Nhắc nhở trẻ bỏ thói quen bú tay bằng cách quấn băng quanh ngón cái. Ảnh: pinterest.co.uk
Như nhiều bậc cha mẹ khác, bạn cũng sẽ quan tâm về thói quen mút ngón tay cái, bú ngón tay hoặc núm vú giả của con cái mình. Có thể bạn thắc mắc rằng thói quen này có hại gì không. Ở tuổi nào thì nên bỏ và điều gì sẽ xảy ra nếu con bạn không dừng thói quen này lại?
Vì sao trẻ bú tay hay núm vú giả?
Bạn có thể yên tâm rằng bú là một trong những phản xạ tự nhiên của trẻ sơ sinh. Chúng bắt đầu bú ngón cái hoặc những ngón tay khác từ khi chúng còn ở trong lòng mẹ. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể bú ngón cái, những ngón tay khác, núm vú giả hoặc các vật khác. Điều đó làm trẻ cảm thấy an toàn và thoải mái, và còn giúp trẻ tìm hiểu về thế giới riêng của chúng.
Việc đặt ngón cái hoặc một ngón tay khác vào miệng mang đến cho một số trẻ cảm giác an toàn trong những giai đoạn khó khăn. Chẳng hạn khi trẻ bị tách rời với bố mẹ, bị những người xa lạ bao quanh hoặc ở trong một môi trường không quen thuộc. Do việc bú ngón tay tạo sự thư giãn, nó cũng giúp trẻ dễ ngủ hơn. Vì lý do này, trẻ nhỏ hay bú ngón cái của chúng vào buổi tối hoặc vào những khi trẻ cảm thấy mệt mỏi.
Tuy nhiên, thói quen bú ngón tay kéo dài có thể dẫn đến một số vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của miệng và sự sắp xếp của răng. Nó cũng có thể gây ra những thay đổi trên vòm miệng của trẻ.
Những trẻ nào chỉ để ngón cái thụ động trong miệng gặp ít vấn đề hơn những trẻ có thói quen mút mạnh ngón cái. Khi một đứa trẻ bú chủ động mà lấy ngón cái ra khỏi miệng chúng, ta thường nghe thấy âm thanh như tiếng bộp bộp. Những trẻ bú ngón cái nhiều có thể có bất thường ở bộ răng sữa của chúng.
Trẻ bỏ thói quen này như thế nào?
Về cơ bản, dùng núm vú giả cũng có thể ảnh hưởng đến răng của trẻ giống như thói quen bú ngón tay. Tuy nhiên, thói quen dùng núm vú giả thường dễ bỏ hơn. Nếu bạn đưa cho trẻ một cái núm vú giả, hãy rửa sạch sẽ. Đừng bao giờ ngâm núm vú với đường, mật ong hay những chất ngọt khác trước khi đưa cho trẻ.
Hầu hết trẻ con tự bỏ thói quen bú ngón tay trong khoảng từ 2-4 tuổi. Hành vi này giảm dần dần trong suốt khoảng thời gian đó khi trẻ ít ngủ hơn, và thức nhiều hơn để khám phá thế giới xung quanh. Áp lực giống bạn bè khi trẻ ở độ tuổi đến trường cũng giúp nhiều cho việc ngừng thói quen cho ngón tay vào miệng.
Nếu trẻ không thể tự bỏ, cha mẹ nên ngưng khuyến khích thói quen này sau 4 tuổi. Tuy nhiên, áp lực quá mức để dừng thói quen này thường có hại nhiều hơn là có lợi.
Những điều cần lưu ý
- Thay vì trách mắng trẻ khi chúng bú ngón tay, hãy khen ngợi khi trẻ không làm vậy.
- Trẻ thường bú ngón tay khi cảm thấy bất an. Hãy chú ý đến việc giải quyết nguyên nhân gây ra sự lo lắng và làm trẻ thấy thoải mái.
- Hãy thưởng cho trẻ nếu trẻ tránh bú ngón tay khi phải trải qua một giai đoạn khó khăn. Như trong trường hợp bị tách khỏi người thân trong gia đình.
- Nha sĩ cũng có thể động viên trẻ ngừng thói quen bú ngón tay và giải thích điều gì sẽ xảy ra với răng của trẻ nếu tiếp tục duy trì thói quen đó.
Nếu những phương pháp trên không hiệu quả. Hãy nhắc nhở trẻ để bỏ thói quen bằng cách quấn băng quanh ngón cái hoặc mang vớ vào tay trẻ lúc ban đêm. Nếu thói quen bú ngón tay vẫn tiếp tục, hãy thảo luận với nha sĩ hoặc bác sĩ nhi khoa của trẻ. Những chuyên gia ấy có thể chỉ định một khí cụ hoặc một liệu pháp giúp trẻ ngăn ngừa thói quen bú ngón tay./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận