Nhà máy lọc dầu Dung Quất - công trình trọng điểm quốc gia, biểu tượng của giai cấp công nhân thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh - Ảnh: BSR
Ngày 31-5-1997, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã ban hành Quyết định thành lập Ban quản lý Nhà máy lọc dầu số 1 trực thuộc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN).
Trải qua 25 năm, ngày 31-5 trở thành ngày truyền thống của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) với vai trò như một cánh chim đầu đàn, dẫn dắt, phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam vươn tầm khu vực.
Từ thời điểm đón dòng sản phẩm đầu tiên đến nay, BSR đã sản xuất và tiêu thụ là 79,59 triệu tấn và 79,29 triệu tấn sản phẩm các loại. Tổng doanh thu đạt trên 1,29 triệu tỉ đồng, nộp ngân sách Nhà nước đạt trên 187.800 tỉ đồng, (hơn 8,05 tỉ USD); gấp 2,68 lần tổng mức đầu tư dự án.
Thỏi nam châm thu hút đầu tư
Các chỉ số sản xuất kinh doanh chính đều vượt kế hoạch khi sản xuất và tiêu thụ của BSR lần lượt đạt 2,84 triệu tấn và 2,75 triệu tấn sản phẩm, đạt lần lượt 44% và 42% kế hoạch năm.
Đến tháng 5, doanh thu của BSR đạt trên 65.840 tỉ đồng, đạt 72% kế hoạch năm; nộp ngân sách Nhà nước đạt 7.290 tỉ đồng, đạt 73% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế ước đạt 6.764 tỉ đồng, vượt xa kế hoạch được giao.
Nhờ kết quả tích cực, Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất đã đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Quảng Ngãi. Đây được coi là "thỏi nam châm" để thu hút đầu tư, cũng như là "bản lề" thay đổi cơ cấu kinh tế Quảng Ngãi từ một tỉnh thuần nông sang một tỉnh phát triển công nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Hội - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT BSR - nhấn mạnh kết quả đạt được của nhà máy là minh chứng cho chủ trương đúng đắn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, góp phần gia tăng nộp ngân sách cho đất nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và cung cấp nhiên liệu cho quốc phòng, tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp, dịch vụ và cấu kinh tế cho miền Trung.
Nhân sự BSR đã hoàn toàn làm chủ công nghệ lọc hóa dầu - Ảnh: BSR
Thúc đẩy lao động sáng tạo
Những kết quả có được, theo lãnh đạo BSR là sự đầu tư, nghiên cứu và lao động sáng tạo. Điển hình là cụm công trình "Các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ tối ưu hóa quá trình sản xuất của Nhà máy lọc hóa dầu Qung Quất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của BSR" được thực hiện từ 2015 - 2019".
Cụm công trình này được Chủ tịch Nước ký quyết định tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ vì đã có cụm công trình xuất sắc về khoa học và công nghệ, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Thực tế cho thấy qua phong trào lao động sáng tạo, rất nhiều các đề tài nghiên cứu khoa học, công trình nghiên cứu đã được khen thưởng các cấp, cùng các sáng kiến, KAIZEN được BSR công nhận hàng quý, hàng năm.
Ngày 15-5-2022 vừa qua, BSR đã được vinh danh trong Top 10 Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ xuất sắc hàng đầu do Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức.
Những kết quả đạt được về khoa học, sáng tạo hàng năm của BSR đã chứng minh cho sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ kỹ sư, công nhân có trình độ chuyên môn cao, tự làm chủ hoàn toàn công nghệ nhà máy lọc dầu đầu tiên ở Việt Nam, khai thác được tối đa dư địa thiết kế ban đầu của nhà máy.
Ngoài việc đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, một trong những điều tự hào nhất của BSR là đào tạo ra một thế hệ chuyên gia, nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam.
Tại nhà máy, để một công nhân có thể thực hiện công việc vặn một cái van trong nhà máy lọc dầu, phải được đào tạo ít nhất 2-3 năm. Một kỹ sư ngồi ở phòng điều khiển trung tâm tham gia quá trình vận hành nhà máy cũng cần có 4-6 năm học và thực hành.
Cùng với quá trình vận hành, các kỹ sư nhà máy chú trọng nghiên cứu, phân tích đánh giá các điểm ảnh hưởng đến cơ cấu sản phẩm từ đó xây dựng quy trình tính toán tối ưu kế hoạch vận hành.
Nhiều công trình nghiên cứu để tự chủ
Năm 2012, Hội đồng thành viên BSR (thời điểm chưa cổ phần hóa) đã có Nghị quyết phê duyệt dự án tuyển chọn và đào tạo đội ngũ chuyên gia của BSR. Với mục tiêu tuyển chọn và đào tạo đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm và có khả năng dự báo, xử lý sự cố để dần thay thế, giảm phụ thuộc vào các chuyên gia nước ngoài và tiết kiệm chi phí. Đến thời điểm hiện tại, có 12 nhân sự người Việt tại BSR đã được công nhận là chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực lọc hó dầu.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, chỉ còn 10 chuyên gia nước ngoài làm việc tại nhà máy so với trước đây là hơn 200 chuyên gia. Ông Hội cho rằng, với khát vọng phụng sự Tổ quốc, phát huy trí tuệ Việt Nam, BSR luôn chú trọng đến việc đào tạo nhân sự, làm giàu chất xám, nên đến nay những công việc của chuyên gia nước ngoài đã thay thế bằng nhân sự Việt Nam.
"Đến thời điểm này, tôi có thể tự hào tuyên bố là chúng ta đã từng bước làm chủ được công nghệ lọc hóa dầu. Khi đã làm chủ công nghệ, nhân sự đạt trình độ cao, tôi tin là khát vọng phát triển ngành lọc hóa dầu Việt Nam mạnh mẽ hơn không phải chuyện xa xôi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận