Chiều muộn một ngày đầu năm mới 2024, chúng tôi đến Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý, huyện vùng cao Mường Lát khi bếp của nhà trường đã thơm mùi cơm trắng, thức ăn.
Cận cảnh bữa ăn bán trú 12.000 đồng của học sinh vùng cao Thanh Hóa
Sau giờ học, chơi thể thao, 441 học sinh ở bán trú của trường chia thành hai ca xuống nhà ăn. Bàn ghế sạch sẽ, khay cơm, thức ăn nóng hổi đã được học sinh của trường bày lên bàn để ăn tối. Đây là trường có số học sinh ăn, ở bán trú đông nhất của huyện Mường Lát.
Bữa cơm tối gồm có món thịt lợn kho, rau bắp cải xào, canh bắp cải, cơm trắng. Các em lần lượt vào bàn ăn dùng bữa tối ngon lành.
Em Hà Thị Anh Thư (học sinh lớp 7A Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý, quê ở bản Pá Quăn, xã Trung Lý) nhoẻn miệng cười khi chúng tôi hỏi về bữa cơm bán trú.
"Em ăn ở bán trú từ năm học lớp 6. Trong tuần, em được ăn các món như thịt lợn, thịt gà, cá, đậu phụ, trứng (tùy từng bữa), rau củ quả, cơm trắng. Bữa cơm ở khu bán trú được các cô nhà bếp nấu nóng sốt, ngon như đồ ăn mẹ nấu ở nhà nên chúng em ăn no cái bụng", Anh Thư tâm sự.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, nguồn thực phẩm phục vụ bếp ăn bán trú cho học sinh được Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý ký hợp đồng nhập từ nhà cung cấp có đủ hồ sơ pháp lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý.
Vì phần lớn học sinh của trường nhà ở xa, cách trường từ 10 - 50km nên các em ở bán trú suốt cả tháng của năm học. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ tiền ăn của Nhà nước là 720.000 đồng/học sinh bán trú/tháng theo nghị định 116, nhà trường phục vụ nấu ăn cho học sinh trong cả tháng, với mỗi suất ăn bữa chính là 12.000 đồng, trong đó 10.000 là tiền mua thực phẩm, rau củ quả; còn 2.000 đồng là tiền gas, điện, gia vị, nước rửa bát, lau sàn.
Với số kinh phí nêu trên, nhà trường đã thỏa thuận với phụ huynh học sinh chỉ nấu ăn hai bữa chính trong ngày để lượng thực phẩm trong bữa ăn được đảm bảo. Còn bữa sáng phụ huynh tự lo cho con em.
Đối với 4 nhân viên nấu ăn cho học sinh, nhà trường chi trả mỗi tháng 3 triệu đồng/người từ nguồn kinh phí hỗ trợ của UBND tỉnh Thanh Hóa.
Hằng ngày, thầy giáo trong ban giám hiệu nhà trường đều có mặt tại nhà ăn bán trú để giám sát nguồn thực phẩm, khâu chế biến, nấu ăn, thăm dò ý kiến học sinh về bữa ăn và động viên các em ăn hết suất cơm của mình.
Trong tháng, nhà trường công khai với phụ huynh số ngày ăn cơm bán trú của học sinh. Học sinh nào không ăn đủ 30 ngày trong tháng, nhà trường sẽ trả lại tiền ăn cho phụ huynh công khai, minh bạch.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, thầy giáo Nguyễn Duy Thủy - hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Lý - cho biết để nấu cho các em học sinh ở bán trú được bữa cơm ngon, no bụng, đảm bảo sức khỏe để các em học tập, tập thể ban giám hiệu phải đề cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, công khai, minh bạch nguồn kinh phí tiền ăn bán trú và xem học sinh như con của mình.
"Bên cạnh đó, nhà trường ký hợp đồng với đơn vị cung cấp thực phẩm có uy tín, giá cả cạnh tranh, hợp lý để lượng thực phẩm trong mỗi bữa ăn của học sinh đảm bảo cho từng suất ăn. Kinh phí của Nhà nước hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú phải được chi đúng, chi đủ cho bữa cơm hằng ngày của các em, để phát huy hiệu quả kinh phí của Nhà nước" - ông Nguyễn Duy Thủy cho biết thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận