CSGT đội Nam Sài Gòn dán banner “không lái xe sau khi sử dụng rượu bia” tại các quán nhậu - Ảnh: PC08
Sẽ có xung đột lợi ích, chủ quán phải rơi vào hoàn cảnh "đứng giữa hai dòng nước", làm sao không mất lòng khách và giúp người say "an toàn trên xa lộ" thật không hề đơn giản.
Khuyên người tỉnh táo đã khó, giải thích cho người đang lâng lâng còn khó hơn. Quán mong có khách đến ủng hộ, nhưng giải quyết vấn đề không theo ý muốn của "thượng đế" thì sẽ có thể có những tin đồn bất lợi.
Cũng đừng quên số lượng khách cần "trợ giúp" luôn rất cao, làm sao báo? Ở TP.HCM có hàng ngàn quán nhậu, cơ quan CSGT liệu đủ sức tiếp nhận và giải quyết?
Trong chuyện này, không gì hiệu quả hơn việc làm xuất phát từ thiện chí của đơn vị kinh doanh. Họ sẽ có những sáng kiến giúp đỡ khách hàng về nhà, đảm bảo được cả tình và lý.
Trước khi nghị định 100/NĐ-CP ra đời, một số quán ăn ở An Giang đã áp dụng mô hình "đưa người say về nhà" bằng cách gọi xe hoặc bố trí nhân viên đảm nhận việc đưa khách về nhà. Việc này từng được khen ngợi. Khi chủ quán tích cực phối hợp sẽ có giải pháp người say cũng hài lòng, gia đình cũng yên tâm hơn.
Hiện nay, tại nhiều quán bia ở TP.HCM, thực khách rất vui khi nhìn thấy những dòng chữ "Bạn uống, tôi lái", "Hãy cứ là bạn, an toàn đã có tôi" cùng với hotline và mã QR rất chuyên nghiệp và giá phải chăng. Nhân rộng những chuyện này không quá khó.
Không nên bàn lùi. Cần có nhiều cách làm khác nhau để "trợ giúp" chủ cơ sở kinh doanh trong việc giải bài toán khi có khách hàng quá chén. Khi say xỉn thì mất quyền điều khiển xe.
Nghĩ cho cùng, chủ quán có trách nhiệm với khách có thể gọi người thân đón khách về. Tương tự, ai mời bạn đến nhà dự tiệc cũng phải có trách nhiệm với đường về của khách.
Việc TP.HCM đang làm trước hết vì an toàn sức khỏe và tính mạng của thực khách và hạnh phúc của gia đình họ. Xin giảm bớt những cách nghĩ tiêu cực. Đừng ai nghĩ khó quá mà bỏ qua cơ hội để thay đổi, để uống bia rượu một cách văn minh hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận