21/05/2012 04:34 GMT+7

Bột khoai mì làm tan nát rừng

VIỆT HÙNG - TẤN VŨ
VIỆT HÙNG - TẤN VŨ

TT - Nhiều cánh rừng tại Kon Tum đang bị tàn phá để lấy đất trồng mì (sắn). Các cánh rừng dọc QL 24, từ đèo Violăk qua huyện Kon Plông, Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum), xanh bạt ngàn trước đây, giờ trở nên trơ trọi đất đá.

ylo7lCPE.jpgPhóng to
Rừng Kon Plong đang bị tàn phá - Ảnh: Tấn Vũ

Từng hàng cây cổ thụ lẫn những cây non ngã rạp để nhường đất cho những rẫy mì.

Đổ đèo Violăk hướng về phía Kon Tum những ngày giữa tháng 5 chói chang, từng vùng rừng sát QL 24, địa phận xã Pờ Ê, (huyện Kon Plông) bị người dân thi nhau đốn hạ cây, gỗ. Những vùng rừng phẳng lẫn triền dốc, cây, gỗ ngã đổ ngổn ngang một vạt dài hàng trăm mét. Ở đó gỗ lớn được cưa xẻ cẩn thận chất đống dưới quốc lộ, cây nhỏ được người dân cột thành bó làm củi, còn gốc cây lớn dân đốt lấy than, khói bay mù mịt một góc rừng xanh.

Gần ba năm nay kể từ khi Kon Tum có các nhà máy chế biến mì thì tình hình phá rừng trồng mì tăng lên

Qua địa phận xã Pờ Ê tiếp đến xã Hiếu, từng vùng đất rừng cũng bị hạ tan nát, có khu vực đường kính cây gỗ bị cưa hạ đến nửa mét, xung quanh đó là các cây con vài ba tuổi cũng ngã rạp. Từng khoảnh đất rừng nham nhở màu đỏ, xen lẫn gốc cây bị đốt, phá chuẩn bị trồng mì. Còn những khu vực rừng trước đó bị đốn hạ cũng đã được trồng mì dày đặc.

A Hải - người thôn 4, thị trấn Kon R’ve, huyện Kon Rẫy - vừa châm lửa đốt vạt rừng rộng gần 1ha do chính anh khai phá, cây cối ngã rạp, đất đã được cào bằng chờ trồng trọt. Ngừng tay rựa, anh Hải tâm sự: “Thật ra tụi tôi chẳng muốn phá rừng, nhưng vì không có đất nên đành phải chặt cây trồng sắn khoai, bời lời. Không trồng lấy chi sống? Nhà nước hứa chi trả tiền cho việc giữ rừng nhưng đến giờ đâu có thấy. Nhà mình một vợ ba con khó khăn lắm!”.

Ông Trương Văn Lên - hạt trưởng Hạt kiểm lâm Kon Rẫy - thừa nhận việc phá rừng làm rẫy, trồng mì trên địa bàn là có thật và phức tạp. Theo ông Lên, gần ba năm nay kể từ khi Kon Tum có các nhà máy chế biến mì thì tình hình phá rừng trồng mì tăng lên. Năm 2011 giá thu mua mì tăng thì diện tích rừng bị hạ tăng theo, năm 2012 giá mì giảm thì việc chặt hạ rừng cũng “hạ nhiệt”.

Chính sách thu hút các nhà máy bột mì vào địa phương được nhận diện là một nguyên nhân quan trọng của việc phá rừng. Ông Trương Văn Lên trăn trở: “Theo tôi biết bên Thái Lan người ta đã dừng việc phát triển các nhà máy sản xuất bột mì và chuyển đầu tư ra nước ngoài vì diện tích rừng bị tàn phá quá mức. Ở mình lại phát triển vô tư các nhà máy bột mì nên công việc giữ rừng rất gian nan. Bây giờ phạt hành chính người dân quá nghèo khó lấy gì họ thi hành. Còn xem là hình sự thì liệu có tốt với dân hay không?”.

Phó bí thư Đảng ủy xã Hiếu Phạm Thanh Bình cho biết việc phá rừng làm rẫy, trồng mì bùng phát chính là do việc giao khoán rừng cho các hộ dân chỉ mới dừng lại trên... giấy. Bởi việc hỗ trợ giao khoán, trồng rừng cho người dân theo chương trình 30a chưa được triển khai, vẫn đang được điều tra, khảo sát.

Dù các địa phương, ngành kiểm lâm tổ chức tuyên truyền, bắt và lập biên bản, phạt tiền, ký cam kết không được phá rừng làm rẫy, trồng mì nhưng người dân vẫn không chùn tay.

VIỆT HÙNG - TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên