Anh Nguyễn Roãn Lộc, sống trên đường Bạch Đằng giao với đường Xô Viết Nghệ Tĩnh gần ngã tư Hàng Xanh, Q. Bình Thạnh, TP.HCM, cho biết con gái 5 tháng tuổi thường bị giật mình dậy khi đang ngủ do những tiếng còi xe quá lớn - Ảnh: Quang Định |
Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến xung quanh tình trạng ô nhiễm tiếng ồn đang ngày càng nghiêm trọng ở TP.HCM hiện nay.
Bà Đỗ Thị Mỹ Liên, viện phó Viện công nghệ môi trường - năng lượng ĐH Sài Gòn: TP.HCM cần có kế hoạch giảm tải lượng xe cộ đi lại tại những tuyến đường đông xe, mở ra những tuyến đường khác ra vào trung tâm nhằm chia sẻ bớt áp lực giao thông.
Người dân cũng phải có ý thức hơn, chỉ bấm còi xe khi cần thiết, thường xuyên đi xe buýt bảo vệ môi trường.
Những giải pháp trên chỉ là tạm thời, về lâu dài phải thành lập một đơn vị chuyên nghiên cứu về môi trường và các giải pháp khắc phục ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí.
PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn - hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên môi trường TP.HCM: Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi xảy ra tại nhiều nơi ở là xuất phát từ khói xe cộ, bụi bặm trên đường.
Bên cạnh lượng xe cộ đông đúc, nhiều cửa hàng phát nhạc cả ngày ồn ào cũng khiến người dân khổ sở.
Cần phải nhanh chóng có lộ trình loại bỏ bớt lượng xe cá nhân, người dân có ý thức sử dụng xe động cơ đạt chuẩn và có bộ phận giảm âm. Đồng thời, nên nghiên cứu xây tường chắn âm để giảm thiểu tiếng ồn.
Một lãnh đạo đội CSGT TP.HCM: Việc xử lý âm thanh gây ồn từ các loại xe cộ chưa có quy định cụ thể, lực lượng CSGT chưa được trang bị các thiết bị máy móc để đo tiếng ồn nên chưa có cơ sở để xử lý.
Các cơ quan quản lý nhà nước một mặt phải có quy định cụ thể mức độ vi phạm tiếng ồn ở từng khu vực, từng loại xe ra sao. Mặt khác cần trang bị thiết bị, phương tiện (giống như các loại thiết bị đo nồng độ cồn, máy bắn tốc độ...) cho các đơn vị có chức năng kiểm tra, xử lý.
Xử phạt “hát cho nhau nghe” Năm 2015, nhà hàng Champa ở P.Xuân Hà, Q.Thanh Khê (Đà Nẵng) tổ chức “hát cho nhau nghe” hai lần gây tiếng ồn với dàn loa công suất lớn vượt quá mức độ cho phép. Chính quyền phường và phòng văn hóa thông tin đã đo tiếng ồn và lập biên bản. Năm 2016, doanh nghiệp này tái phạm. Cơ quan chức năng lại đến đo và thấy mức độ âm thanh vượt quá quy chuẩn. Doanh nghiệp này cam kết không tái phạm và ngừng tổ chức “hát cho nhau nghe”. Nhưng vài ngày sau, nhà hàng này lại tiếp tục tổ chức “hát cho nhau nghe” và lần này, bị xử phạt 40 triệu đồng. |
Thế giới cũng "đau đầu" Chính quyền nhiều thành phố trên thế giới có các khung luật pháp giảm thiểu tiếng ồn đô thị, ví dụ bộ luật về tiếng ồn và công trình ở New Zealand năm 1992, hay đạo luật kiểm soát tiếng ồn ở Mỹ năm 1992 và đạo luật giữ im lặng trong cộng đồng năm 1978. Thông thường, các thành phố có quy định riêng về mức độ gây ồn. Đây là những con số được đo đạc cẩn thận, thống nhất làm chuẩn để xử phạt khi có khiếu nại. Các công trình, đường sá theo đó để thiết kế đáp ứng theo. Các tiến bộ trong xây dựng nhà cửa, đường sá, đô thị cũng được áp dụng như dùng vật liệu cách âm, thiết kế nhà và trồng cây bao phủ để tránh ồn. Thậm chí ở Zurich (Thụy Sĩ) - thành phố yên tĩnh nhất thế giới, các kỹ sư lượng tử còn nghiên cứu cách thức “đẩy” âm thanh sang một hướng nhất định thay vì đi xuyên qua vật thể hoặc vang ra xung quanh. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra các đề xuất gồm xây dựng các cơ sở cản tiếng ồn từ đường sắt hoặc đường bộ, kết hợp trồng cây xanh, dùng vật liệu chống ồn làm đường phố và vận động ý thức người dân về tác hại của tiếng ồn. Một giải pháp dài hạn là chuyển sang sử dụng xe điện (EV), vừa giảm ô nhiễm không khí, vừa giảm tiếng ồn động cơ. * Tháng 3-2017, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) công cố kết quả nghiên cứu cho thấy thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) đứng đầu về ô nhiễm tiếng ồn, tiếp đến là Cairo (Ai Cập), Mumbai (Ấn Độ), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và Bắc Kinh (Trung Quốc). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận