29/06/2016 08:56 GMT+7

Brexit không ảnh hưởng thương mại tự do VN - EU

 QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vẫn diễn ra như lộ trình, đại sứ Bruno Angelet - trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam - khẳng định.

Đại sứ Bruno Angelet, trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam, gặp gỡ báo chí ở Hà Nội ngày 28-6 - Ảnh: Việt Dũng
Đại sứ Bruno Angelet, trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam, gặp gỡ báo chí ở Hà Nội ngày 28-6 - Ảnh: Việt Dũng

Việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vẫn diễn ra như lộ trình, đại sứ Bruno Angelet - trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam - khẳng định trong cuộc gặp gỡ báo chí tại Hà Nội chiều 28-6.

Đại sứ Bruno Angelet cũng nhấn mạnh nhu cầu cải cách EU để đảm bảo cuộc sống của công dân trong khối sau sự kiện người dân Anh trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23-6 đã quyết định London rời EU (hay còn gọi là Brexit).

Tiềm năng của Việt Nam rất lớn. Tôi và các đồng sự sẽ làm hết sức mình để kêu gọi đầu tư của EU vào Việt Nam

Đại sứ BRUNO ANGELET

EVFTA vẫn theo lộ trình

Dù thừa nhận Brexit tác động lớn đến thị trường tài chính châu Á và thế giới, nhưng đại sứ Bruno cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá một cách đầy đủ và chính xác của sự kiện này.

“Chúng ta phải lắng nghe thêm ý kiến của Chính phủ Vương quốc Anh, cũng như kết quả Hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng châu Âu ở Brussels.

Chúng ta cần phải có thêm thời gian để khẳng định Vương quốc Anh sẽ có những bước đi tiếp theo như thế nào.

Mọi tác động bây giờ chỉ là sự phỏng đoán. EU rất muốn có những thỏa thuận và dàn xếp trong thời gian tới để ổn định tình hình, trấn an mọi người và tránh điều tiêu cực có thể xảy ra về mặt tâm lý” - đại sứ EU cho biết.

Ông Bruno dẫn lời của Cao ủy thương mại Cecilia Malmstrom khẳng định thương mại đóng góp quan trọng và tích cực cho nền kinh tế và chính sách đối ngoại của EU và EU sẽ đảm bảo rằng thương mại tiếp tục mang lại những lợi ích thực sự cho các công dân trong khối. Các cuộc đàm phán của EU đối với các đối tác then chốt như Hoa Kỳ và Canada vẫn sẽ tiếp tục.

Về EVFTA, đại sứ Bruno Angelet nói vẫn thực hiện theo đúng lộ trình là thực thi hiệp định vào năm 2018. Hiện hiệp định này vẫn trong giai đoạn rà soát pháp lý và biên dịch sang các ngôn ngữ liên quan.

“Dòng đầu tư thương mại đang phát triển rất tích cực. FTA vẫn đang mang lại sự quan tâm lớn hơn nữa của cộng đồng đầu tư và kinh doanh của châu Âu khi muốn làm ăn với Việt Nam” - ông khẳng định.

Nhu cầu cải tổ

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ: “Dù là thành viên của thị trường chung châu Âu và được ưu ái không thực hiện nhiều quy định của EU, nhưng tại sao cử tri Anh vẫn dứt áo ra đi?

Đâu là giải pháp ngăn chặn những tình trạng tương tự và kịch bản xấu nhất là nguy cơ tan rã châu Âu?”, đại sứ Bruno Angelet cho rằng kết quả cuộc trưng cầu ý dân không phản ánh tốt thỏa thuận về sự dàn xếp mới dành cho Vương quốc Anh trong EU đạt được tại Hội đồng châu Âu vào ngày 18 và 19-2-2016.

Đại sứ Bruno Angelet cho rằng Brexit là một sự kiện chưa hề có tiền lệ mà EU đang phải đối mặt và tìm cách giải quyết.

“Tôi cảm thấy tiếc nuối. Nó không phải là sự kiện chỉ diễn ra trong một ngày mà là cả một quá trình phức tạp kéo dài. Tôi nghĩ lẽ ra đã có cách tránh kết cục này nhưng dù gì mọi chuyện cũng đã xảy ra và chúng ta phải đối mặt với nó.

Như Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói: “Những thứ không thể giết chết được bạn thì sẽ làm cho bạn mạnh mẽ hơn”. Tôi hi vọng Hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng châu Âu trong hai ngày 28 và 29-6 tại Brussels sẽ tìm ra phương án phù hợp để giải quyết vụ Brexit” - ông bày tỏ.

Đại sứ EU cũng cho biết EU nhận thấy nhu cầu cần phải cải tổ nhằm đảm bảo cuộc sống người dân trong mái nhà EU: “Chúng ta phải trả lời những câu hỏi, quan ngại của người dân EU.

Trong những vấn đề bình thường như bảo hiểm về hưu, giá cả nhà đất, tự do đi lại, tự do ngôn luận, trẻ em đi học, bảo đảm an ninh như thế nào trước các cuộc tấn công khủng bố gần đây...

Đây là những câu hỏi thiết thực và cần tìm câu trả lời thỏa đáng. Thách thức mà EU đang đối mặt không chỉ là thách thức của khối mà còn là thách thức toàn cầu, không quốc gia đơn lẻ nào có thể ứng phó một mình”.

Gian lận và thất hứa

Trong khi nỗ lực của những người vận động trưng cầu ý dân lần hai bỗng chốc bị coi như một trò lừa sau khi các quan chức Anh tuyên bố điều tra cáo buộc hơn 77.000 chữ ký trong đơn kiến nghị là giả, thì những người ủng hộ Brexit cũng cảm thấy “bị lừa” khi những người đã vận động họ bỏ phiếu thẳng thừng phủi bỏ những gì đã hứa.

Ba cam kết chính của phe vận động Brexit trước cuộc trưng cầu ý dân vô cùng hấp dẫn: 1. Họ khẳng định sẽ lấy lại toàn bộ số tiền nộp cho EU, khoảng 350 triệu bảng mỗi tuần, để đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, xây bệnh viện mới cho người dân.

2. Chiến dịch tuyên bố việc tách rời khỏi khối sẽ giúp Anh kiểm soát biên giới và ngăn nạn nhập cư. 3. Họ cam kết rằng kinh tế Anh sẽ hoàn toàn khỏe mạnh. Tuy nhiên, những gì diễn ra sau cuộc trưng cầu ý dân đã thực sự tạo ra một cơn bão trên thị trường Anh lẫn châu Âu và thế giới.

Trên BBC, lãnh đạo chiến dịch vận động Brexit Iain Duncan Smith lấp liếm rằng những lời hứa của họ chỉ là “những khả năng”. Ông Smith thừa nhận rằng không phải toàn bộ số tiền nộp cho EU sẽ được đổ vào hệ thống y tế. Còn lãnh đạo Đảng Nước Anh độc lập Nigel Farage thẳng thừng gọi lời hứa này là một “sự nhầm lẫn”.

“Tôi sẽ không bao giờ tuyên bố như vậy” - ông Farage nói. Trên thực tế, số tiền mà Anh nộp cho EU vốn được trả lại cho London dưới hình thức hỗ trợ nông nghiệp và đầu tư hạ tầng.

Nói về việc kiểm soát nhập cư, một nhà vận động Brexit khác là luật sư Nigel Evans cũng cho rằng đã có “hiểu nhầm” và cho biết nhóm này không thể đảm bảo rằng tỉ lệ nhập cư sẽ giảm khi Anh rời EU.

Trong khi đó giới phân tích cho rằng một khi không còn là thành viên, Anh có thể bị buộc phải mở cửa biên giới cho các lao động trong EU để giữ quan hệ thương mại với các thành viên của khối.

Theo giới quan sát, sự thất hứa của chiến dịch Brexit sẽ là vấn đề đau đầu cho tân thủ tướng Anh.

“Ông ấy, hay bà ấy, sẽ không thể đảm bảo được lời hứa của những người vận động Brexit rằng sẽ tiết kiệm được 350 triệu bảng mỗi tuần, hưởng những thỏa thuận thương mại có lợi, kiểm soát được nhập cư trong khi tránh được sụt giảm kinh tế” - chuyên gia Holger Schmieding của Ngân hàng Berenberg (Đức) nhận định.

TRẦN PHƯƠNG

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên