãnh đạo trực, nhân viên bán trú, nhân viên y tế, có thể có đại diện công đoàn trường, đôi khi có cả đại diện cha mẹ học sinh sẽ chứng kiến giao nhận thực phẩm. Việc giao nhận có biên bản, xác nhận đúng nguồn gốc thực phẩm như cam kết, số lượng, chủng loại. Thực phẩm được bảo quản theo quy trình ở tủ cấp đông trước khi chế biến. Các bếp ăn đều phải lưu mẫu thực phẩm, mẫu đồ ăn đã chế biến để truy nguyên nhân nếu xảy ra sự cố. Một số bếp ăn trường học có gắn camera để theo dõi. Theo yêu cầu của cơ quan y tế, các trường tự nấu ăn buộc phải có tủ cấp đông bảo quản thực phẩm, có tủ sấy bát đĩa và đảm bảo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm.Trong khi đó, các trường hợp đồng nhận cung ứng suất ăn từ bên ngoài vào thì công việc đơn giản hơn nhưng cũng có những bất lợi. Thứ nhất, giá suất ăn sẽ cao hơn so với việc nhà trường tự nấu ăn cho học sinh. Đã có nhiều trường hợp xảy ra ở Hà Nội, học sinh ăn không đủ no và không phù hợp với mức giá phụ huynh chi trả. Bên cạnh đó, các cơ sở cung cấp suất ăn không thực hiện nghiêm túc cam kết về cung ứng nguồn thực phẩm, rau sạch. Chỉ khi xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm thì việc này mới bị truy ngược lại.Tiềm ẩn rủi roHai vấn đề lớn nhất nổi lên trong thời gian qua liên quan tới bếp ăn bán trú là tình trạng ngộ độc thực phẩm và việc thiếu lượng dinh dưỡng phù hợp với thể trạng của học sinh với mức tiền chi cho suất ăn.Hằng năm, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với các cơ quan liên ngành kiểm tra các bếp ăn trường học và cơ sở cung cấp suất ăn cho nhà trường khoảng 1.000 lượt. Đoàn kiểm tra chỉ phát hiện một số vấn đề chưa đúng quy định, hầu hết là không lớn. Chỉ khi có sự cố xảy ra thì nhiều bất ổn thực sự mới hé lộ.Một số hiệu trưởng ở Hà Nội không muốn tổ chức bữa ăn bán trú vì quá nhiều phiền phức, rủi ro, lại trái chuyên môn của các nhà sư phạm. Mức thu bán trú cũng đang là một trong những "gánh nặng" của cha mẹ học sinh. Nhưng thực tế, nhu cầu của cha mẹ học sinh rất lớn nên trường không thể không tổ chức bữa ăn bán trú. Việc tổ chức bữa ăn bán trú trên tinh thần tự nguyện nên mức thu ở các trường cũng khác nhau và trở thành vấn đề khá đau đầu khi xác định ranh giới của lạm thu.Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm từ bữa ăn bán trú tại Hà Nội trong những năm gần đây cho thấy vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ở các trường tổ chức bán trú rất quan trọng. Việc ngộ độc có thể xuất hiện ở nhiều khâu: thực phẩm không tươi, sạch như cam kết, quy trình bảo quản, thiết bị bảo quản không đảm bảo dẫn tới đồ ăn bị ôi thiu, dụng cụ nấu, dụng cụ ăn không được sấy để ẩm mốc, côn trùng bò vào…Quy định mức thu với dịch vụ bán trúTháng 3-2023, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết quy định danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập (không bao gồm các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao). Theo đó, mức thu tiền ăn của học sinh là 20.000 đồng/ngày đối với bữa sáng, 35.000 đồng/ngày đối với bữa trưa. Dịch vụ chăm sóc bán trú 235.000 đồng/học sinh/tháng. Trang thiết bị bán trú 200.000 đồng/học sinh mầm non/năm và 133.000 đồng/học sinh tiểu học, THCS/năm. Dịch vụ học 2 buổi/ngày đối với cấp THCS là 235.000 đồng/học sinh/tháng. Tiền nước uống 16.000 đồng/học sinh/tháng…Ngoài ra còn có các quy định dịch vụ giáo dục ngoài giờ. Trong đó, chăm sóc trước và sau giờ học là 12.000 đồng/học sinh/giờ. Trông giữ trong ngày nghỉ là 96.000 đồng/học sinh/ngày. Dịch vụ đưa đón 10.000 đồng/học sinh/1km. Tiền ở của học sinh nội trú tại một số trường có khu nội trú là 400.000 đồng/tháng.Tuy nhiên, trong phiên họp của HĐND TP Hà Nội về việc này, một số đại biểu băn khoăn về mức tiền dịch vụ chăm sóc bán trú 235.000 đồng được sử dụng như thế nào, chi cho ai. Vì việc này chưa được nêu rõ, trong khi thực tế mỗi trường sẽ sử dụng một cách. Mặt khác quy định tiền ăn của học sinh, theo các đại biểu, có thể không hợp lý vì ở khu vực nội thành hay vùng nông thôn, chi phí cho bữa ăn cũng sẽ khác nhau. Việc thiếu chi tiết và quy định đảm bảo tính hợp lý và minh bạch có thể tạo kẽ hở cho tiêu cực và hơn thế ảnh hưởng đến quyền lợi học sinh và túi tiền của cha mẹ học sinh.Hiện nay, các chi phí cho hoạt động bán trú trong các nhà trường, bao gồm chi chí bữa ăn bán trú đều do phụ huynh chi trả. Các trường nếu có nguồn kinh phí được viện trợ, là quà tặng của tổ chức, cá nhân muốn sử dụng một phần cho việc tổ chức bán trú cũng phải đảm bảo quy định liên quan tới việc sử dụng nguồn tiền viện trợ, quà tặng hay quy định về xã hội hóa giáo dục.Bữa ăn của học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Trà Nam ở xã Trà Nam, Quảng Nam. Ảnh: L.T.Nghị quyết 05 năm 2022 của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế quy định mức thu các khoản dịch vụ, hỗ trợ hoạt động ngoài giáo dục và cả tiền của suất ăn bán trú. Theo đó, tiền bữa ăn bán trú (bao gồm bữa ăn trưa và ăn nhẹ, tiền chất đốt, gia vị...) từ 16.000 đến 30.000 đồng/em/ngày tùy từng vùng. Ông Nguyễn Tân, giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên Huế, cho biết số tiền này được sở cùng các chuyên gia dinh dưỡng khảo sát, đánh giá và thống nhất dựa trên giá cả thị trường, nhu cầu dinh dưỡng thực tế tại tỉnh. "Ở các vùng quê có giá thực phẩm, rau củ rẻ hơn thì chi phí bữa ăn bán trú sẽ thấp hơn so với học sinh các trường ở phố thị. Tuy nhiên sau khi khảo sát, đánh giá bởi các chuyên gia cho thấy để một bữa ăn có đủ dinh dưỡng cho các em thì giá tiền không thể thấp hơn con số 16.000 đồng", ông Tân nói.Ông Tân cũng cho biết hiện nay việc nấu nướng, chuẩn bị các bữa ăn bán trú ở các trường trên địa bàn đều do nhà trường thỏa thuận với lực lượng cấp dưỡng tại trường chứ chưa qua đấu thầu với một đơn vị ngoài nào. Hằng năm sở yêu cầu các phòng giáo dục phối hợp với lực lượng y tế địa phương thường xuyên kiểm tra, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bữa ăn bán trú ở trường học.Đối với các trường học ở vùng khó khăn, nếu được các nhà hảo tâm đề nghị hỗ trợ thêm vào suất ăn bán trú cho học sinh, sở sẵn sàng tạo điều kiện tuyệt đối để thực hiện. "Việc tiếp nhận tài trợ thì phải công khai, minh bạch thu chi, nhà trường phải đảm bảo tuyệt đối vệ sinh an toàn thực phẩm cho bữa ăn của các em theo quy định", ông Tân nói.Và những nỗ lựcBữa ăn bán trú dành cho học sinh hiện đang được coi là một dạng dịch vụ trong trường học. Trong đó, khoản tiền ăn được gọi là khoản thu hộ - chi hộ, do nhà trường thỏa thuận với phụ huynh.Tuy nhiên, chất lượng bữa ăn có tương xứng với khoản tiền phụ huynh đã đóng hay không hoàn toàn phụ thuộc vào cái tâm của người quản lý cơ sở giáo dục. Ở TP.HCM hiện nay nhiều trường đã và đang thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú.Gần 10 năm nay, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 không chỉ tổ chức nấu ăn tại trường mà còn mời phụ huynh đến giám sát bếp ăn và ăn trưa cùng con. Có thời điểm, ban đại diện cha mẹ học sinh trường này đến trường từ 5h30 sáng để tận mắt chứng kiến khâu tiếp phẩm, chế biến, chia thức ăn rồi ăn trưa cùng con để đánh giá chất lượng bữa ăn. Chị Nguyễn Phương Thảo, có hai con học ở Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhận xét: "Không chỉ vào giám sát và ăn trưa cùng con, chúng tôi còn theo dõi thực đơn và góp ý với nhà trường nếu thấy chưa phù hợp. Con lớn của tôi năm nay lên lớp 6, bé vẫn nhớ những bữa ăn trưa ngon miệng ở trường tiểu học. Không những thế, có bếp ăn nấu tại trường rất thuận tiện. Suốt năm năm học tiểu học, con tôi và các bạn cứ báo với cô bảo mẫu "hôm nay con mệt hay con không khỏe" là được ăn cháo thịt".Từ năm học 2023-2024 Trường THCS Minh Đức, quận 1 tiến hành xây dựng cơ sở mới nên không thể nấu tại trường mà đặt suất ăn công nghiệp. Để phụ huynh yên tâm, nhà trường để phụ huynh tham quan bếp ăn công nghiệp và cùng ăn cơm với con tại trường. "Mỗi tháng một lần chúng tôi cho học sinh đánh giá chất lượng bữa ăn trong tháng đó. Các em sẽ đánh giá theo bốn mức: rất ngon, ngon, không ngon, dở tệ. Sau đó trường sẽ tổng hợp và yêu cầu đơn vị cung cấp suất ăn điều chỉnh. Năm học 2024-2025, nhà trường sẽ tiếp tục thực hiện hình thức này" - bà Trần Thúy An, hiệu trưởng Trường Minh Đức, cho biết.Sở GD-ĐT TP.HCM đã ban hành văn bản yêu cầu các nhà trường tạo điều kiện cho phụ huynh tham gia giám sát bữa ăn bán trú: "Có trường cho phụ huynh cùng đi thực tế để chọn đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp. Việc cho phụ huynh góp ý, giám sát… sẽ giúp bữa ăn bán trú đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và dinh dưỡng hợp lý", một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết. ■ Tags: Trường tiểu họcHọc sinh bị ngộ độcNgộ độc thực phẩmBữa ăn bán trú
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.