Bọt nổi trắng kênh Tàu Hủ sau cơn mưa chiều 15-5 - Ảnh: L.G |
Tuy nhiên theo đại diện Công ty TNHH một thành viên thoát nước đô thị TP.HCM - đơn vị vận hành trạm kiểm soát triều P.16, Q.8 ( kiểm soát triều rạch Nhảy - Ruột Ngựa) việc bọt trắng xuất hiện tại dòng kênh này không phải chuyện mới. Nhưng tình trạng bọt trắng xảy ra như ngày 15-5 là nhiều nhất.
Nguyên nhân do mưa lớn, cống kiểm soát triều (thời điểm mưa đang đóng lại) phải vận hành 2 máy bơm/6 bơm (mỗi máy bơm 14.000m3/giờ) bơm nước từ bên trong ra ngoài. Do nước thải hiện nay trên các kênh gần như chưa được xử lý nên quá trình bơm, nước kênh bị sục lên tạo ra bọt trắng.
Những lần bơm trước cũng tạo ra bọt trắng nhưng do chỉ vận hành 1 máy bơm nên lượng bọt ít hơn.
Cũng theo vị đại diện này, hiện đơn vị đang tiến hành lấy mẫu nước phân tích để xem trong thành phần có chất gì tạo ra nhiều bọt như thế.
“Tuy nhiên kết quả mẫu nước này cũng chỉ phục công tác nội bộ. Nếu muốn nước không bọt trắng nữa nước thải ra kênh phải được xử lý triệt để”, vị đại diện này cho biết.
Đặt vấn đề về nước thải của các đơn vị tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn quận 8 thải ra kênh Ruột Ngựa, ông Lê Quỳnh Đài - phó chủ tịch UBND Q.8 cho rằng trên địa bàn quận hiện gần như không còn cơ sở tiểu thủ công nghiệp, nước thải ra kênh chủ yếu là nước thải sinh hoạt.
Ông Đài cũng nhận định khu vực rạch Ruột Ngựa gần như là khu vực cuối nguồn của lưu vực kênh Tàu Hủ nên có khả năng chứa thất thải từ đầu nguồn.
Về giải pháp trong thời gian tới, đại diện Công ty thoát nước đô thị TP cho biết sẽ lắp hệ thống phun sương, lưới nhằm hạn chế phát sinh bọt trong quá trình vận hành các bơm thoát nước.
Công trình cống kiểm soát triều P.16, Q.8 được đưa vào vận hành từ năm 2015 được cho giúp giảm ngập cho khoảng 18.000 dân tại Q.8 và một số khu vực tại Q.6.
Công trình xây dựng kè (từ cầu Hòa Lục đến ngã ba sông Cần Giuộc) kết hợp với cống kiểm soát triều có tổng vốn đầu tư hơn 220 tỉ đồng. Phạm vi chống ngập của công trình này bao gồm các tuyến đường như: Phú Định, Hồ Học Lãm (Q.8), Kinh Dương Vương, Lý Chiêu Hoàng, Nguyễn Văn Luông (Q.6) có quy mô khoảng 500ha.
Công trình còn được trang bị sáu tổ máy bơm công suất lên tới 23,33 m³/giây, để phát huy được hiệu quả chống ngập khi cùng lúc xảy ra mưa lớn và triều cường. Tuy vậy quá trình vận hành hệ thống bơm tại cống thường tạo ra lớp bọt trắng xóa trên dòng kênh do chất lượng nước dưới kênh được cho chứa nhiều hóa chất.
Ông Trần Nguyên Hiền - Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên môi trường cho biết đã cử tổ kỹ thuật xuống khu vực rạch Ruột Ngựa lấy mẫu nước để phân tích các chỉ tiêu.
Theo ông Hiền, chuyện nước kênh Ruột Ngựa - Tàu Hủ bị sủi bọt trắng ở những trận mưa đầu mùa không phải mới mà đã từng xảy ra trước đây.
Ông Hiền cho hay thông thường ở các con kênh bị ô nhiễm, trong nước có nhiều chất hoạt động bề mặt nên khi vận hành trạm bơm áp lực nước tăng cao tạo nên hiện tượng sủi bọt. Tùy theo nồng độ chất hoạt động bề mặt mà lượng bọt khí sinh ra nhiều.
“Đây là hiện tượng thường thấy ở các dòng kênh bị ô nhiễm. Kênh Ba Bò ở quận Thủ Đức trước khi được cải tạo có độ dốc và lưu tốc dòng chảy lớn cũng từng tạo ra những khối bọt cao ngang mặt đường” - ông Hiền nói.
Thấy bọt nổi trắng, nhiều người đi đường lo ngại - Ảnh: L.G |
Có nơi bọt dồn đống như bọt xà bông - Ảnh: L.G |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận