TTCT - Nhu cầu thoát khỏi sự chi phối của Mỹ và đồng đô la đã dẫn tới sự ra đời và lớn mạnh của BRICS. Ảnh: Financial TimesTrong thập niên 1980-1990, nạn dịch HIV hoành hành trên thế giới. Thuốc kháng virus (ARV) xuất hiện và được Brazil phân phát miễn phí cho bệnh nhân để chữa chạy khá hữu hiệu. Thuốc được sản xuất tại Brazil dễ dàng và rất rẻ, cũng như tại Nam Phi và tại Ấn Độ. Tuy nhiên, việc sản xuất này gặp phải vấn đề sở hữu trí tuệ, bị Hoa Kỳ phản đối và gây khó dễ tại WTO (Tổ chức Thương mại thế giới).Nói ví von, ba nước nói trên có khả năng làm túi Louis Vuitton chất lượng tốt với giá 1/10 để bỏ thỏi son Louboutin (giả) vào và đeo đi dạo phố. Nhưng làm vậy là xâm phạm sở hữu của nhà Vuitton và Louboutin! Khác biệt ở đây là không tô son hay mang túi đầm hàng hiệu thì không chết ai - các cô các bà sẽ vẫn sống phây phây để thỉnh thoảng mà day diết. Trong khi điều trị SIDA bằng thuốc hàng hiệu Viread hiện tốn 1.400 USD/tháng, cũng thuốc đó nhưng không có nhãn thì giá 110 USD. Khác biệt này không chỉ là 1.300 USD, mà là giữa sống và chết của con bệnh ở châu Phi và Brazil.Tìm cách tránh trừng phạt và ngăn cản bởi WTO và Hoa Kỳ khiến các nước trên gần lại với nhau để trao đổi trực tiếp. Đây là gốc rễ của sự thành lập nhóm BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc (2009) và Nam Phi (2010). Khối này tìm cách vận hành kinh tế bên ngoài kiểm soát của Hoa Kỳ và các đồng minh Tây phương (như G7). Đây không phải là khối quân sự như NATO, và về mặt ý thức hệ hay tổ chức chính trị rất đa dạng. Nó cũng không phải là khối địa lý như ASEAN, EU, mà đa khu vực và có mặt trên bốn lục địa. Khối này về mặt kinh tế là những quốc gia có trọng lượng trên thế giới.Đồng tiền đi trướcViệc thương mại trên thế giới giữa các quốc gia phải qua ải của một đơn vị tiền tệ quốc tế là đồng USD. Bạn trồng lúa ở Việt Nam và xuất sang Ghana, Ghana lấy tiền gì để trả cho bạn? Được mùa, bạn sắm một cái iPhone từ Trung Quốc, bạn nhập iPhone bằng tiền gì? Bằng USD hết. Trong trao đổi này thì Hoa Kỳ làm gì? Họ không ráp iPhone và không rắc phân bón hay kéo cày gì cả. Họ ngồi đó nhìn đồng USD chạy qua chạy lại thôi, cảm ơn nhe, và vậy là họ đã đủ sống (dư dật) qua ngày.Năm 1944, Hoa Kỳ trở thành cường quốc số 1 thế giới sau khi châu Âu choảng nhau chết dở, chết thật và tan hoang. Đồng bảng Anh của đế quốc siêu cường thế kỷ thứ 19 đã mất vị trí đó trong Thế chiến I khi phải giành giật với Đức quốc. Tại Bretton Woods (Mỹ) vào tháng 7-1944, 44 quốc gia đồng minh (trừ Liên Xô rốt cuộc đổi ý) cùng ký kết vào hiệp ước tài chính đưa đồng USD lên ngôi tuyệt đối.Ảnh: Foreign PolicyHối đoái tiền tệ các nước sẽ dựa vào USD, tức là do Hoa Kỳ kiểm soát. Các nước đồng minh tuy chiến thắng nhưng lúc đó kiệt quệ và nợ Mỹ ngập đầu. Mỹ kiểm soát và trữ 2/3 số vàng trên thế giới vì Anh và Pháp sợ bị Đức cướp nên gửi sang nhờ Mỹ giữ. Vì vậy Hoa Kỳ quyết định hối đoái USD dựa trên giá 35 USD cho 1 lạng tây (ounce) vàng. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) được thành lập làm công cụ hỗ trợ và cho vay mượn.Bộ trưởng Tài chính (sau làm tổng thống) Pháp Giscard d'Estaing trong thập niên 1960 đã gọi đây là "đặc quyền quá đáng". Nó cho phép Mỹ in tiền ra vui vẻ để xài chơi và chỉ tốn có tiền giấy và mực, trong khi các nước khác muốn có được 100 USD thì phải đổi bằng hàng, 100 ký gạo hay năm cái đồng hồ chẳng hạn. Cái gì cũng mua bán bằng USD, nên Mỹ muốn mua gì cũng không bao giờ thiếu… USD. Pháp bèn gửi tàu sang Mỹ đòi lại vàng của họ ký gửi và mang dự trữ USD của Ngân hàng Quốc gia Pháp ra đòi đổi lấy vàng theo giá quy định bởi Hoa Kỳ là 35 USD/lạng tây. Mỹ đâm ra bối rối vì số vàng dự trữ của họ chỉ đủ bảo đảm cho 25% số USD đang lưu hành!Nói cách khác, Mỹ tiêu 4 nhưng chỉ có 1 để bảo đảm, mà trong 1 đó lại gồm cả vàng của các nước khác ký thác! Cho nên ngày 15-8-1971, Tổng thống Nixon tuyên bố đồng USD được tự do như là Nữ thần (Nữ thần Tự do, quà của Pháp), từ nay không phải lệ thuộc vào vàng nữa và được thả nổi. Bằng quyết định đó, Hoa Kỳ đơn phương hủy chế độ Bretton Woods do chính họ bày ra.Đến đô la dầu mỏPhát triển của Tây phương trong thời kỳ hậu chiến cho thấy có một mặt hàng còn có giá và thiết thực hơn vàng. Không có nó thì xe con không chạy, nhà máy không có điện, và nhà thường không có đèn dầu mà thắp, bởi muốn thắp đèn dầu thì phải có… dầu. Dầu khí là mặt hàng chiến lược và trọng yếu. Lúc bấy giờ, tuy được gọi là "vàng đen", nhưng thật ra nó rẻ như là văn chương hạ giới, tức rẻ như bèo. Chính giá rẻ này mới sanh ra cái gọi là "lối sống Mỹ" như ta biết.Mà muốn mua dầu khí thì phải trả bằng tiền gì? Bằng USD chứ bằng gì, nên từ đó có từ "đô la dầu khí" (petrodollar). Các nước sản xuất Trung Đông, Ả Rập và Iran trước đây hoàn toàn nằm trong kiểm soát của Hoa Kỳ. Năm 1979, Iran lật đổ quân chủ thân Mỹ (cho đến giờ vẫn là niềm đau nhức nhối). Iraq thời Saddam và Libya thời Gaddafi được giải quyết gọn ghẽ (hay chẳng gọn ghẽ mấy) một phần cũng vì họ có ý tìm cách bán dầu ngoài tiền USD.Iran bị trừng phạt ngay lập tức, bằng vây hãm và cấm vận, gây khó khăn buôn bán và trao đổi bằng đồng USD. Giàu tài nguyên và ở vị trí đắc địa tại Trung Đông, Iran còn cách này cách kia xoay trở được. Nhưng một nước ở khu vực Mỹ kiểm soát tứ phía như Venezuela thì tắt thở. Venezuela nhiều dầu hỏa nhưng không bán được và cũng không mua gì được. Không có tiền USD khiến đồng bolivar hai bận phải đổi mệnh giá. Đầu năm 2018, 1 USD bằng 10 bolivar. Sau hai lần đổi tiền, hiện nay 1 USD bằng 3.222 bolivar mới, tức 322.000 tỉ bolivar cũ! Đó là cái giá chống lại đồng USD khi ta ở Nam Mỹ mà lại có nhiều dầu hỏa.Ảnh: CGTNNói đến bạc tỉ, Mỹ hiện có 30.000 tỉ USD công khố phiếu, tức nợ của chính quyền Hoa Kỳ. Họ lấy tờ giấy đề chẳng hạn 1 triệu USD lên trên và ký tên đưa cho bạn. Bạn đưa lại 1 triệu USD cũng do họ in ra, nhưng 1 triệu đó bạn có được là nhờ bán 400 tấn lúa hay 7.000 màn hình, 15.000 thùng dầu hỏa... Mỹ thì chỉ cần ký lên một tờ giấy. Phân lời tiền nợ này chính quyền Mỹ trả bao nhiêu? Công phiếu 10 năm vào 1981 là 16%, năm 2018 là dưới 2% và hiện là trên 4%, nghĩa là trong 40 năm, nước Mỹ được thế giới cho vay 30.000 tỉ USD với giá rất rẻ.Ngoài ra, số tiền gọi là "nợ kín" hay "nợ không nhìn thấy" của đồng USD được ước tính là 65.000 tỉ USD. Nợ kín là gì? Năm 2022, Hoa Kỳ mua vào lượng hàng trị giá 3.300 ngàn tỉ USD và bán hàng ra 2.100 tỉ, tức cán cân thương mại Mỹ hao hụt 1.200 tỉ, và họ bù đắp bằng cách... in thêm USD ra thôi. In tiền thêm, ai cũng hiểu là sẽ gây lạm phát, nhưng vì USD là tiền của cả thế giới, nên chịu lạm phát cũng là... cả thế giới.Trao đổi quốc tế bất cứ thứ gì và bất cứ ở đâu đến giờ là bằng đồng USD. Thời nó được bảo đảm bằng vàng giờ đã qua. Hiện nó chủ yếu được bảo đảm bằng niềm tin, cho nên niềm tin rất cần thiết. Trong mọi quan hệ, ai cũng biết mất niềm tin là không còn gì hết. Vì thế, Hoa Kỳ lúc nào cũng phải chăm sóc niềm tin tuyệt đối. Ngoài niềm tin vô giá ra, trao đổi bằng đồng USD được bảo vệ thiết thực bằng nhu yếu phẩm dầu khí. Không có USD không mua được dầu. Có dầu mà không có USD thì cũng khốn đốn như Venezuela hay Iran. Đó là chưa nói bị đánh thẳng luôn như Libya hay Iraq. Đó là chưa kể khó có cách nào khác để giao dịch ngoài hệ thống sẵn có hiện do Tây phương kiểm soát và điều hành, như hệ chuyển ngân SWIFT.■ Ngày 24-8 vừa rồi, Thượng đỉnh BRICS tại Nam Phi cho biết nhận thêm 6 thành viên mới là Argentina, Iran, Ethiopia, Saudi, UAE và Ai Cập. 3 nước sau vốn là bạn chí thiết của Mỹ và kẻ thù không đội trời chung của Iran. UAE đã bắt đầu bán dầu cho Ấn Độ dùng tiền rupee và Saudi bán dầu cho Trung Quốc lấy nhân dân tệ. Khối BRICS 11 quốc gia này sản xuất 40% và tiêu thụ 30% dầu khí thế giới. Nay trong nội bộ họ hướng đến trao đổi cho nhau thẳng không cần qua USD nữa.Để bắt đầu cạnh tranh với IMF và WB, Ngân hàng Phát triển BRICS được thành lập với vốn 100 tỉ USD. Dĩ nhiên việc gì cũng cần thời gian. Vua USD năm 2000 chiếm 71% dự trữ ngoại tệ của các ngân hàng trung ương thế giới. Năm 2020 con số này đã xuống mức 60% và sẽ còn xuống nữa khi các ngân hàng trung ương đang bán bớt dự trữ USD và công khố phiếu Hoa Kỳ. Họ mua gì thay thế? Nếu 2021, họ mua 405 tấn vàng, thì năm 2022 là 1.078 tấn, vì nó chắc bụng hơn là giữ USD hay công khố phiếu Hoa Kỳ. Tags: 1 triệu USDDự trữ ngoại tệNgân hàng Trung ươngNữ thần Tự doNgân hàng Thế giớiQuỹ Tiền tệ Quốc tếĐồng Bảng AnhTổ chức Thương mại thế giớiBRICSĐơn vị tiền tệSố 1 thế giớiThế chiến ITổng thống NixonNgân hàng quốc giaCán cân thương mạiNhân dân tệ
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Bài ca không quên lần đầu tiên biểu diễn ngoài trời, đường đi bộ Nguyễn Huệ rực cờ hoa HOÀI PHƯƠNG 22/12/2024 Nhiều ca sĩ như Cẩm Vân, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng, Phan Mạnh Quỳnh... góp giọng trong chương trình nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Mừng Giáng sinh tưng bừng, trung tâm TP.HCM đông nghịt người đến khuya NHẬT XUÂN 22/12/2024 Trong không khí se lạnh, nhiều người dân TP.HCM tranh thủ cuối tuần để tận hưởng không khí Giáng sinh tại các điểm vui chơi khu vực trung tâm thành phố.
Bournemouth nhấn chìm Man United ngay tại Old Trafford HOÀI DƯ 22/12/2024 Khuya 22-12, Man United tiếp tục chuỗi trận bất ổn khi để thua đậm Bournemouth 0-3 ngay trên sân nhà ở vòng 17 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).
Huế, Hà Nội lọt top 50 thành phố ẩm thực năm 2024 của TasteAtlas, TP.HCM 'rớt' đáng tiếc TÔ CƯỜNG 22/12/2024 Chuyên trang ẩm thực TasteAtlas vừa chốt danh sách 50 thành phố ẩm thực đáng trải nghiệm nhất thế giới, Việt Nam có đến hai địa danh lọt vào top.