09/07/2016 09:10 GMT+7

Brexit nhìn từ Nga và Mỹ

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TTO - Có ý kiến cho rằng Nga hưởng lợi nhờ Brexit vì giờ đây “liên minh cấm vận” phương Tây đã mất đi sự gắn kết. Sự thật có phải như vậy?

Tổng thống Obama ủng hộ Anh ở lại, còn tỉ phú Trump cho rằng Anh nên rời đi - Ảnh: AFP
Tổng thống Obama ủng hộ Anh ở lại, còn tỉ phú Trump cho rằng Anh nên rời đi - Ảnh: AFP

“Ai nghĩ rằng Anh rời EU sẽ khiến Mỹ mất đi ảnh hưởng tại đây là lầm to. Nhưng sự hiện diện của Anh tại EU là thiết yếu trong chính sách của Mỹ. Đó là sự đảm bảo để EU không bao giờ chống đối lại Mỹ

Giáo sư JACQUES SAPIR

Trước thềm cuộc bỏ phiếu Brexit, phe vận động Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU) từng đưa ra một luận điểm gây tranh cãi nhưng cũng khá thú vị: điện Kremlin đang bí mật ủng hộ Brexit nhằm làm suy yếu EU (!).

Thủ tướng Anh David Cameron cũng từng bóng gió rằng Tổng thống Vladimir Putin “sẽ hạnh phúc” nếu Anh rời EU.

Không rõ ông Putin có thật sự “hạnh phúc” không nhưng một ngày sau khi trưng cầu ý dân có kết quả, tổng thống Nga có đề cập đến “những điểm sáng và tối” của Brexit. Ông không nói rõ “điểm sáng” là gì, mà chỉ tập trung vào ảnh hưởng của Brexit đối với thị trường tài chính.

“Có một chút cám dỗ”

Dạo một vòng trên các diễn đàn và mạng xã hội ở Nga có khá nhiều người “ăn mừng” Brexit, hài hước một chút kiểu người Nga thì “con bò nhà hàng xóm chết, vậy mà thấy vui!”. Đến các quan chức ở Matxcơva cũng phải thừa nhận bản thân có chút “dậy sóng” vì kết quả Anh phải rời EU.

“Nếu xét mối quan hệ khó khăn giữa chúng tôi và EU, rõ ràng có chút cám dỗ muốn cảm thấy hả hê vì vận rủi của EU” - ông Konstantin Kosachev, chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Nga, bày tỏ.

Thị trưởng Matxcơva Sergei Sobyanin còn lạc quan hơn: “Không có Anh trong khối EU, sẽ không còn ai nhiệt tình ủng hộ cấm vận chống lại chúng tôi”.

Viết trên tờ Moskovsky Komsomolets, nhà phân tích chính trị Alexei Mukhin nhận xét:

“Trong tất cả thành viên EU, Anh là nước có thái độ hung hăng nhất đối với Nga. Họ luôn chỉ trích chúng tôi và cố gây ra những tổn hại về kinh tế - tài chính và chính trị. Brexit sẽ khiến EU thân thiện hơn với Nga”.

Ngày đẹp trời cho quan hệ Nga - EU có lẽ còn khá lâu mới đến nhưng theo ông Michael McFaul - cựu đại sứ Mỹ tại Nga, ít nhất ông Putin có thể hi vọng áp lực từ Brussels sẽ giảm đi phần nào nếu không có Anh.

“Ông Putin tất nhiên không phải là lý do đằng sau cuộc trưng cầu ý dân, nhưng ông ấy và những mục tiêu đối ngoại của mình thắng lợi đáng kể nhờ Brexit - ông McFaul đánh giá - Hơn hết, những chỉ trích cơ bản nhất đối với sự hung hăng của Nga ở châu Âu sẽ không còn tiếng nói tại Brussels”.

Nếu đúng như ông McFaul dự đoán thì đây là vận may chính trị của ông Putin. Trước đó, một số nhân vật hàng đầu của phong trào Brexit, bao gồm cựu thị trưởng London Boris Johnson, từng kêu gọi Anh nên hợp tác nhiều hơn với Nga trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria.

“Không phải cứ cái gì tốt cho ông Putin thì tự nhiên là xấu cho phương Tây” - ông Johnson kết luận.

Ngoài ý kiến của thị trưởng Matxcơva Sobyanin, cựu đại sứ McFaul liệt kê thêm một số thuận lợi cho Nga sau khi Anh ra đi:

(1) Các chính khách ủng hộ ông Putin và chống EU, tiêu biểu là Mặt trận dân tộc Pháp của bà Marine Le Pen, sẽ mạnh mẽ hơn;

(2) Nghi ngờ về khả năng gia nhập EU sẽ làm suy yếu các đối thủ của ông Putin ở Ukraine;

(3) Tiếng nói của Anh sẽ yếu hơn trên các diễn đàn đa phương, đó là chưa kể đến khả năng Scotland và Bắc Ireland đòi tách khỏi Anh.

Bình luận trên tạp chí Forbes phiên bản Nga, cây bút Gleb Kuznetsov cho rằng vẫn còn quá sớm để người Nga lạc quan... tếu. Brexit không diễn ra ngay, quá trình thương lượng và các thủ tục rườm rà sẽ mất ít nhất hai năm nếu căn cứ theo Hiệp ước Lisbon (điều 50).

“Nga sẽ ra sao trong hai năm nữa? Không ai biết được. Bởi vậy khá lạ lùng khi nghe những bàn luận về hiệu ứng Brexit đối với kinh tế Nga (vào thời điểm này) - ông Kuznetsov đặt vấn đề - Để đánh giá chính xác cần phải biết nền kinh tế Nga sẽ ra sao trong hai năm tới, hay thậm chí là năm năm”.

Mỹ lo nhiều hơn

Ngày 22-4, trong một lần thăm viếng London, đích thân Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng kêu gọi người dân Anh đừng rời bỏ EU.

Theo giáo sư Jacques Sapir - giám đốc nghiên cứu của Trường Nghiên cứu cao cấp khoa học xã hội ở Paris, thoạt nhìn đây là chuyện bất thường khi một lãnh đạo nước Mỹ can dự chuyện thể chế của châu Âu.

Nhưng xét theo lịch sử thì sự hình thành EU có thể nói là do bàn tay đạo diễn của Mỹ! Từ đầu năm 1947, khi châu Âu còn vật vã sau chiến tranh thì ngoại trưởng Mỹ George Marshall đã thành lập một đội quan chức cao cấp có nhiệm vụ hình thành chiến lược mới để hỗ trợ kinh tế châu Âu.

Nhưng ngược lại, cũng chính nhóm này đã khuyến cáo với chính phủ rằng châu Âu cũng là “một thị trường khổng lồ nhiều trăm triệu người mà Mỹ không thể để mất”.

Cùng lúc này, Ủy ban Mỹ vì châu Âu thống nhất (ACUE) ra đời kết nối quan hệ giữa các chính trị gia châu Âu ủng hộ việc hợp nhất với hai gương mặt tình báo hàng đầu của Mỹ là William J. Donovan - một trong những cha đẻ của CIA vào năm 1947 và Allen Dulles - người sau này trở thành lãnh đạo CIA dưới thời tổng thống Eisenhower.

Vào thời điểm đó, vai trò chính của ACUE là bình phong để chuyển tiền của CIA cho các hoạt động vận động hành lang cổ xúy thành lập châu Âu thống nhất.

Lịch sử cho thấy EU như “con đẻ” của Mỹ với những đường lối vận hành có dấu ấn của Mỹ ngay từ đầu. Lẽ đương nhiên nó cũng gắn bó chặt với những lợi ích quốc gia của Mỹ.

Vì lẽ đó, ông Richard N. Haass, chủ tịch Hội đồng quan hệ quốc tế (một tổ chức học giả phi đảng phái) của Mỹ, cho rằng nước Mỹ cũng bị thiệt hại nếu Anh rời EU vì như thế Mỹ mất đi một tiếng nói tại Brussels.

Do Anh là một đồng minh thân cận của Mỹ, nên lâu nay Washington vẫn thông qua ngõ này để có các tác động lên những thương thảo trong quan hệ với EU.

Theo ông Haass, việc Anh rút đi chắc chắn giúp vai trò của Đức trong khối mạnh lên và đồng thời khiến sức mạnh của EU yếu đi, vào lúc mà Mỹ mong muốn EU mạnh hơn để đảm đương vai trò lớn hơn trong sân chơi chính trị với Nga.

Nga lo cho kinh tế

Việc một thành viên chủ chốt của EU “tách đàn” cũng không hẳn là điều tốt đẹp đối với Nga - theo chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Nga Kosachev.

“Chúng tôi cần EU ổn định vì trên hết đây vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Nga” - ông Kosachev khẳng định. 49% kim ngạch thương mại của Nga là với EU và kể cả trong điều kiện cấm vận, tỉ lệ này vẫn chiếm đáng kể.

Ông Kosachev dẫn số liệu năm 2015 kim ngạch thương mại Nga - EU là hơn 230 tỉ euro, tuy giảm đáng kể từ mức kỷ lục 417 tỉ euro của năm 2014, nhưng đây vẫn là “những con số nghiêm túc”.

Các kỳ trước:

>> Kỳ 1: 

>> Kỳ 2: 

>> Kỳ 3: 

>> Kỳ 4:

>> Kỳ 5: 

MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên